17/10/2010 05:03 GMT+7

Hà Tĩnh chới với trong biển nước, 100.000 dân bị cô lập

VĂN ĐỊNH - VŨ TOÀN
VĂN ĐỊNH - VŨ TOÀN

TT - Đập Mơ, đập Khe Mưng bị xé toạc. Hồ Kẻ Gỗ ở mức độ nguy hiểm cao. Mưa như trút nước suốt hôm qua 16-10 cùng với nước từ các đập tràn về khiến nhiều vùng ở Hà Tĩnh chới với trong nước lũ.

UFDSRBai.jpgPhóng to
Anh Nguyễn Văn Sáng (xóm 6, xã Phú Phong, huyện Hương Khê) chỉ kịp nhờ người đưa vợ và hai con gái đi lánh nạn, còn mình ở lại trong ngôi nhà ngập sâu - Ảnh: Phi Long
HPLkovtH.jpgPhóng to
Anh Nguyễn Văn Sáng ở xóm 6, ấp Phú Phong (Hương Khê, Hà Tĩnh) bơi trong căn nhà ngập nước - Ảnh: PHI LONG

“Vỡ đập Mơ! Vỡ đập Mơ!...” - tiếng thét thất thanh của hàng trăm người dân xã Sơn Hàm (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) sáng 16-10 như xé toạc buổi sớm tinh mơ. Cả làng, cả xã bị dòng nước lũ đục ngầu bủa vây.

Hàng trăm người nhốn nháo chạy lên núi. Sơn Hàm bồng bềnh giữa một biển nước. Mọi con đường dẫn vào xã bị chia cắt, 6.000 người trong xã bấn loạn.

Bất lực nhìn đập Mơ vỡ

Anh Hà Huy Hân (công nhân công trình đập Mơ), người thức cả đêm canh con đập, run giọng kể trong đời anh chưa bao giờ thấy cảnh vỡ đập kinh hoàng như thế. 21g ngày 15-10, mưa như trút khiến nước đổ về như muốn xé toang con đập. “Khi đó tôi điện về báo đập Mơ có nguy cơ vỡ nhưng vẫn không có người ứng cứu. Nước lũ tràn qua đập và đổ ầm ầm - anh Hân nhớ lại - Khoảng 2g sáng 16-10, chân đập Mơ rệu rạo, từng khối đất đá bong ra và đến 5g30 đập Mơ bung ra, nước tuôn xối xả. Sơn Hàm trắng một màu nước lũ”.

Nguy cơ vỡ đập Tân Long

Khoảng 19g ngày 16-10, nước lũ đã tràn qua đập Tân Long (thuộc xã Sơn Long, Hương Sơn) hơn 20cm và có nguy cơ vỡ đập. Trước tình thế đó, UBND xã Sơn Long đã phải điều động lực lượng cùng với người dân lội nước lũ trong đêm cứu đập. “Nếu đập vỡ sẽ có khoảng 200 hộ dân sống bên chân đập có nguy cơ bị nước lũ nhấn chìm” - ông Nguyễn Văn Minh, chủ tịch UBND xã Sơn Long, cho biết.

Mãi đến gần 9g nước lũ ở xã Sơn Hàm mới rút. Đường sá, cầu cống bị cuốn trôi, đất đá nằm ngổn ngang. “Sơn Hàm chưa bao giờ bị nước lũ ngập. Vậy mà chỉ vài tiếng đồng hồ người dân la hét chạy tránh. Rất may không có người chết, nhà cửa bị cuốn trôi” - ông Nguyễn Duy Trinh, chủ tịch UBND huyện Hương Sơn, cho biết.

Ngay trong buổi sáng, UBND huyện Hương Sơn đã huy động toàn bộ lực lượng ứng cứu nhưng đành bất lực đứng nhìn dòng nước hung hãn xé toang con đập.

Tránh lũ trên ngọn cây, mái nhà

Dọc đường mòn Hồ Chí Minh ngược lên Hương Khê, một số đoạn bị ngập sâu. Tuy vậy, người dân các xã Hương Trạch, Phúc Đồng cho hay “may còn lại con đường này chưa bị cắt đứt, nếu không cả huyện Hương Khê sẽ bị cô lập hoàn toàn”. Trên những mái nhà hai bên đường, người dân và trâu, bò, lợn, gà bám vào tránh lũ.

Ngược lên xã Hương Trạch, giữa mênh mông biển nước chỉ còn sót lại những vùng cây sắp bị chìm nghỉm. Một chiến sĩ công an huyện Hương Khê cho biết anh và các đồng đội vừa giải cứu gần 100 người dân xóm Kim Sơn lúc 9g sáng. Ướt lướt thướt trên chiếc xuồng cứu hộ, thượng tá Đặng Quốc Vượng - trưởng Công an huyện Hương Khê - cho biết: “Cứu xong dân Kim Sơn giờ lại cứu tiếp dân xóm Tân Dừa và Tân Thành. Dân ở đây đang ngồi nóc nhà kêu cứu, nguy lắm”. Nói đoạn anh hô các chiến sĩ công an lên xuồng lao ra giữa dòng nước lũ.

Một cán bộ xã Hương Trạch cho biết: “Xã có 12/14 xóm bị ngập. Nhiều người dân phải trèo lên ngọn cây chờ cứu hộ”.

UBND tỉnh Hà Tĩnh đang gấp rút điều lực lượng công an, bộ đội biên phòng dùng canô, thuyền cứu dân ngay trước khi trời tối. 17g cùng ngày, Hà Tĩnh đề nghị Quân khu 4 chi viện canô để kịp cứu dân ra khỏi các vùng lũ nguy hiểm

Đêm 16-10, lũ ở Hà Tĩnh vẫn đang lên nhanh, hàng chục nghìn người di tản trong đêm. Có 56 xã của năm huyện Cẩm Xuyên, Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn, Đức Thọ bị nước lũ chia cắt và cô lập.

Ngay từ sáng sớm, mưa lớn xuất hiện ở huyện Cẩm Xuyên khiến hồ Kẻ Gỗ phải xả 530m3/giây, hồ Sông Rác xả 60m3/giây. Do đó, các xã hạ lưu là Cẩm Mỵ, Cẩm Duệ, Cẩm Thành, Cẩm Thạch, Cẩm Vịnh bị ngập nặng và hơn 4.000 người dân buộc phải di dời. Huyện Vũ Quang nước lũ vẫn đang lên nhanh, 9/12 xã bị chia cắt hoàn toàn, hơn 1.500 hộ dân sơ tán đến trường học, trụ sở ủy ban.

Dù đã di dời được hơn 21.000 người dân nhưng đến 22g30 tối qua tại Hà Tĩnh vẫn có gần 100.000 dân tại 92 xã đang bị cô lập. Ông Đặng Phi Hùng, phó chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Hà Tĩnh, cho biết vẫn chưa thể thống kê được thiệt hại cụ thể do 92 xã này đang chìm trong mực nước từ 1-2,5m. Hiện chỉ mới xác định 2 người chết và mất tích tại Hương Sơn và Can Lộc.

22g tối 16-10, ông Phạm Đăng Nhật - giám đốc Công ty TNHH một thành viên thủy lợi Kẻ Gỗ - thừa nhận: “Biết là dân sẽ thiệt hại nặng nhưng không còn phương án nào khác”. Ông đang nói đến việc xả lũ từ hồ này sẽ gây ngập hạ lưu.

* Hồ thủy lợi Kẻ Gỗ xả lũ đang gây ngập nặng cho vùng hạ lưu Hà Tĩnh, việc bất khả kháng này liệu có phải do tính toán sai trong việc tích trữ nước?

- Chúng tôi không còn phương án nào khác, mực nước hồ Kẻ Gỗ lúc này là 31,92m, trong khi ngưỡng cho phép là 31,5m. Vì vậy từ 22g đêm 14-10, hồ Kẻ Gỗ đã phải xả lũ ở mức 520m3/ giây. Hiện mưa đang rất lớn, đã gần 700mm và tiếp tục mưa nên không thể ước tính việc xả lũ này ảnh hưởng đến hạ lưu ở mức nào. Nhưng chắc chắn là TP Hà Tĩnh, bảy xã của huyện Cẩm Xuyên và một phần huyện Thạch Hà sẽ ngập nặng.

* Việc xả lũ này sẽ còn kéo dài trong bao lâu nữa, thưa ông?

- Ít nhất là 2-3 ngày nữa. Như tôi đã nói, mực nước hồ Kẻ Gỗ đã vượt ngưỡng an toàn, phải tiếp tục xả. Tuy nhiên, lưu lượng nước vào hồ hiện đang ngang với lưu lượng xả và chắc chắn không thể ngưng xả dù biết dưới hạ lưu người dân đang phải vật lộn với lũ.

* Khả năng xấu nhất: liệu có vỡ đập hồ Kẻ Gỗ nếu mưa tiếp tục?

- Chúng tôi đang dốc toàn lực và có thể đảm bảo sẽ không có tình huống xấu nhất đó!

Sông Cả tại Nam Đàn lên mức 6,2m, dưới mức báo động 2: 0,7m;

Sông Ngàn Sâu tại Chu Lễ ở mức 16,7m, trên báo động 3: 3,2m (vượt lũ lịch sử năm 2007: 0,57m);

Sông Ngàn Sâu tại Hòa Duyệt ở mức 12,8m, trên báo động 3: 2,3m (tương đương lũ lịch sử năm 1960);

Sông Ngàn Phố tại Sơn Diệm ở mức 13,5m, trên báo động 3: 0,5m;

Sông La tại Linh Cảm ở mức 6,7 m, trên báo động 3: 0,2m;

Sông Gianh tại Mai Hóa ở mức 5,5m, trên báo động 2: 0,5m;

Sông Kiến Giang tại Lệ Thủy ở mức 2,7 m, ở mức báo động 3.

Mực nước các sông ở Thanh Hóa tiếp tục lên.

Tình trạng ngập lụt sâu trên diện rộng tại các lưu vực sông ở Hà Tĩnh, Quảng Bình tiếp tục diễn ra nghiêm trọng. Đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi từ Nghệ An đến Quảng Bình.

YRc2OseH.jpgPhóng to

Bà Lê Hữu Hộ (73 tuổi, ở xóm 6) vẫn dầm mưa đứng trên đường Hồ Chí Minh đi ngang qua xã để giữ con bò của mình. “Sao bỏ nó được, gia tài của bà già này đó mấy chú” - bà vừa nói vừa giữ dây để con bò không bị lọt xuống nước - Ảnh: PHI LONG

35a5JOli.jpgPhóng to
Một cháu bé ở xã Cảnh Hóa (Quảng Bình) phải chờ người tới cứu vì nước sông Gianh ào tới quá mạnh - Ảnh: LAM GIANG

20g ngày 16-10, tại xã Phú Phong (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh), nước đã trườn lên phần lớn các nóc nhà của người dân ở đây. Không có lực lượng cứu hộ, những người dân tự cứu nhau.

Chiếc đò tròng trành. Chúng tôi nín thở rẽ nước. Trời tối mịt. Lối đi bây giờ được định vị bởi những nóc nhà, bụi tre nhú lên. “Đò bé (ngang 6 tấc, dài 6m) nhưng sáng giờ tôi cứu được hàng trăm người rồi đó” - anh Định nói. Khi chúng tôi đến nơi, ông Nguyễn Văn Châu kiên quyết không đi: “Tao già rồi, nằm đây chết cũng được, đi cứu đứa khác đi”. Anh Định cùng người đồng hành là anh Đinh Quốc Cường chuyển ông Châu sang nhà một người dân cao ráo hơn để chờ nước xuống.

Trong ngôi nhà ngập hơn 2m, anh Nguyễn Văn Sáng (xóm 6, xã Phú Phong) cho biết “nước vào như thác” và chỉ kịp chuyển vợ con lên gác thì cả nhà đã ngập chìm. “Tôi thì sao cũng được chứ lo cho vợ con lắm. May mà có anh Định đây sang đưa mẹ con nhà nó đi lên chỗ cao chứ không biết làm sao” - anh Sáng vừa nói vừa bơi trong ngôi nhà của mình để đẩy đồ đạc vào một chỗ tránh bị trôi đi. Bà Lê Thị Cúc kể trong nghẹn ngào: “May được anh Định và anh Cường sang phá ngói kéo ra chứ không giờ cũng chẳng biết sống chết thế nào. Đồ đạc, trâu bò và cả ruộng vườn xem như trắng tay rồi”.

Ở xóm 7 kế bên, anh Lê Hữu Hoa mượn vội chiếc đò của người hàng xóm để chèo đi cứu dân làng của mình. “Nước mênh mông, nhà nào cũng đầy đàn bà con nít, mình không cứu thì sao được!” - anh nói. Anh Hoa đã dầm trong dòng nước dữ từ sáng đến tối mịt để cứu người.

Hơn 21g30, hàng trăm người dân ở hai xóm 6 và 7 được chính xóm giềng của họ cứu giúp và chuyển đến nơi cao hơn. Anh Định, anh Cường và anh Hoa vẫn tất tả ngược xuôi với chiếc đò của mình vì “nước lớn, trời lại đang mưa to nên phải đi giúp bà con chứ không họ chết mất”.

Thành đoàn TP.HCM cứu trợ miền Trung

Sáng 16-10, Thành đoàn TP.HCM đã khởi hành công tác cứu trợ đồng bào miền Trung bị lũ lụt. 67 thành viên trong đoàn gồm lực lượng y bác sĩ, thanh niên tình nguyện sẽ đến các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình và Hà Tĩnh tham gia khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho khoảng 5.000 người và tặng 800 phần quà cho các gia đình đặc biệt khó khăn. Ngoài ra đoàn còn mang theo 20 tấn gạo, mì gói, sữa, 4.000 quyển tập, sách giáo khoa... với tổng trị giá 1,7 tỉ đồng do Thành đoàn TP.HCM quyên góp.

Trên toàn tỉnh Quảng Bình suốt ngày 16-10 mưa không dứt, có nơi lượng mưa lên đến 500mm.

Sông Kiến Giang tại Lệ Thủy nước đã vượt mức báo động 3, sông Gianh tại Châu Hóa (huyện Tuyên Hóa) nước lên rất nhanh, vượt báo động 3 và chỉ còn cách đỉnh lũ lịch sử vừa qua 0,5m. Quốc lộ 1A đi qua huyện Lệ Thủy đã ngập nước, các tuyến quốc lộ 12, 15 đi các huyện miền núi bị chia cắt hoàn toàn. Đường Hồ Chí Minh đoạn đi qua xã Thượng Hóa (huyện Minh Hóa) ngập sâu đến 3m. Các xã Mai Hóa, Châu Hóa, Phong Hóa, Thanh Hóa, Thạch Hóa (huyện Tuyên Hóa) và Tân Hóa, Thượng Hóa (huyện Minh Hóa) hàng ngàn nhà dân bị ngập đến cửa sổ.

Nước lũ đã nhấn chìm chín xã vùng nam sông Gianh của huyện Quảng Trạch. 1.800 hộ dân ở Quảng Trạch lại phải di dời khẩn cấp khỏi vùng ven sông Gianh tránh lũ. Ở xã đảo Quảng Hải, người dân đưa trâu bò lên cả tầng hai của trụ sở UBND xã để tránh lũ. Nhiều trạm y tế xã phải di chuyển bệnh nhân vì không thể hoạt động được do nước ngập. Tất cả trường học ở khu vực ven sông Gianh đã được lệnh đóng cửa.

Theo Ban phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Bình, hiện có 28 tàu với 286 ngư dân vẫn chưa vào bờ. Thuyền QB- 93089 bị chìm có chín ngư dân đã được cứu sống đưa về nhà. Một cơn lốc quét qua huyện Lệ Thủy tối 15-10 đã làm tốc mái 70 nhà dân, phá hủy hàng chục công trình, tài sản. Hiện hàng trăm người dân ở địa phương này phải đi lánh nạn nơi khác.

Đến chiều qua, số dân tại các xã bị ngập sâu được di dời là 5.400 hộ.

* Bà Nguyễn Thị Hằng, chủ tịch UBND xã Tân Liên (Hướng Hóa, Quảng Trị), xác nhận đến cuối giờ chiều 16-10, thi thể chị Nguyễn Thị Thủy (37 tuổi, ở thôn Tân Tiến, xã Tân Liên) vẫn chưa tìm được sau gần hai ngày chị Thủy bị nước lũ cuốn trôi tại một con suối thuộc bản Lang Choang, huyện Mường Nòng (Savannakhet, Lào).

* Bão Megi nhiều khả năng ảnh hưởng đến VN

Lượng mưa quá lớn khiến miền Trung đối mặt với đợt lũ lịch sử như năm 2007. Hiện lũ trên các sông từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình lên nhanh và ở mức cao. Trên sông Ngàn Sâu (tại Chu Lễ) đã xuất hiện lũ đặc biệt lớn, vượt mức báo động 3 đến 2,57m (xấp xỉ lũ lịch sử năm 2007). Mặc dù vùng áp thấp đã suy yếu trên biên giới Việt - Lào nhưng hoàn lưu của nó còn gây ra mưa trong 2-3 ngày nữa. Do đó, lũ trên các sông tiếp tục lên nhanh, có nơi vượt đỉnh lũ năm 2007.

* Theo ông Lê Thanh Hải - phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, ngày 16-10 các trang dự báo quốc tế nhận định trong hai ngày tới bão Megi đổ bộ lên đảo Luzon (Philippines) và suy yếu chút ít trước khi tiến vào biển Đông, sau đó bão tiếp tục mạnh lên và nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam.

Theo ông Hải, với hướng di chuyển khá ổn định, khả năng ảnh hưởng của bão Megi đến Việt Nam nhiều hơn những khu vực khác. Đến ngày 20 và 21-10, bão Megi có thể ảnh hưởng đến vùng biển các tỉnh miền Trung.

VĂN ĐỊNH - VŨ TOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên