21/03/2014 02:03 GMT+7

Hạ viện Nga phê chuẩn hiệp ước sáp nhập Crimea

THANH TUẤN
THANH TUẤN

TT - Hạ viện Nga hôm qua (20-3) đã phê chuẩn một hiệp ước sáp nhập Crimea vào nước này trong một phiên biểu quyết với đa số phiếu áp đảo.

Trong hôm nay, Thượng viện cũng sẽ tổ chức một phiên biểu quyết tương tự để hoàn tất việc phê chuẩn hiệp ước mà Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký hôm 18-3. Interfax dẫn lời lãnh đạo cơ quan xuất nhập cảnh Nga nói nước này bắt đầu cấp hộ chiếu Nga cho người dân ở Crimea.

Trong hôm qua, Nga đã yêu cầu chính quyền Crimea thả tư lệnh hải quân Ukraine Serhiy Hayduk, người bị bắt trước đó một ngày.

Cùng ngày, Interfax trích lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói quá trình sáp nhập Crimea sẽ hoàn thành trong tuần này. Ông Lavrov vẫn cho rằng Kremlin đang bảo vệ quyền lợi của cộng đồng nói tiếng Nga và những gì Nga đang làm là phù hợp với luật pháp quốc tế.

Ukraine trong khi đó đã lên kế hoạch rút quân và cho sơ tán các gia đình quân nhân từ Crimea về Ukraine - dấu hiệu Kiev chính thức thừa nhận mất vùng lãnh thổ tự trị. Kiev nói sẽ di tản khoảng 25.000 người khỏi Crimea. Trả lời BBC về kế hoạch rút quân, Ngoại trưởng Ukraine Andriy Deshchytsya thừa nhận “tình hình giờ không thể đoán trước, kiểm soát được” và đang là mối đe dọa đối với dân thường ở Crimea.

Trong một phản ứng mạnh mẽ nhất, chính quyền Kiev tuyên bố sẽ rút khỏi Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) - tổ chức của các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, đồng thời tuyên bố xem xét việc áp đặt visa trở lại đối với công dân Nga. Nhưng biện pháp visa có thể gây khó khăn cho chính người dân Ukraine vì Nga có thể áp dụng biện pháp trả đũa tương tự. Cùng lúc, Ukraine lên kế hoạch tiến hành tập trận quân sự chung với Mỹ và Anh.

Dấu hiệu lớn nhất cho thấy châu Âu sẽ mạnh tay với Nga là việc Đức thông báo hủy một hợp đồng mua bán vũ khí lớn với Nga. Vì phụ thuộc vào vấn đề khí đốt, Berlin và Liên minh châu Âu (EU) cho đến nay rất thận trọng trong chuyện trừng phạt Matxcơva.

Thủ tướng Đức Angela Merkel trong bài phát biểu hôm qua tuyên bố lãnh đạo EU đã “sẵn sàng áp dụng các biện pháp của giai đoạn 3 (cấm vận) nếu tình huống xấu đi”. Bà cũng nói cơ cấu của G8 (có Nga) “hoàn toàn chết” chừng nào căng thẳng với Matxcơva còn tiếp tục. Nga đang nắm chức chủ tịch luân phiên của G8 và theo kế hoạch sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh tại Sochi vào tháng 6.

Trong khi đó, theo AFP, Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm qua đã mở rộng lệnh cấm vận đối với một số quan chức Nga cùng một ngân hàng. Washington cũng đe dọa sẽ có biện pháp mạnh tay hơn vào nền kinh tế Nga nếu Matxcơva tiếp tục leo thang căng thẳng. Đáp lại, theo AFP, Nga cũng đã đưa ra một loạt lệnh cấm vận đi lại đối với chín quan chức và nghị sĩ Mỹ.

Trong cuộc gặp với ông Putin hôm qua, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon bày tỏ quan ngại sâu sắc về khủng hoảng giữa Ukraine và Nga. Ông Ban đang có chuyến đi đến cả hai nước để kêu gọi các bên liên quan tìm một giải pháp hòa bình.

THANH TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên