20/03/2016 13:59 GMT+7

Hai bà cháu “chim cánh cụt”

YẾN TRINH (yentrinh@tuoitre.com.vn)
YẾN TRINH ([email protected])

TT - Hơn một năm nay, người dân ở khu vực chợ Bến Thành (TP.HCM) đã quen với hình ảnh một người phụ nữ cùng đứa cháu gái cụt tay sáng nào cũng nhẫn nại hiền lành chào mời họ mua từng tờ vé số.

Hai bà cháu khi mưu sinh trên đường phố
Hai bà cháu khi mưu sinh trên đường phố

Bà là Trần Thị Láng (52 tuổi), còn cháu bé tên Võ Ngọc Ân (6 tuổi) đã nương nhau mà sống như thế từ khi cô bé mới chào đời.

Chúng tôi gặp bà Láng khi bà đang mời khách qua đường mua vé số. Dáng bà thấp bé trong bộ đồ bộ, nón lá, bà cất tiếng mời khách mua vé số. Cạnh bên, bé Ân dùng cằm giữ xấp vé số ở cổ, líu lo mời khách.

Có người mua, người lắc đầu nhưng hiếm khi chúng tôi thấy cô bé tỏ ra buồn rầu. Hai tay Ân cụt đến vai, một bên lộ ra một khoảng tròn, một bên là mẩu thịt hình dạng giống như ngón tay. Đôi mắt sáng, gương mặt bầu bĩnh làm giảm bớt ấn tượng về dáng đi khòm của Ân vì cô bé bị vẹo cột sống.

“Mỗi ngày tôi bán chừng 150 tờ, tới trưa trưa thì về, chứ nó mệt tội lắm. Mà để nó ở phòng trọ, tay thì không có nên tôi không yên tâm - bà Láng nói về đứa cháu - Hồi cuối năm ngoái nó hay mệt, khó thở, đưa đi khám bác sĩ nói nó bị cột sống vẹo ép vào tim, phải mổ sắp xương nhưng tốn rất nhiều tiền. Giờ mệt là môi nó tím lại”.

Trưa đứng bóng, xấp vé số cũng hết. Bà Láng lấy nón đội cho Ân rồi dắt tay cháu ra bến xe buýt đón xe về căn phòng trọ trong hẻm đường Hưng Nhơn (xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh). Gương mặt rịn mồ hôi, Ân vẫn cười nói.

Cô bé ngồi bệt xuống nền, dùng một chân giữ ly nước, một chân nhấn vòi. Uống xong, Ân rót tiếp một ly đưa cho nội.

và lúc ở phòng trọ - Ảnh: Yến Trinh
và lúc ở phòng trọ - Ảnh: Yến Trinh

Ngoài việc không có tay, Ân còn sinh non, lúc sinh chỉ nặng 1,7kg. Cha mẹ của Ân do cái nghèo không cáng đáng nổi việc nuôi cô bé. Để giữ cháu mình xa khỏi những khổ đau, từ khi Ân 6 tháng tuổi bà đã ẵm cô bé rời quê nhà Bạc Liêu lên Sài Gòn. Bà Láng giở mớ giấy khám bệnh và toa thuốc của Ân cho chúng tôi xem.

“Tôi không nhớ được Ân vô viện bao nhiêu lần. Có khi giữa đêm nó bệnh, tôi chạy ra đường kêu xe ôm chở cháu lên bệnh viện mà lo thắt ruột. Lỡ có chuyện gì...” - bà bỏ lửng câu nói.

Căn phòng trọ chừng 12m2 bày một cái tivi cũ, chiếc chiếu và hai con gấu bông người ta vứt đi bà nhặt về cho Ân chơi, mấy cái nồi nhôm móp treo góc bếp...

Mỗi tháng bà trả 700.000 đồng tiền trọ, và cái giá này cũng là lý do bà chọn ở tuốt miệt ngoại thành thay vì trọ gần nơi mình bán vé số. Vậy nhưng số tiền trọ đó cũng là quá nhiều đối với hai bà cháu.

Có lẽ do bị bệnh từ nhỏ nên Ân ít ăn, bà Láng phải dồn tiền mua một ngày mấy hộp sữa cho cô bé uống. Bà không biết chữ, Ân lại càng không dù đã đến tuổi vào lớp 1.

Không biết chữ nhưng Ân thông minh, thích vẽ. Cô bé nói muốn thành họa sĩ. Ân có mấy quyển tập tô, màu sắc hài hòa tuy hơi nhòe nhoẹt bởi tô bằng hai chân. Cô bé mượn chúng tôi chiếc bút rồi dùng chân phải vẽ những hình tròn tròn, hào hứng nói đó là núi, là con mèo, là mây...

Mỗi ngày bà Láng thức dậy lúc 4g sáng, chuẩn bị đồ đạc gồm cái túi bỏ xấp vé số, cầm thêm chai nước, rồi bà gọi Ân dậy. Sau đó bà ẵm Ân, choàng khăn xéo qua cổ mình và bọc cô bé gọn trong chiếc khăn.

“Ân nó 20 ký rồi nên ẵm đi bộ nửa tiếng từ đây ra bến xe buýt mỏi chịu không nổi. Có cái khăn đỡ hơn, lên xe ngồi thì đắp cho nó ấm mà ngủ tiếp...”. Hai bà cháu ra đi, bắt đầu cuộc mưu sinh khi dãy phòng trọ còn im ngủ và con đường thì vắng tanh, không có bàn tay nào dang ra cho hai số phận mong manh ấy.

YẾN TRINH ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên