19/12/2013 05:32 GMT+7

Hai cách kiếm sống

NGUYỄN VĂN MỸ
NGUYỄN VĂN MỸ

TT - Tuần rồi tôi đưa khách ra Phú Quốc. Đảo Ngọc có nhiều đổi thay tích cực, dù còn lâu mới trở thành đảo du lịch của khu vực. Mấy ngày ở đảo, tôi chứng kiến hai cách kiếm sống trái ngược.

Chợ đêm Dinh Cậu khá sầm uất, lối vào chợ đêm có mấy người ăn xin lặng lẽ, trong đó có một phụ nữ khiếm thị độ ngoài 30 tuổi, ngồi ôm đứa bé chừng 2 tuổi. Trời cuối năm se lạnh mà cháu bé phong phanh nằm ngủ ngon lành trên tay mẹ làm động lòng trắc ẩn nhiều du khách. Tôi cũng vậy. Trong lúc đợi khách, đang định ra trò chuyện và gửi chị ít tiền thì thấy một cháu trai chừng 4 tuổi chạy tới. Chị xua cháu ra chỗ khác chơi. Một lát, có người đàn ông đến dắt tay cháu ra ngoài. Hỏi ra đó là chồng chị. Anh ngồi trên xe máy, chơi với con trai lớn và đợi chị cách đó không xa. Vậy mà tôi cứ tưởng chị éo le hoặc nghèo khó quá! Càng trách anh nhẫn tâm khi đưa khuyết tật của chị ra phơi sương đêm với con nhỏ để kiếm tiền từ lòng thương hại.

Tôi ở khách sạn Thiên Hải Sơn. Sáng sớm ra biển, gặp một phụ nữ lam lũ đội nón lá sùm sụp, ngồi sát mép nước, dùng tay bới cát như kẻ dở hơi. Tới gần quan sát mới biết bà khá lớn tuổi, đeo giỏ lưới nhỏ trước ngực. Lâu lâu bà lại bỏ vào giỏ thứ gì đó. Tôi sà xuống hỏi chuyện. Bà cho biết tên Nguyễn Thị Nước, hơn 70 tuổi, đang kiếm sống hằng ngày bằng cách bắt chem chép nhỏ. Bà kể: “Ổng (chồng bà) đau yếu nên phải ở nhà. Mắt tui kém, chứ mấy năm trước tui đi vá lưới thuê kiếm ngày được 150.000 đồng. Bắt chem chép nhỏ ven bờ giá 20.000 đồng/kg. Ngày nào trúng, chịu khó cũng gom được 5-7kg, tạm đủ cho hai vợ chồng già và phụ tiền cho đứa con đang học cao đẳng Anh văn ở Rạch Giá. Hè nó mới làm thêm chứ trong năm học dữ lắm. Mùa này gió nam biển lặng mới có nhiều chem chép. Mùa gió bắc biển động phải đi vùng khác”. Trong khi vui vẻ chuyện trò, tay bà vẫn thoăn thoắt bới cát và lượm chem chép bỏ vào giỏ. Tôi bắt chước phụ bà và giải thích với mấy khách tò mò xung quanh.

Nắng vàng rực giữa biển xanh ngút ngàn. Gió hào phóng nghịch ngợm. Tôi nghe sống mũi cay xè và nhớ người phụ nữ khiếm thị ẵm con ăn xin có chồng ngồi đợi. Anh và cả chị đều có thể đi bắt chem chép như cụ Nước. Cũng là kiếm sống giản đơn nhưng đồng tiền có được khác hẳn. Một bên phải cúi mặt, chai lì. Một bên lạc quan và thanh thản. Con cụ Nước tự hào vì có người mẹ tảo tần. Con người đàn ông kể trên còn quá nhỏ, nhưng vài năm tới cháu sẽ hỏi những câu mà anh chị rất khó trả lời...

NGUYỄN VĂN MỸ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên