Ông Hồ Quang Cua (phải) và em ruột Hồ Quốc Lực bên loại gạo ngon nhất thế giới - Ảnh: KHẮC TÂM
Sóc Trăng ghi nhận những đóng góp, nỗ lực tuyệt vời của hai anh em ông Hồ Quang Cua và ông Hồ Quốc Lực, là tấm gương cho cộng đồng doanh nghiệp và giới trẻ noi theo.
Ông TRẦN VĂN CHUYỆN (chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng)
Với đóng góp đáng kể cho sản xuất lúa, chế biến xuất khẩu tôm của Sóc Trăng, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại chỗ, cả hai ông đều giỏi, đúng là cặp đôi hoàn hảo.
Ông LƯƠNG MINH QUYẾT (giám đốc Sở NN&PTNT Sóc Trăng)
Ở VN, những nhân tố nổi bật thời kỳ đổi mới được phong tặng Anh hùng Lao động (AHLĐ) khá nhiều. Nhưng ở một tỉnh lẻ như Sóc Trăng, một gia đình có hai anh em ruột đều được phong AHLĐ liên quan đến hai lĩnh vực kinh tế là thế mạnh của tỉnh: cây lúa - con tôm.
Chuyện ông Lực: 25 năm cật lực với con tôm
Đến thời điểm này tại tỉnh Sóc Trăng, ông Lực có ba cái nhất và hai cái đầu tiên: doanh nghiệp giải quyết việc làm cho nhiều lao động nhất (4.000 lao động), nuôi tôm đạt sản lượng cao nhất (trên 4.000 tấn), giữ chức tổng giám đốc một công ty lâu đời nhất (25 năm), tiến sĩ kinh tế đầu tiên của tỉnh (năm 2002) và cũng là người đầu tiên được phong tặng AHLĐ của tỉnh (năm 2003).
Trên 25 năm làm "thuyền trưởng" Sao Ta, ông Lực đã đưa kim ngạch xuất khẩu tôm của công ty đứng hàng thứ 3 ở Việt Nam.
Ông Lực nổi tiếng thông minh, chịu khó và học giỏi ở tất cả các bậc học. Ông là một trong số ít học sinh ở Sóc Trăng đỗ loại A kỳ thi tốt nghiệp THPT ngay sau ngày miền Nam giải phóng. Sau khi tốt nghiệp ĐH, ông đã phục vụ trong quân đội. Năm 1983, ông công tác trong ngành thủy sản và đến năm 1992 Sóc Trăng tách tỉnh, cũng là năm ông được đề bạt làm phó giám đốc công ty thủy sản tỉnh, trước khi về nhận trách nhiệm "thuyền trưởng" ở công ty hiện nay.
Ông Lực kể khoảng năm 1995, trình độ chế biến tôm Việt Nam bị xếp chiếu dưới cùng, loay hoay cũng chỉ làm sản phẩm tôm block. Lúc này, các doanh nghiệp chế biến tôm còn lạ lẫm với từ HACCP hay vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhà xưởng, thiết bị lạc hậu; động lực và nhận thức đổi mới của doanh nghiệp như con số không.
Ông may mắn được tham gia lớp tìm hiểu vệ sinh an toàn thực phẩm tại Cà Mau thông qua chương trình hỗ trợ từ Chính phủ Đan Mạch. Như hạn gặp mưa, ngay sau đó ông chủ động tìm thiết bị cấp đông thế hệ mới nhằm tăng sức cạnh tranh.
"Nếu thiết bị cấp đông trước đây mất 4-6 giờ mới được một mẻ tôm thì với thiết bị mới, Sao Ta chỉ mất 1,5 giờ. Đây được coi là cuộc cách mạng", ông Lực nói. Không chỉ rút ngắn thời gian, tôm block của Sao Ta đẹp hơn về cảm quan, chi phí năng lượng giảm hơn một nửa. Điều này tạo bệ phóng cho Sao Ta tiếp cận các quy trình chế biến tôm cao cấp bán vào Nhật Bản, tạo dựng uy tín thương trường.
Song, dấu ấn của "thuyền trưởng" Sao Ta được đồng nghiệp cả nể ở sự chia sẻ thành tựu. Không mang "bệnh giấu bài", sau khi làm chủ quy trình chế biến, ông đã mạnh dạn san sẻ với đồng nghiệp.
"Một số anh em can ngăn, bảo làm như vậy lộ bài, tự giết mình. Nhưng tôi thuyết phục rằng khi chia sẻ là để nhắc mình không chủ quan và tiếp tục vươn lên chinh phục đẳng cấp cao hơn", ông Lực cho hay.
Sau quyết định này, Sao Ta mở rộng cửa đón các đoàn doanh nghiệp tới tham quan, học hỏi, thậm chí ở lại thực tập, và sự mở lòng của Sao Ta đã có trái ngọt với sự chuyển biến của ngành nuôi tôm, chế biến xuất khẩu tôm của Việt Nam.
25 năm hoạt động, chưa năm nào kết thúc mà Sao Ta nhận kết quả âm về hiệu quả sản xuất. Ngược lại, Sao Ta từng bước chinh phục ngoạn mục mức lợi nhuận 50, 100, 150, 200 tỉ đồng. Thu nhập người lao động tại Sao Ta thuộc hàng cao nhất so với các đồng nghiệp và tăng đều qua từng năm. Tất cả như khẳng định vị trí của một AHLĐ qua năm tháng.
Không chỉ chế biến, xuất khẩu tôm giỏi, ông Lực còn là tay nuôi tôm cừ khôi. Năm vừa rồi, Sao Ta đạt sản lượng trên 4.000 tấn - Ảnh: KHẮC TÂM
Chuyện ông Cua: cha đẻ 6 giống lúa quốc gia
Báo chí đã tốn không ít giấy mực về ông Hồ Quang Cua, sau khi gạo ST25 của ông được trao giải gạo ngon nhất thế giới. Hơn một tháng sau khi được vinh danh, giống lúa ST25 được Bộ NN&PTNT đặc cách công nhận giống quốc gia.
Vinh dự ấy cũng không phải tự nhiên mà có. Ngót nghét gần 25 năm chọn lọc, lai tạo, nghiên cứu lúa thơm, ông Cua đã có 6 giống được công nhận giống lúa quốc gia: ST3 (công nhận năm 2001), ST5, ST đỏ, ST20 (2014), và năm 2019 là ST24 và ST25. Đi cùng những thành tựu này, ông Cua và các cộng sự đã vất vả không sao kể hết.
Ông Cua kể những ngày cùng cha mẹ ra đồng nhổ mạ, cấy lúa, thu hoạch… thời tuổi thơ đã in sâu vào tâm trí của ông để khi lớn lên, ông chọn học khoa nông nghiệp. Những ngày sau khi tốt nghiệp ĐH, ông đã đau đáu chuyện giống lúa thơm Khao Dak Mali làm rạng danh Thái Lan trong khi phần lớn người ông quen biết đều sống nhờ nghề nông trong cảnh thu hoạch thấp, đời sống khó khăn.
Duyên may đến với ông trong buổi sáng mùa đông 1996 khi thăm đồng, ông phát hiện những cây lúa "lạ" gốc tím, dạng hạt thon dài rất đẹp. Đó là những cá thể VĐ20 đột biến đầu tiên. Từ đó, một công trình lai tạo, nhân giống với hàng loạt giống lúa thơm mang tên ST ra đời.
Ông Cua kể công việc lai tạo những ngày đầu không hề đơn giản vì thiếu đủ thứ, nhất là tiêu chuẩn về giống lúa thơm của VN lúc này chưa có, nên ông "mượn tạm" tiêu chí lúa thơm BE.2541 của Thái Lan để thực hiện.
Sau này, một cộng sự của ông là tiến sĩ Nguyễn Tấn Phương đã phát minh ra phương pháp đánh giá mùi thơm rất nhanh chóng, hiệu quả. Nhờ tiêu chí thử mùi thơm này, ông và các cộng sự tiết kiệm nhiều thời gian, công sức. Thành tựu nghiên cứu tiến triển nhanh ngoài kỳ vọng, đến nay Sóc Trăng đã có bộ sưu tập lúa thơm từ ST1-ST25 và giống ST đỏ.
Một lần lội đồng tại trại nghiên cứu lúa giống của ông ở huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng), khi được hỏi qua ngần ấy năm nghiên cứu thì điều gì tâm đắc nhất, kỹ sư Cua khiêm tốn: "Tôi hài lòng khi đã chọn được những giống lúa thơm tại chỗ, thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng địa phương, cũng như xây dựng được quy trình canh tác hiệu quả phù hợp với trình độ nông dân".
Ghi nhận những cống hiến của ông cho ngành nông nghiệp, cuối năm 2013 ông được phong tặng AHLĐ. Những lão nông tri điền lại trìu mến phong cho ông chức danh "kỹ sư chân đất". Khi còn đương chức phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, rảnh là ông cùng nhà nông thăm đồng, giải đáp thắc mắc của nông dân.
Anh em báo chí nhiều lần đến trại nghiên cứu lúa giống của ông, muốn có thước quay phim hay, ảnh đẹp về AHLĐ Hồ Quang Cua ngồi ghế sôpha, phòng lạnh… nhưng ông chỉ lắc đầu, chỉ tay về hướng gốc me, bụi trúc. "Kỹ sư nông nghiệp mà ngồi phòng lạnh nhiều, ít thực tế, không ăn dầm ngủ dề với bà con, không lắng nghe tiếng vọng của đất, hơi thở của cây… coi như thua", ông Cua bộc bạch.
Vượt qua nghịch cảnh
Cặp đôi AHLĐ sinh ra trong một gia đình thuần nông ở ấp Giầy Lăng, xã Khánh Hòa, huyện Vĩnh Châu (nay là phường Khánh Hòa, thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng), có 7 anh em, gồm 5 trai và 2 gái. Cha mất sớm nên mẹ của các ông một mình tảo tần nuôi các con khôn lớn thành người. Để con đường học chữ của con không bị gián đoạn, người mẹ đành rời quê, bỏ lại ruộng vườn khăn gói theo con lên thành thị, buôn bán sống qua ngày. Thấu hiểu nỗi lòng, sự hi sinh của mẹ, anh em các ông đùm bọc, yêu thương nhau và đều học giỏi, thành tài.
Giữa ông Cua và ông Lực, mỗi người một tính, đam mê cũng khác nhau. Nhưng cả hai có điểm chung là sự chịu khó tìm tòi và quyết tâm cao. Một bạn học cùng trường của cặp đôi AHLĐ nhận xét rằng chính đức tính này giúp anh em ông vượt lên nghịch cảnh, trở ngại để có thành tựu như hôm nay.
Bây giờ, từng bước lên đỉnh vinh quang, "đi tây đi u", đời sống cũng khấm khá nhưng cái gốc nông dân trong hai ông vẫn còn nguyên. Thường ngày, sau thời gian lội đồng thăm lúa, ông Cua còn tranh thủ vào bếp làm vài món mồi cho anh em nhắm nháp. "Họ làm cực, mình bổ sung năng lượng để mai có sức khỏe làm tiếp. Anh em cảm động, gắn bó lâu ngày hơn, làm việc cũng bằng cái tâm, hiệu quả gấp trăm lần", ông Cua bật mí.
Là doanh nhân, có đồng vào đồng ra nên ngoài đóng góp các hoạt động thiện nguyện, ông Lực còn lấy tiền túi âm thầm hỗ trợ nhiều học sinh có hoàn cảnh cơ nhỡ bước vào giảng đường ĐH và hiện đã có nhiều người thành đạt. Nhắc chuyện này, ông Lực nói ngày xưa ông cũng đã nếm mùi thiếu thốn này, nếu không bằng nghị lực, con đường học vấn của ông đã bị gãy giữa đường.
"Sẽ rất tiếc khi các em có hoài bão nhưng lại không thực hiện được. Tôi chỉ làm một việc nho nhỏ, đâu xứng đáng phải nhớ", ông Lực chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận