Chiều 9-2, thăm Triển lãm Quốc gia thông minh Singapore, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn đại biểu nghe ông Lim Eng Hwee - giám đốc điều hành Cơ quan phát triển đô thị Singapore (URA) - giới thiệu về quá trình phát triển của Singapore.
Đại diện URA cho biết với tư cách vừa là một quốc gia nhưng cũng vừa là một thành phố, Singapore đối diện với nhiều câu hỏi quan trọng.
Chẳng hạn việc quy hoạch và sử dụng đất như thế nào, bảo tồn hệ thống cây xanh và tăng độ phủ xanh ra sao, đối phó với nước biển dâng như thế nào.
Do chia đất nước thành nhiều khu vực để chuyên biệt phát triển, Singapore cũng nhận thức rõ việc phải kết nối những khu vực này ra sao thông qua hệ thống đường sắt, tàu điện. Theo chia sẻ của ông Lim Eng Hwee, hiện nay Singapore có khoảng 200km đường sắt và đang đặt mục tiêu nâng lên 380km trong 10 năm tới.
Nếu mục tiêu này đạt được, khoảng 85% khu vực dân cư và các tòa nhà, khu hành chính... của Singapore sẽ có thể đi đến được bằng tàu điện.
Thủ tướng sau đó được nghe ông Sim Feng-Ji, phó giám đốc Cơ quan Quốc gia thông minh của Singapore, và chuyên viên cơ quan này thuyết trình thêm về chiến lược xây dựng "quốc gia thông minh".
Theo đó, chiến lược này gồm ba nhánh chính là xã hội số, kinh tế số và chính phủ số. Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam chăm chú lắng nghe khi được giới thiệu về các công nghệ giúp giải quyết vấn đề cuộc sống của người dân Singapore.
"Lấy nhu cầu của người dân làm động lực đổi mới"
Sau khi được giới thiệu về quy hoạch và chiến lược "quốc gia thông minh" của Singapore, Thủ tướng hỏi riêng hai ông Lim Eng Hwee và Sim Feng-Ji hai vấn đề. "Vấn đề đầu tiên tôi muốn hỏi là triết lý quy hoạch của Singapore là gì?", nhà lãnh đạo Việt Nam nêu.
Đại diện trả lời, ông Sim Feng-Ji cho biết đó là tầm nhìn dài hạn, tức là nhìn bao quát tất cả và nhận biết được điểm mạnh của từng khu vực, những lợi ích mà khu vực đó đem lại. Tất nhiên điều đó cần sự vào cuộc, đồng lòng của cả bộ máy chính quyền, không chỉ trong 5 năm hay 10 năm mà có khi lên tới cả nửa thế kỷ.
Với một thời gian dài như vậy, việc có những thay đổi là điều khó tránh khỏi. Do đó thay vì cứng nhắc như cách thức đề ra ban đầu, Singapore sẽ linh hoạt thích ứng và điều chỉnh.
Thủ tướng đồng ý với chia sẻ của ông Sim Feng-Ji và cho rằng sự đổi mới sáng tạo lẫn tầm nhìn dài hạn mới là điều quan trọng nhất.
"Yếu tố nào là quan trọng nhất, quyết định cho việc triển khai một chính phủ số thành công?" - Thủ tướng nêu tiếp câu hỏi.
Trả lời câu hỏi này, ông Sim Feng-Ji cho biết là một quốc gia Đông Nam Á nên cách xây dựng chính phủ thông minh của nước này cũng mang màu sắc châu Á.
Song thay vì tập trung vào việc xây dựng hay sở hữu những công nghệ gì, Singapore chú trọng vào việc đáp ứng các nhu cầu của người dân lẫn doanh nghiệp.
"Chúng tôi luôn sâu sát với người dân, lắng nghe nguyện vọng của họ và tìm cách đáp ứng bằng công nghệ. Công nghệ có sẵn, người dân cũng có sẵn. Vấn đề tiếp theo là làm sao để họ sử dụng công nghệ để giải quyết vấn đề và nhận thấy sự hữu ích của chúng. Chính phủ cần phải có tiếng nói trong việc đó", ông Sim Feng-Ji nói tiếp.
Thủ tướng cảm ơn những chia sẻ của ông Sim và khẳng định để xây dựng chính phủ số thành công, phải lấy giải quyết nhu cầu của người dân để làm động lực đổi mới, sáng tạo.
Ngân hàng Standard Chartered muốn giúp Việt Nam
Cũng trong chiều tối 9-2, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Simon Cooper, tổng giám đốc phụ trách khối khách hàng doanh nghiệp và định chế tài chính châu Âu, châu Mỹ của Ngân hàng Standard Chartered.
Đi cùng còn có ông Patrick Lee, tổng giám đốc khu vực Singapore và các thị trường ASEAN của Ngân hàng Standard Chartered.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết trong giai đoạn tới Chính phủ Việt Nam ưu tiên và khuyến khích phát triển tài chính xanh và bền vững, đặc biệt là thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu xanh.
Điều này nhằm hỗ trợ thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 và thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Thủ tướng cũng cho biết Việt Nam đã đạt được thỏa thuận Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với các quốc gia đối tác phát triển.
Đại diện Standard Chartered bày tỏ mong muốn hợp tác với Việt Nam trong JETP, đánh giá cao các cam kết của Việt Nam trong chống biến đổi khí hậu. Theo ông Simon Cooper, các đối tác rất quan tâm và tin tưởng vào Việt Nam, vấn đề là biến sự quan tâm này thành các dự án cụ thể. Ông cũng bày tỏ nhất trí với các ý kiến của Thủ tướng về phát triển năng lượng tái tạo, nhất là về giá điện phù hợp với người dân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận