21/09/2013 03:05 GMT+7

Hai bức xúc

longhp
longhp

TT - Hai bài viết được gửi về, một của giảng viên lâu năm Trường ĐH Y dược TP.HCM (ông đề nghị không nêu tên) và một của bạn Triệu Ngọc Diệp (cũng là sinh viên Trường ĐH Y dược TP.HCM) quanh câu chuyện đang nóng hiện nay: đào tạo y khoa.

Mời bạn đọc cùng theo dõi.

1. Có một không hai trên thế giới

Những ngày qua nghe những câu chuyện về học hành trong ngành y và cách tuyển sinh, đào tạo có một không hai trên thế giới này, chúng tôi là những người thầy thuốc và thầy giáo trong ngành thấy vô cùng buồn. Chẳng lẽ vì những lý do nghe có vẻ hợp lý và thuyết phục được một số ít người mà chúng ta lại cố tình đào tạo ra những người không phải là thầy thuốc mà đi khám và chữa bệnh. Những người học đủ sáu năm ra còn lúng túng trong khám và chữa bệnh, còn ở nước ngoài chỉ được phép khám và chữa bệnh sau khi hoàn tất chương trình học đầy đủ từ 9-10 năm. Còn bây giờ họ học như thế này thì không biết sẽ đưa nền y tế của chúng ta đi đến đâu.

Câu chuyện chúng tôi kể dưới đây sẽ chứng minh cho điều đó:

Ở một bệnh viện nọ, có một anh kỹ thuật viên gây mê hồi sức. Chẳng biết bằng cách nào mà anh và khoảng 30 người bạn nữa mặc dù không đi học hay đi học vài buổi đã có bằng y sĩ trong vòng một năm và bằng đó được ký lùi lại khoảng ba năm trước. Với mớ hành trang đó anh và các bạn đi xuống một trường ĐH ở miền Tây Nam bộ đăng ký học liên thông, bốn năm lên bác sĩ đa khoa mà không cần thi cử gì cả, vị giám đốc bệnh viện rất lo ngại cho việc học kiểu này nhưng không thể cấm họ đi học.

Chương trình học thì có một không hai trên thế giới: tuần học hai ngày thứ bảy và chủ nhật. Chỉ có lý thuyết không có thực hành, bởi vì đó là hai ngày nghỉ các bệnh viện chỉ nhận bệnh nhân cấp cứu. Thầy giáo thì mời từ các nơi khác đến bữa có bữa không. Bản thân người kể câu chuyện này và nhiều giảng viên khác được mời tham gia giảng dạy và yêu cầu chúng tôi gửi hồ sơ để họ xin phép mở trường. Nhưng nhìn vào chương trình đào tạo và cách tuyển sinh lạ đời như vậy không ai dám tham gia giảng dạy cả.

2. Tốt nghiệp trường nào?

Tôi đang là sinh viên năm 4 ngành y đa khoa Trường ĐH Y dược TP.HCM. Để vào được ngôi trường danh giá, học ngành mơ ước này là cả một quá trình rèn luyện, học tập cật lực. Với 26,5 điểm tôi còn lo rớt, cũng may năm đó điểm thi vào không cao.

Tôi không cho là thí sinh điểm thấp không thể học ngành y, nhưng qua quá trình học tập tôi mới thấy để trở thành một bác sĩ (chưa nói một bác sĩ giỏi) là điều không dễ dàng, hay nói đúng hơn là rất khó. Một người có học lực khá như tôi đôi lúc còn thấy “oải”, thậm chí có bạn phải bỏ cuộc, thi đi thi lại suốt. Đó là chúng tôi được đào tạo trong một môi trường học tập rất đầy đủ, bài bản...; với đội ngũ giảng viên hùng hậu, được thực tập ở các bệnh viện lớn, chuyên khoa, các phòng thí nghiệm hiện đại, trực tiếp trên xác người... Riêng việc học tập trên xác không chỉ ngành bác sĩ đa khoa mà cả ngành dược, điều dưỡng, nha... đều được tiếp cận. Còn đào tạo bác sĩ, dược sĩ... với cơ ngơi là vài bộ xương mô hình, vài chiếc kính hiển vi... thì tôi không hiểu việc học tập sẽ đi đến đâu!

Một trường khác chẳng dính dáng gì tới ngành y thì rầm rộ tuyển sinh dược sĩ đại học. Một người quen với tôi vừa đăng ký cho con học ngành xét nghiệm ở một trường ĐH đã vội vã chuyển con qua học “dược sĩ Tây đô” vì “oai hơn”. Với ông, hơn 35 triệu đồng học phí/năm không là gì, cũng như ông thừa biết chất lượng “tiền nào của nấy”, đơn giản chỉ cần tấm bằng để... mở nhà thuốc tây!

Không phủ nhận tính tích cực trong việc mở các chuyên ngành y ở một số trường đại học, nhưng thiết nghĩ mọi thứ cần chỉn chu, nghiêm túc, bài bản hơn. Phải đầu tư đầy đủ từ cơ sở vật chất đến đội ngũ giảng viên chứ không thể làm theo kiểu dễ dãi với một ngành học đòi hỏi sự chính xác, nghiêm túc...

Chuyện vội vã “nở rộ trường y” theo tôi một phần vì nắm bắt được tâm lý nhiều người muốn cho con em học ngành y. Và đã có cầu ắt phải có cung. Nhưng có lẽ cái quy luật cung cầu ở đây đã đi chệch những nguyên tắc cơ bản đối với một ngành nghề đặc thù, chất lượng trên hết chứ không phải là số lượng. Không bi quan nhưng chúng ta có quyền nghi vấn: đầu vào quá thấp thì đầu ra liệu có cao? Ai dám đảm bảo chất lượng, đảm bảo giải quyết tốt tình trạng thiếu nguồn nhân lực... Hay rồi mọi thứ sẽ rối tung, vàng thau lẫn lộn... Không khéo mai này tôi ra trường sẽ có bệnh nhân hỏi tôi câu đầu tiên là: Bác sĩ tốt nghiệp trường nào?

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

longhp
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên