01/11/2011 09:33 GMT+7

Hai cách dùng hàng rào kỹ thuật

XUÂN TOÀN
XUÂN TOÀN

TT - Ông Lê Văn Trí - phó tổng giám đốc Công ty Casumina - cho biết doanh nghiệp của ông vừa mất ròng rã một năm trời mới thâm nhập, đưa được mặt hàng lốp xe vào thị trường Bangladesh. Kể lại câu chuyện này, ông Trí nhiều lần thốt lên: “Khó khăn lắm chúng tôi mới vượt qua được hàng loạt rào cản kỹ thuật mà nước này đặt ra đối với hàng nhập khẩu”.

Mặc dù trình độ phát triển nền kinh tế Bangladesh cũng tương ứng như VN, nhưng để mặt hàng lốp xe vào thị trường này, Casumina phải có giấy chứng nhận về tiêu chuẩn lốp xe của Mỹ, giấy chứng nhận quốc tế đối với phòng kiểm nghiệm của doanh nghiệp...

Ở các thị trường trong khu vực như Malaysia, Thái Lan, Indonesia..., ông Trí khẳng định hàng xuất vào cũng phải trải qua hàng loạt bước đi “chông gai”. Cụ thể với thị trường Malaysia, phải gửi hàng mẫu trước để họ kiểm tra, nếu hợp chuẩn với tiêu chuẩn quốc gia của họ, cơ quan tiêu chuẩn nước này mới sang VN (chi phí do doanh nghiệp chịu) khảo sát nhà xưởng. Khi đạt yêu cầu, cơ quan này mới chính thức cấp giấy chứng nhận cho nhập.

Kể lại câu chuyện trên để thấy rằng việc dựng hàng rào kỹ thuật ở các nước đang là một xu hướng tất yếu trong bối cảnh hội nhập và hàng rào thuế quan phải cắt giảm. Việc các nước làm gắt gao các bước trước khi cho phép bất kỳ một mặt hàng nào nhập vào không chỉ bảo hộ nền sản xuất trong nước mà còn là cách để bảo vệ người tiêu dùng nước họ trước tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng... tràn lan hiện nay.

Ở VN, thời gian qua cũng có rất nhiều hàng rào kỹ thuật được dựng lên nhằm ngăn chặn hàng nhập khẩu qua con đường chính ngạch. Chẳng hạn với mặt hàng đồ chơi trẻ em, từ cuối năm 2009 quy định sản phẩm đồ chơi trẻ em bày bán trên thị trường phải đáp ứng các chỉ tiêu an toàn về hóa học và cơ lý theo quy chuẩn an toàn đồ chơi trẻ em của Bộ Khoa học - công nghệ. Đồ chơi trẻ em chỉ được đưa ra thị trường khi đã qua kiểm nghiệm và được cấp chứng nhận an toàn đối với lô hàng, loại sản phẩm cụ thể và có dán tem phù hợp quy chuẩn CR. Quy định chặt chẽ là vậy, thế nhưng khảo sát của PV Tuổi Trẻ mới đây cho thấy rất nhiều mặt hàng đồ chơi có xuất xứ từ Trung Quốc được bày bán đều không hề dán tem CR.

Gần đây hơn, nhằm hạn chế nhập siêu, Bộ Công thương đưa ra quy định một số mặt hàng như điện thoại di động, rượu, mỹ phẩm, ôtô chỉ được nhập qua ba cửa khẩu quốc tế là cảng biển TP.HCM, Đà Nẵng và Hải Phòng. Tuy nhiên, theo số liệu từ cơ quan hải quan, chỉ riêng với mặt hàng điện thoại di động, kim ngạch nhập khẩu vẫn tăng chóng mặt. Nếu như tháng 6-2011, thời điểm quy định trên bắt đầu có hiệu lực, kim ngạch nhập khẩu chỉ khoảng 77 triệu USD thì đến tháng 9-2011, kim ngạch đã vọt lên hơn 216 triệu USD.

Còn nhiều quy định, trường hợp mới đưa ra có vẻ quy định rất chặt chẽ, thế nhưng khi triển khai trên thực tế lại hoàn toàn ngược lại. Điều này lý giải vì sao nhập siêu tại VN thời gian qua liên tục duy trì ở mức cao (10 tháng đầu năm 2011 hơn 8,4 tỉ USD). Trong đó có không ít các mặt hàng tiêu dùng xa xỉ, hàng kém chất lượng, hàng mà doanh nghiệp trong nước có thế mạnh... vẫn vô tư được nhập về.

Nhiều chuyên gia cho rằng nếu chúng ta không quyết liệt chấn chỉnh tình trạng trên, VN sẽ tiếp tục là vùng trũng cho hàng ngoại nhập kém chất lượng và không sớm thì muộn sẽ từng bước giết chết sản xuất trong nước.

XUÂN TOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên