06/11/2012 15:06 GMT+7

Hạ tuổi thành niên xuống 16, tội phạm trẻ giảm?

NGUYỄN HOÀNG
NGUYỄN HOÀNG

TTO - Hạ tuổi thành niên xuống 16, liệu có giảm tình trạng tội phạm trẻ không? Nên bổ sung khung hình phạt cho tội danh "tội phạm đặc biệt" đối với những tội phạm nghiêm trọng, dã man...

Đó là những ý kiến khác nhau mà bạn đọc gửi về TTO trước vấn đề liệu có nên xác định tuổi thành niên là 16 hay không. TTO xin trích đăng một số ý kiến.

T7reQJuS.jpgPhóng to

Vấn nạn tội phạm vị thành niên hiện nay không chỉ do quy định chế tài hình phạt với độ tuổi này mà do nguyên nhân từ xã hội. Trong ảnh: Lê Văn Luyện - tội phạm trẻ trong vụ cướp tiệm vàng giết người tàn bạo ở Bắc Giang - trong một phiên tòa xử án - Ảnh: TTO

* Hạ tuổi, tình hình có tốt lên không?

Liệu khi chúng ta hạ thấp tuổi vị thành niên xuống 16 thì tình hình có tốt lên không? Vấn đề luật sư Trịnh Thanh nói rất đúng, trách nhiệm phải ở chỗ giáo dục và quản lý chứ không chỉ có trừng phạt. Hãy làm cho khung hình phạt càng ngày càng nhẹ đi và càng ít người phạm tội thì mới xứng đáng với lòng tin yêu của dân, đừng suy nghĩ theo hướng trừng phạt càng nặng mới tốt.

Mọi việc đều bắt đầu từ nguyên nhân và cái chính là nền tảng đạo đức con người. Đề nghị ngành giáo dục nên đưa ra những chương trình giáo dục công dân thật cần thiết theo từng độ tuổi, bởi vì vâng lời thầy cô học chăm, hiếu thảo với cha mẹ và kính mến ông bà cũng là hành động yêu nước ở lứa tuổi nhi đồng. Xin ai đó đừng vội mớm những miếng mồi mà chỉ có bao tử những người thành niên mới tiêu hóa và như thế sẽ làm hỏng một thế hệ tuổi thơ, những chủ nhân tương lai của đất nước.

Bổ sung hình phạt cho loại "tội phạm đặc biệt"

Nên bổ sung khung hình phạt, luật hình sự cho tội danh "tội phạm đặc biệt" đối với những ai phạm tội nghiêm trọng, dã man, giết người hàng loạt, giết người có tổ chức... để xử những vụ án mà dư luận xã hội bất bình bất kể tuổi tác.

* Vấn đề là khung hình phạt

Theo tôi, không nhất thiết phải quy định độ tuổi 16 hay 18 là thành niên. Vấn đề ở đây là khung hình phạt. Ta nên bỏ khái niệm phạt tù chung thân mà quy định cụ thể bao nhiêu năm như luật nước Mỹ. Ví dụ như trường hợp của Lê Văn Luyện thì nên phạt 80 năm tù, tối đa ân xá 3 lần nhưng thời gian thụ án khoảng 40 năm. Như vậy, một tên tội phạm thuộc lứa tuổi này sẽ ngán đòn khi nhìn thấy viễn cảnh số lịch bị bóc. Lúc đấy khi ra khỏi tù thì tên đó cũng đã 58-60 tuổi rồi. Vậy thử hỏi hắn có sợ khi xuống tay phạm tội không?

* Đồng tình xác định tuổi thành niên là 16

Tôi nghĩ 16 tuổi là đã đủ thành niên. Thời nay có nhiều điều kiện, yếu tố khác so với thời trước nên ta phải thay đổi cho phù hợp.

Có thể hiện nay, với trình độ khoa học kỹ thuật, việc học tập của giới trẻ có tiến bộ hơn trước nhưng chưa chắc giới trẻ ngày nay “khôn” hơn trước, có chăng chỉ là sự “khôn lỏi” do học hỏi, nắm bắt nhanh chóng những sáng kiến, phát triển của xã hội. Những đứa trẻ có sự giáo dục đàng hoàng thì không nói làm gì, nhưng có một số người không được lớn lên trong sự giáo dục, thích làm gì thì làm, thích đâm chém ai thì đâm vì biết mình chưa đến 18 tuổi.

Tôi đồng tình với ý kiến xác định tuổi thành niên là 16. Như thế là công bằng, hợp lý nhất.

* Liệu có ngăn được "trẻ hóa tội phạm"?

Có thể thấy rằng ý kiến xác định lại độ tuổi vị thành niên vẫn đang gây tranh cãi. Nhưng cho dù ý kiến này có trở thành hiện thực thì liệu nó có làm giảm tỉ lệ tội phạm trong độ tuổi từ 16-18 hay không?

Trước khi có vụ án Lê Văn Luyện, liệu có bao nhiêu người biết đến quy định người chưa thành niên khi phạm tội nghiêm trọng sẽ chỉ chịu hình phạt tù tối đa là 18 năm?

Theo tôi, vấn nạn tội phạm vị thành niên hiện nay không chỉ quy định chế tài hình phạt với độ tuổi này mà do nguyên nhân từ xã hội. Việc buông lỏng, lơ là trong giáo dục đạo đức, lối sống cho trẻ tạo nên hiện trạng này.

Một bộ phận lớp trẻ ngày nay hầu như không được dạy làm người, vì vậy mới có chuyện nhiều bạn xem Lê Văn Luyện là "thần tượng". Như vậy, đối với những bạn này, đâu là thiện, đâu là ác họ có phân biệt được không? Câu trả lời đã rõ, nếu đã phân biệt được thiện, ác thì chẳng ai đi tôn sùng hay thần tượng cái ác cả.

Như vậy, nếu không dạy trẻ làm người thì việc chúng phạm tội (và bắt chước nhau phạm tội) là điều vẫn có thể xảy ra khi đã đưa lứa tuổi trên 16 vào diện chế tài nghiêm minh.

* 16 chưa phải là tuổi trưởng thành

Muốn xác định tuổi trưởng thành, theo tôi có mấy căn cứ sau đây:

1. Khảo sát thực tế mức độ kiến thức, hiểu biết xã hội, tâm lý phát triển... của trẻ vị thành niên.

2. Xem lại chương trình giáo dục phổ thông cho trẻ em và vị thành niên.

3. Rà soát hệ thống pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế liên quan mà Việt Nam đã ký cam kết.

4. Xác định đúng các nguyên nhân gây nên tiêu cực, thậm chí vi phạm pháp luật (cá biệt có vụ đặc biệt nghiêm trọng) của một bộ phận trẻ em và vị thành niên.

Nếu được nghiên cứu một cách nghiêm túc và đầy đủ theo các yếu tố trên đây, theo tôi, tuổi trưởng thành không những không phải hạ xuống 16 tuổi mà cần phải được nâng lên đến dưới 18 tuổi.

* Rất cần sửa đổi

Đã có nhiều nước thực hiện sửa đổi điều luật này, tại sao chúng ta còn cân nhắc. Với thực trạng như hiện nay, khi khoa học kỹ thuật phát triển, nhất là phương tiện truyền thông đại chúng được phổ biến rộng khắp, giới trẻ tiếp xúc sớm hơn, hiểu biết nhiều hơn đồng nghĩa với việc trưởng thành hơn, nhận thức hơn thế hệ trước kia nhiều. Chúng ta cũng nên thay đổi quan điểm cho rằng tuổi 18 mới trưởng thành. Tôi đồng ý với đề xuất 16 tuổi là tuổi thành niên.

* Không nên hạ độ tuổi thành niên

Theo tôi, không nên hạ độ tuổi thành niên từ 18 xuống 16 như đã có ý kiến đề xuất.

Thời gian qua, rõ ràng số lượng người chưa thành niên phạm tội từ ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng ngày càng tăng. Trong đó, nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng đã gây sự bức xúc, phẫn nộ cho xã hội. Tuy vậy, tôi không cho rằng đó là lý do để hạ độ tuổi thành niên xuống 16. Tôi hoàn toàn đồng tình với ý kiến của kiểm sát viên cao cấp Võ Văn Thêm khi cho rằng "có thể hiện nay, với trình độ khoa học kỹ thuật, việc học tập của giới trẻ có tiến bộ hơn trước nhưng chưa chắc giới trẻ ngày nay “khôn” hơn trước, có chăng chỉ là sự “khôn lỏi” do học hỏi, nắm bắt nhanh chóng những sáng kiến, phát triển của xã hội".

Nói khác hơn, theo tôi, cũng giống như một người có trình độ học vấn cao chưa hẳn đã có trình độ văn hóa cao. Giới trẻ ngày nay rõ ràng có điều kiện biết rất nhiều và rất nhanh, hơn xa giới trẻ ngày trước, song sự "hiểu" không phải bao giờ cũng tương đồng với những gì họ biết. Minh chứng rõ nhất là những vụ án từ game online. Giới trẻ ngày nay rất nhanh chóng cập nhật với thế giới số, với công nghệ (đây là điều đáng mừng, là điều mà giới trẻ ngày trước rất khó tiếp cận và khó có điều kiện tiếp cận), họ biết rất nhanh và rất thành thạo về game online, song những án mạng từ game online đã chứng minh điều ngược lại: cái "biết" chưa hẳn đã đi liền với sự "hiểu"!

Vì lẽ đó, tôi cho rằng sẽ là duy ý chí nếu căn cứ trên các hiện tượng mang tính bề nổi của các tệ nạn xã hội liên quan đến giới trẻ, cũng như chỉ dựa vào một vài vụ án đặc biệt nghiêm trọng của người chưa thành niên vốn bị phần đông xã hội lên án mà quy kết tuổi 16 là "đã thành niên" để xử phạt họ thật nặng. Ngược lại, theo tôi, phải có một cuộc điều tra xã hội học, công trình nghiên cứu thật đầy đủ, kỹ lưỡng về tất cả các mặt y tế, phát triển tâm sinh lý, nhận thức của con người.

Theo tôi, tình trạng gia tăng tội phạm ở tuổi chưa thành niên thời gian qua đã có lỗi rất lớn từ nhiều phía: gia đình, nhà trường và đặc biệt là xã hội. Để giảm tội phạm ở tuổi này cần chữa bệnh từ gốc, tức là phải tìm ra căn nguyên từ các vấn đề trong gia đình, nhà trường và xã hội. Pháp luật ngoài việc trừng phạt, mục tiêu tối thượng là giáo huấn, cải tạo con người. Biển cả tuy mênh mông nhưng quay đầu tự khắc thấy được bến bờ!

Tuy nhiên, tôi vẫn cho rằng cuộc sống luôn có ngoại lệ và pháp luật cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Cụ thể, theo tôi, với những vụ án đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến người chưa thành niên mà ở đó xét thấy rõ đã có sự lợi dụng quy định của pháp luật trong xử lý người chưa thành niên, hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng với thái độ lạnh lùng vô cảm, động cơ đê hèn, hành vi man rợ vô nhân... thì vẫn cần có ngoại lệ là xử theo mức án cao nhất. Tuy nhiên, vấn đề này cũng cần được pháp luật quy định rõ, nhằm tránh sự tùy tiện trong áp dụng.

Theo bạn, nên hay không nên hạ tuổi vị thành niên xuống 16? Hãy gửi những suy nghĩ của bạn về cho chúng tôi theo địa chỉ email [email protected] hoặc phần ý kiến bạn đọc phía dưới. Cảm ơn.

NGUYỄN HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên