21/12/2018 11:23 GMT+7

Hà Tĩnh kiến nghị dừng hẳn dự án sắt Thạch Khê

XUÂN LONG
XUÂN LONG

TTO - Đánh giá quá trình dự án bị tạm dừng hoạt động từ năm 2011 đến nay và tiếp thu ý kiến các nhà khoa học, tỉnh Hà Tĩnh vừa đề nghị Bộ Chính trị, Chính phủ cho dừng dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê.

Hà Tĩnh kiến nghị dừng hẳn dự án sắt Thạch Khê - Ảnh 1.

Ông Đỗ Khoa Văn, giám đốc Sở Khoa học-Công nghệ Hà Tĩnh đề nghị dừng hẳn dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê - Ảnh: XUÂN LONG

Ngày 21-12, tại hội thảo "Đánh giá và cân nhắc những vấn đề trước khi khai thác mỏ sắt Thạch Khê", ông Đỗ Khoa Văn, giám đốc Sở KH-CN Hà Tĩnh, cho biết "tỉnh Hà Tĩnh đã xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng, đã tham khảo ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, từ đó đi đến quyết định đề nghị Bộ Chính trị, Chính phủ cho dừng hẳn dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê".

Ông Văn cho biết năm 2011, do có một số vấn đề tồn tại trong quá trình thực hiện nên Thủ tướng đã chỉ đạo tạm dừng dự án để tái cơ cấu doanh nghiệp, vốn đầu tư, hoàn chỉnh thiết kế dự toán, giải quyết vấn đề giải phóng mặt bằng tái định cư.

Nay Hà Tĩnh đề nghị dừng hẳn dự án. Theo ông Văn, xuất phát từ nhiều băn khoăn, lo ngại về tác động, ảnh hưởng của dự án. Cụ thể, lượng nước chảy vào moong khai thác khi mỏ khai thác lộ thiên dự tính khoảng 3,2 triệu m3, dẫn đến nguy cơ sạt lở tầng khai thác và bờ mỏ trên các tuyến đường vận tải trong biên giới mỏ.

Các tính toán và giải pháp về ổn định bờ mỏ và thoát nước mỏ khi khai thác xuống độ sâu âm 145m trong dự án là chưa chắc chắn, chưa an toàn trong trường hợp rủi ro. Bộ Công thương khi thẩm định thiết kế kỹ thuật dự án cũng nêu "trong quá trình khai thác xuống sâu, các rủi ro tác động bởi nước ngầm có thể xảy ra các thảm hoạ tụt bờ".

Ngoài ra, do mỏ nằm sát biển, trong vùng tiềm ẩn rất nhiều dạng thiên tai như bão, lũ, nước biển dâng trong bão, thậm chí sóng thần nên việc xây dựng đê, kè đập chắn chân bãi thải lấn biển là giải pháp bắt buộc. 

Để xây dựng đê cần khối lượng rất lớn đá hộc và nguyên vật liệu xây dựng khác. Với tổng khối lượng 171 triệu m3 chất thải đất, đá, cát trong phạm vi dọc bờ biển khoảng 5,2km và lấn rộng ra biển khoảng 1,6km, chiều dài chắn cát là 9,1km, sẽ gây nguy cơ rất cao về vấn đề môi trường, sinh thái, dòng chảy ven biển.

"Nếu tính riêng chi phí tuyến đê chắn bãi thải lấn biển và trên đất liền, hệ thông băng tải vận chuyển cát tới bãi thải lấn biển và 6 hồ xử lý nước thải thì phải chi phí thêm khoảng 2.700 tỉ đồng" - ông Văn cho biết.

Nguy hiểm hơn, Bộ TN-MT đã phê duyệt về vùng bão và xác định nguy cơ bão và nước biển dâng do bão khu vực biển Việt Nam, trong đó xác định vùng biển Hà Tĩnh có nguy cơ chịu ảnh hưởng của bão cấp 15 và cấp 16, nước biển dâng trong bão có thể lên đến 4,5m, trường hợp triều cường thì nước dâng cao đến 6,2m. 

"Khu vực Thạch Khê còn thuộc vùng có hoạt động động đất mạnh đến cấp 8 và từng xảy ra động đất cấp 6, do đó trong quá trình khai thác nếu có động đất thì sẽ hết sức nguy hiểm" - ông Văn bổ sung.

Năm 2008, nhằm đáp ứng nhu cầu cho các nhà máy thép trong nước, Chính phủ quyết định khai thác mỏ sắt Thạch Khê. Chủ đầu tư là Công ty cổ phần sắt Thạch Khê gồm 9 cổ đông với vốn điều lệ là 2.400 tỉ đồng, trong đó Tập đoàn công nghiệp than khoáng sản VN (TKV) là cổ đông chủ lực.

Năm 2009, Công ty bắt đầu thử nghiệm khai thác lộ thiên bằng thiết bị cơ giới, nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau nên từ năm 2011 Chính phủ đã yêu cầu tạm dừng hoạt động khai thác mỏ Thạch Khê.

Ông Phạm Quang Tú, đại diện Liên minh Khoáng sản, cho rằng quặng sắt ở Thạch Khê nằm dưới mực nước biển, ở độ sâu từ 40 đến âm 550m, có chỗ còn sâu hơn, vì thế việc khai thác mỏ sắt Thạch Khê sẽ gặp nhiều khó khăn, không đạt hiệu quả mong muốn. 

Ông Tú cũng nêu 6 nguy cơ, rủi ro về dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê: khó khăn về chống ngập và rủi ro trong giữ ổn định bờ mỏ do moong khai thác nằm sát bờ biển; rủi ro về gặp hang động ngầm trong quá trình đào sâu để khai thác mỏ; tác động tiêu cực về môi trường xung quanh do đổ thải. 

Ngoài ra, còn có các nguy cơ nhiễm mặn và hoang mạc hóa vùng cồn cát ven biển của huyện Thạch Hà; ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống người dân bị di dời và những người dân sống lân cận vùng khai thác mỏ. Cuối cùng là khó khăn về vốn của chủ đầu tư và hiệu quả kinh tế tổng thể của dự án.

Hội thảo "Đánh giá và cân nhắc những vấn đề trước khi khai thác mỏ sắt Thạch Khê" do Trung tâm con người và thiên nhiên, Liên minh Khoáng sản, Hội Địa hoá Việt Nam tổ chức.

XUÂN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên