TTCT - Với những đánh giá hệ thống khá đầy đủ về nạn xâm hại tinh dục và bạo hành trẻ em đã sẵn có, thật khó hiểu khi vẫn còn tồn tại sự mơ hồ trong diễn giải pháp luật, lúng túng trong xử lý, chậm trễ trong phòng ngừa. Vụ một bé gái bị “tấn công” trong thang máy chung cư tại quận 4 (TP.HCM), một nữ sinh lớp 9 bị đánh đập và làm nhục ở Hưng Yên... một lần nữa, bổ sung vào hiện trạng từng được nghiên cứu khá sâu sắc về bạo hành và xâm hại trẻ em. Gần nhất có hai khảo sát, một của UNICEF cùng thực hiện với TP.HCM mang tên “Báo cáo Phân tích tình hình trẻ em TP.HCM năm 2017”, một của Economist Intelligence Unit (EIU) mang tên “Ra khỏi vùng tối: Soi sáng sự phản ứng đối với xâm hại tình dục trẻ em”. Điều đáng nói là hai báo cáo này, một được thừa nhận và chính thức công bố bởi nhà chức trách, một lại bị tự ái bác bỏ bởi một cơ quan có trách nhiệm trực tiếp... MỘT HIỆN TRẠNG ĐƯỢC BÓC DỠ Báo cáo thứ nhất, “Phân tích tình hình trẻ em TP.HCM năm 2017”, là một nghiên cứu mà UNICEF khởi xướng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam ở cấp trung ương và địa phương trong suốt thập kỷ qua. Báo cáo này nhằm “cung cấp bằng chứng về tình hình và xu hướng thực hiện quyền trẻ em, đồng thời cung cấp phân tích nguyên nhân của các thiếu hụt và sự khác biệt, vai trò, trách nhiệm và khoảng trống năng lực của các cơ quan thực hiện quyền, cuối cùng đưa ra các khuyến nghị và ưu tiên để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và nhằm đảm bảo hạnh phúc cho trẻ em”. Kết quả báo cáo cho thấy một kết luận nhức nhối “Việt Nam thiếu hệ thống bảo vệ trẻ em toàn diện”. Nhưng việc báo cáo được thực hiện (và nhận lời cảm ơn từ giới chức chính quyền TP.HCM) cho thấy đây là những bước đi quan trọng của UBND TP.HCM trong cam kết nỗ lực đảm bảo quyền của mọi trẻ em trong thành phố và để thực hiện Công ước quốc tế về quyền trẻ em. Rõ ràng, chính quyền TP.HCM đã hiểu tại sao cần nhờ UNICEF giúp đỡ để nhìn thấu suốt hiện trạng một cách trung thực, để có thể nhờ đó mà biết còn sai, thiếu gì, ở đâu để sửa đó, lần hồi tiến đến tự hoàn thiện. Báo cáo của UNICEF (184 trang), dựa trên dữ liệu của khu vực Đông Nam Bộ, gồm cả TP.HCM, ghi nhận con số trẻ em bị xử phạt về thân thể đã giảm một phần ba (1/3), từ 64,1% vào năm 2004 xuống còn 41,5% vào năm 2014. Đặc biệt, các hình thức kỷ luật thân thể nghiêm trọng đã giảm hơn năm lần, từ 7,9% trong năm 2004 xuống 1,5% trong năm 2014. Tuy nhiên, hình thức xử phạt bằng áp lực tâm lý lại giảm chậm hơn, từ 89% vào năm 2004 xuống 60,1% vào năm 2014”. Nhưng báo cáo vẫn nêu rõ: “Dù Luật giáo dục đã nghiêm cấm mọi hình thức trừng phạt thân thể ở trường, cần có cơ chế hiệu quả để thực thi luật này vì giáo viên vẫn sử dụng các biện pháp trừng phạt thân thể để duy trì kỷ luật trong lớp và uốn nắn hành vi của trẻ. Theo một khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM với gần 200 học sinh THPT, 26,3% học sinh trả lời rằng các em đã thấy giáo viên áp dụng nhiều hình thức phạt đối với học sinh, gồm cả đe dọa, cốc vào đầu, véo tai, bắt học sinh đứng dưới nắng. Trẻ mẫu giáo cũng bị bạo lực học đường ở TP.HCM”. Báo cáo này đưa ra định nghĩa bao trùm về bạo lực học đường “bao gồm cả hành vi bắt nạt giữa các học sinh với nhau và bạo lực do giáo viên gây ra với học sinh trong khuôn viên nhà trường... Bắt nạt thường xuyên xảy ra trong trường học, từ trêu chọc ngoại hình của nhau, trấn lột hoặc “mượn” tiền hoặc đồ vật của người khác khi chưa được cho phép, cho tới đánh lộn”. Đó là một định nghĩa được đưa ra dựa trên các phản ảnh ngày càng nhiều hơn của truyền thông trong những năm gần đây về các vụ bạo lực học đường, với thống kê cụ thể: hơn 1.600 vụ học sinh đánh nhau trong và ngoài trường học trên cả nước, hầu hết là đấm, đá, tát nhau, và một số vụ việc nghiêm trọng hơn, đã được báo với Bộ GD-ĐT trong giai đoạn 2013-2015. Riêng về TP.HCM - chủ thể “đặt hàng” nghiên cứu, đồng thời cũng là đối tượng nghiên cứu, báo cáo này cho biết: Theo kết quả khảo sát về bạo lực học đường do Trường đại học Sư phạm TP.HCM tiến hành, trong số 297 học sinh được phỏng vấn có 140 nữ sinh, hơn 50% trong đó nói rằng họ từng bị bắt nạt, trên 80% học sinh nói đã từng chứng kiến các vụ bắt nạt. Các nữ sinh cho biết họ bị tổn thương tâm lý nhiều hơn khi bị bắt nạt. Bắt nạt xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân, thường không bị tố cáo, do nhiều trẻ em là nạn nhân bị bắt nạt lựa chọn hoặc là không tố cáo, hoặc là chỉ chia sẻ với người thân trong gia đình”. Báo cáo nêu ra những kết luận ban đầu: “Chúng tôi thấy rằng học sinh có thể cảm thấy không muốn tố cáo các vụ việc bắt nạt do chịu áp lực từ bạn bè. Ngoài ra, việc giáo viên và nhà trường thiếu biện pháp hiệu quả để xử lý việc bắt nạt cũng làm cho học sinh không muốn tố cáo vụ việc”. Một báo cáo khác của Action Aid Việt Nam, một tổ chức phi chính phủ của Anh, mang tên “Thành phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái” nêu lên một thực tế chung đau lòng, rằng dù xâm hại tình dục trẻ em có thể diễn ra ở bất kỳ đâu, song những nơi công cộng ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM vẫn là những nơi mà phụ nữ và trẻ em gái có nguy cơ cao bị xâm hại tình dục. Theo báo cáo này, “87% phụ nữ và trẻ em gái từng bị quấy rối tình dục cho biết họ bị quấy rối tại những nơi công cộng như trên đường phố, trong công viên, xe buýt và nhà vệ sinh công cộng...”. Ngoài những đề mục đau xót và những số liệu khốc liệt này, còn là nhiều vấn đề nan giải khác liên quan tới trẻ em, như nạn du lịch tình dục trẻ em, bóc lột tình dục trẻ em vì mục đích thương mại, lao động trẻ em, buôn bán trẻ em... Và cả vấn nạn người chưa thành niên vi phạm pháp luật. Các vấn nạn đã được chỉ rõ cả “chứng” và “căn”. Điều cần biết là kể từ khi các kết quả khảo sát này được công bố từ tháng 11-2017, các ngành liên quan xa gần đã thẩm thấu và biến thành các kế hoạch hành động cụ thể như thế nào. CÂU CHUYỆN EIU VÀ PHẢN ỨNG CỦA CỤC TRẺ EM Báo cáo thứ nhì, do EIU công bố tháng 1-2019, đã không may mắn được tiếp nhận sòng phẳng như báo cáo nói trên của UNICEF, mà bị Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) phản đối do xếp Việt Nam gần cuối bảng xếp hạng chống xâm hại trẻ em: 37/40. Cục trưởng Cục Trẻ em tuyên bố: “Tôi không hiểu họ lấy thông tin và căn cứ vào tiêu chí gì để xếp Việt Nam như vậy. Cho đến thời điểm này, Cục Trẻ em chưa từng nhận thông tin hay báo cáo phản ánh gì từ các tổ chức nghiên cứu nào về trẻ em... Họ không gửi báo cáo cho chúng tôi...”! Nhưng nếu hiểu EIU là gì, làm gì, như thế nào, thì hẳn Cục Trẻ em đã không nêu vấn đề EIU “không “gửi báo cáo” như là một nghĩa vụ đương nhiên bắt buộc. EIU (thuộc tập đoàn truyền thông kinh tế The Economist, là tổ chức chuyên thu thập, phân tích và bán thông tin, dữ kiện, vận hội và thách thức của hơn 190 quốc gia) thực ra không chỉ có phần “chê” và cũng không chê một cách thiếu phương pháp. EIU ghi nhận cả những “Tiến bộ đã được thực hiện ở những điểm nào?” và đưa ra nhiều khuyến cáo chi tiết trong phần “Cần làm gì hơn nữa?”. Theo đó, báo cáo của EIU ghi nhận “Việt Nam đã ban hành luật pháp quan trọng để chống nạn lạm dụng tình dục trẻ em và bóc lột trẻ em. Năng lực của các tổ chức và công tác thu thập dữ liệu có thể được tăng cường”. Trong phần nhận định về khung pháp lý, báo cáo này nhận xét: Bộ luật hình sự Việt Nam chứa các điều khoản đặc biệt bao gồm lạm dụng và khai thác tình dục trẻ em. Chính phủ duy trì hồ sơ về số lượng tình dục lạm dụng tội phạm đối với trẻ em và có hướng dẫn cho các xét xử liên quan đến các hành vi phạm tội như vậy. Họ cũng ghi nhận việc Việt Nam có kế hoạch hành động quốc gia và các cơ chế chống buôn người đã đi vào hoạt động, bao gồm các hành động trong ngành lữ hành và công nghiệp du lịch. Có một loạt kế hoạch liên quan đến việc giải quyết các khía cạnh khác nhau của nạn khai thác tình dục trẻ em. Tuy nhiên, EIU thẳng thắn nêu những gì “cần làm hơn nữa”, bao gồm nhận xét về việc Việt Nam hiện không có hệ thống mạnh để thống kê và công bố dữ liệu phổ biến về xâm hại tình dục trẻ em. Các chuyên gia làm việc trong ngành giáo dục, y tế và các ngành dịch vụ xã hội không được cung cấp đào tạo hoặc hướng dẫn cho viêc xử lý các vụ việc liên quan đến nạn nhân trẻ em bị xâm hại và khai thác tình dục. Họ cũng đánh giá việc hỗ trợ và phòng ngừa người phạm tội của Việt Nam ở mức thấp thông qua nhận định “Dường như không có bất kỳ dịch vụ giáo dục, tâm thần hoặc trị liệu để ngăn ngừa những người phạm tội tiềm năng có thể phạm tội tình dục đối với trẻ em, cũng không cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho những người có nguy cơ tái phạm tội”. Đối chiếu những nhận xét này với thực tế, có thể tự nhìn nhận xem EIU có nói quá hay không. Liên quan đến việc xếp hạng (Việt Nam có 42,9 điểm, so với điểm trung bình cho tất cả các nước là 55,4 điểm, và 47,3 điểm cho các nước thu nhập thấp), EIU cho điểm sau khi đã thu thập dữ kiện, tập hợp thành 4 nhóm dữ kiện đo lường chính là (1) môi trường (sống), (2) môi trường pháp lý, (3) mức độ dấn thân cùng năng lực của chính phủ; và (4) sự dấn thân của các ngành nghề, xã hội dân sự và truyền thông. Mỗi nhóm dữ kiện trên đều được chia nhỏ ra thành nhiều chỉ dẫn chi tiết để có thể tỉ mỉ đánh giá. Ví dụ, thông số về môi trường sống nói đến: 1) tính ổn định của mỗi cuộc sống; 2) sinh kế của mỗi em và gia đình; 3) sự bảo vệ của xã hội; 4) có tiêu thụ các chất kích thích hay không và như thế nào; 5) thái độ của xã hội; 6) bạo lực được cảm nhận như thế nào; 7) dân chúng có thái độ với bộ máy công lực chấp pháp. Việc cho điểm theo định lượng rồi tổng kết xếp hạng này, theo EIU, chỉ nhằm xem xét cách các bên liên quan ứng phó với mối đe dọa xâm hại tình dục trẻ em (ở 40 quốc gia) chứ không nhằm đo lường quy mô của vấn đề ở mỗi quốc gia. Cái hiện lên chính là việc mỗi quốc gia đang nhìn nhận vấn đề bạo lực và xâm hại tình dục đối với trẻ em như thế nào, đang thực hiện các biện pháp giải quyết và ngăn chặn ra sao. Với những đánh giá nền tảng và hệ thống sẵn có như thế, thật khó hiểu khi vẫn còn tồn tại những sự mơ hồ trong diễn giải pháp luật, lúng túng trong xử lý, chậm trễ trong phòng ngừa. ■ “Trong một cuộc khảo sát tiến hành năm 2009 tại ba trường trung học phổ thông ở Hà Giang, Quảng Ninh và TP.HCM, 20% học sinh được phỏng vấn cho biết các em từng bị xâm hại tình dục dưới nhiều hình thức” (trang 111 “Báo cáo Phân tích tình hình trẻ em TP.HCM năm 2017” của UNICEF). Trong phần nghiên cứu, khảo sát về vấn nạn xâm hại tình dục tăng cao, báo cáo của UNICEF trích dẫn lại chính nguồn số liệu của Bộ LĐ-TB&XH, theo đó “số nạn nhân bị xâm hại tình dục là trẻ em đã tăng gần 33% trong giai đoạn 2009-2013 trên toàn quốc... Và theo báo cáo của Bộ Công an, trong 5 năm từ 2012-2016, cả nước phát hiện 5.300 vụ xâm hại tình dục. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, đây chỉ là phần nổi của tảng băng”. “Xâm hại tình dục là hình thức bạo lực đối với trẻ em phổ biến nhất bị tố giác với công an ở TP.HCM, chiếm khoảng 59%”. Các nhận xét chi tiết trong báo cáo là rất đáng lưu ý: “Trong nhiều trường hợp, gia đình trẻ chọn cách giải quyết riêng với kẻ xâm hại thay vì tố cáo vì sợ kỳ thị. Sợ trả thù hoặc lo ngại không đủ bằng chứng cũng là những lý do cản trở các gia đình tố cáo vụ việc với công an”. Tags: Bạo hành trẻ emXâm hại tình dục trẻ emBạo hành trong trường học
Donald Trump - Tập Cận Bình: Quan hệ cá nhân, quan hệ siêu cường NGUYỄN THÀNH TRUNG 23/12/2024 1666 từ
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Nhiều người ở TP.HCM bắt đầu đi làm, đi học bằng metro CHÂU TUẤN 23/12/2024 Từ sáng đến trưa 23-12, không ít người dân ở TP.HCM cho biết đây là lần đầu tiên dùng metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên để đi làm, đi học.
Panama đáp trả ông Trump về đe dọa 'đòi lại' kênh đào THANH HIỀN 23/12/2024 "Mỗi mét vuông của kênh đào Panama và các khu vực lân cận đều thuộc về Panama và sẽ tiếp tục thuộc về Panama".
Thưởng tối đa 5 triệu cho người báo tin vi phạm giao thông có tạo được 'tai mắt' để giám sát? NHẤT NGỌC HẠNH 23/12/2024 Thưởng tiền cho người báo tin vi phạm giao thông sẽ khuyến khích người dân tham gia giám sát, tuy nhiên cũng cần phạt những ai tố cáo sai.
Ô tô 100 triệu vừa mua bốc cháy trên cao tốc HOÀI THƯƠNG 23/12/2024 Tài xế cho hay chiếc xe này vừa mua tại một cửa hàng ở tỉnh Bến Tre với giá 100 triệu đồng, khi đang trên đường về nhà thì xe bốc cháy.