Tổng thống Mỹ Donald Trump đang ở thế tiến thoái lưỡng nan - Ảnh: REUTERS |
Ông ấy không có ý định ngó lơ, nhưng ông ấy muốn đảm bảo đưa ra kết quả tốt nhất có thể cho người Mỹ. Quốc hội không phải lúc nào cũng làm tốt điều ấy... nên tổng thống sẽ nghiên cứu và xem xét phiên bản hoàn chỉnh của dự luật |
Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders |
Ngày 25-7 (giờ Mỹ), Hạ viện Mỹ bỏ phiếu nhất trí thông qua dự luật về các biện pháp mới trừng phạt quan chức Nga với tỉ lệ 419 phiếu thuận, 3 phiếu chống.
Ông Trump khó đảo ngược tình thế
Dự luật này, trước đó đã thông qua ở Thượng viện, sẽ được chuyển đến Tổng thống Trump trước khi tháng này kết thúc, và chờ đợi ông ký thành luật hoặc bác bỏ.
Dự luật bao gồm các quyết định trừng phạt đối với Nga, xoay quanh nghi án tin tặc Nga tấn công và can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016, cũng như cáo buộc nhằm vào việc Matxcơva vi phạm nhân quyền trong cuộc xung đột miền đông Ukraine và những hoạt động ở bán đảo Crimea.
Ngoài ra, nó còn gồm lệnh trừng phạt lên Iran và Triều Tiên về chương trình vũ khí hạt nhân của hai nước này.
Tuy nhiên, rõ ràng “vấn đề Nga” vẫn ám ảnh chính quyền ông Trump và được chú ý nhiều nhất, vì nó liên quan tới cáo buộc phe vận động của ông “thông đồng” với phía Nga để có lợi trong cuộc bầu cử.
Báo đài Mỹ vì thế đặt ra câu hỏi rằng liệu ông Trump có tìm cách đảo ngược quyết định trừng phạt Nga nêu trên hay không, trong bối cảnh chính tổng thống Mỹ cũng nhiều lần tỏ ý muốn nối lại quan hệ với Matxcơva.
Nhà Trắng đã từ chối bình luận về ý định của Tổng thống Trump đối với quyết định trừng phạt Nga được thông qua ở lưỡng viện nêu trên.
Thư ký báo chí Sarah Sanders khi được hỏi hôm 25-7 đã trả lời nước đôi: “Trong khi tổng thống ủng hộ trừng phạt nghiêm khắc lên Triều Tiên, Iran và Nga, thì Nhà Trắng đang xem lại dự luật của Hạ viện và đợi một biên bản cuối cùng đặt lên bàn tổng thống”.
Thử thách chất chồng cho tổng thống Mỹ
Theo dự đoán của giới quan sát, Tổng thống Trump không còn cách nào khác phải ký vào dự luật trừng phạt Nga.
Đài CNN có phần lạc quan hơn khi cho rằng “sẽ là khôn ngoan” nếu ông Trump chấp thuận ý kiến của lưỡng viện, vì dự luật trên mang tới cơ hội thực tế đầu tiên để ông chứng tỏ mình hiểu về các mối đe dọa và bảo vệ lợi ích quốc gia, tìm thấy tiếng nói chung với các nghị sĩ vốn lâu nay phản đối ông.
Nhưng câu chuyện về Nga thì không hẳn đơn giản như vậy. Cùng ngày, quyền trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á Susan Thornton khẳng định “sẽ sớm” đưa ra danh sách các công ty Trung Quốc bị trừng phạt vì đã làm ăn với Triều Tiên, vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Mỹ đã sẵn sàng mạnh tay với công ty Trung Quốc, phần vì Bắc Kinh vẫn giữ một phiếu chống tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc khi Mỹ kêu gọi tăng cường cấm vận.
Với vai trò là đồng minh thân cận nhất với Triều Tiên, Trung Quốc cũng nghiễm nhiên là bên rất quan trọng đối với Mỹ trong vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.
Chính vì thế, mọi động thái của Mỹ với Trung Quốc đều đang diễn ra rất cẩn trọng.
Đáng chú ý trong một phát biểu ngày 25-7, đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley khẳng định đã “đạt được tiến độ” với Trung Quốc về vấn đề Triều Tiên, và đang tìm cách giải tỏa những khác biệt giữa Washington và Bắc Kinh.
Tuy vậy, bà Haley nhấn mạnh rằng bản thân Trung Quốc cũng thỏa thuận với Nga về Triều Tiên, thế nên “bài toán thật sự sẽ là những gì chúng tôi làm việc với Nga”.
Trong những phát biểu trước đó, chính quyền ông Trump có nhắc tới lý do có thể phản đối lệnh trừng phạt Nga là vấn đề hợp tác khí đốt ở nước ngoài.
Và thêm nữa, dễ thấy rằng khi đưa ra lệnh trừng phạt Nga trong lúc vấn đề Triều Tiên chưa êm xuôi, việc lấy một phiếu thuận của Nga ở Liên Hiệp Quốc rõ ràng khó càng thêm khó.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận