Bạc tóc là quá trình lão hóa tự nhiên của con người, thường xuất hiện khi bước vào độ tuổi trung niên từ 40 trở lên. Theo các bác sĩ, tóc bạc sớm liên quan đến các yếu tố di truyền hoặc mắc một số bệnh lý.
Vậy làm gì khi thấy tóc bạc xuất hiện, bí quyết làm chậm quá trình lão hóa này?
Tóc bạc sớm có thể liên quan đến nhiều bệnh
Điển hình là trường hợp anh Thắng (Hà Nội), mới 25 tuổi đã sở hữu mái tóc "hoa râm", dù sức khỏe hoàn toàn bình thường. "Đôi khi thấy khá ngại vì nhìn mình già hơn so với tuổi. Thời gian đầu tôi nhuộm tóc để cải thiện tình trạng, nhưng chỉ vài tuần tóc bạc lại lên. Cuối cùng, tôi đành chấp nhận sống chung với nó", anh Thắng bộc bạch.
Bác sĩ Hồ Phương Thùy - Bệnh viện Da liễu trung ương - cho biết tóc bạc là tình trạng tóc mất sắc tố, chuyển thành màu trắng. Cho đến nay cơ chế bệnh sinh của tóc bạc sớm chưa rõ ràng, một số nghiên cứu cho rằng có thể liên quan đến rối loạn lão hóa sớm, bệnh tự miễn, cơ địa. Bệnh nhân tóc bạc sớm cần được đánh giá tổng thể, bao gồm cả các bệnh chuyển hóa.
Tình trạng tóc bạc sớm được định nghĩa là tình trạng tóc bạc trước tuổi 20 ở người da trắng, trước 25 ở người da vàng và trước 30 tuổi ở người da đen. Tỉ lệ tóc bạc sớm thay đổi theo từng quốc gia và từng nhóm người.
Theo bác sĩ Thùy, các yếu tố nguy cơ liên quan đến tóc bạc sớm có thể do một số hội chứng bẩm sinh như hội chứng Brook, hội chứng Werner, Rothmund Thompson, Cri-du-chat, Fisch’s, Down... Hoặc có thể do di truyền; nghiện rượu, chế độ ăn thiếu vitamin B12, vitamin D3, biotin, đồng, kẽm, selenium, sắt... Mắc một số bệnh mạn tính; học thức cao, căng thẳng; hút thuốc; béo phì; yếu tố cơ địa.
Một nghiên cứu trên 6.390 người trong đó có 1.618 người mắc tóc bạc sớm có liên quan đến tiền sử gia đình. Người có tóc bạc sớm và béo phì dẫn đến tỉ lệ tóc bạc sớm và mức độ nặng của tóc bạc. Một số báo cáo cũng cho thấy người tóc bạc sớm tỉ lệ loãng xương cao hơn 4 lần so với đối tượng khác.
Bác sĩ Lê Thảo Hiền - khoa thẩm mỹ da Bệnh viện Da liễu TP.HCM - cho biết màu tóc có thể thay đổi đáng kể ngoại hình của một người và do đó thay đổi hình ảnh cơ thể của con người. Do đó, tóc bạc có thể ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống.
Cách nào giúp cải thiện tóc bạc?
Bác sĩ Thảo Hiền cho biết để hạn chế tình trạng tóc bạc sớm chúng ta nên có lối sống lành mạnh như không hút thuốc lá, thời gian làm việc, học tập và nghỉ ngơi hợp lý, chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng. Khi ra đường cần đội mũ để tránh tiếp xúc trực tiếp với tia cực tím.
Đặc biệt là cần khám sức khỏe định kỳ hoặc đến bác sĩ khám khi có các triệu chứng bất thường khác đi kèm. Việc nhuộm tóc là một nhu cầu khi bị tóc bạc.
Để nhuộm tóc an toàn thì cần kiểm tra thành phần thuốc nhuộm, kiểm tra khả năng dị ứng thuốc nhuộm bằng cách bôi thử vào vùng da sau gáy và theo dõi xem có dấu hiệu bất thường gì hay không. Bên cạnh đó, lựa chọn thợ nhuộm tóc chuyên nghiệp thạo tay nghề và hạn chế pha quá nhiều thuốc nhuộm với nhau cũng như tránh tẩy tóc nhiều lần.
Bác sĩ Hồ Phương Thùy cho hay, về mặt dinh dưỡng người bệnh có thể bổ sung các chất dinh dưỡng như vitamin và chất khoáng như bitotin, calci, kẽm, đồng, selenium và chế độ ăn nhiều vitamin, khoáng chất có tác dụng chống oxy hóa có thể làm chậm quá trình tóc bạc.
Bên cạnh đó, hà thủ ô đỏ (Polygonum multiflorum) đã được y học cổ truyền ứng dụng trong cải thiện tình trạng tóc bạc. Nhiều quan sát thực tế cho thấy hà thủ ô đỏ có hiệu quả làm chậm quá trình bạc tóc. Tuy nhiên, cần thêm nhiều nghiên cứu về liều dùng và mức độ an toàn của hà thủ ô đỏ, nhất là đối với phụ nữ có thai, bác sĩ Thùy nêu rõ.
Trẻ em bị bạc tóc do đâu?
Bác sĩ Lê Thảo Hiền cho hay trẻ có tóc bạc sớm cần được đến gặp bác sĩ sớm để được khám và đánh giá các rối loạn lão hóa sớm như hội chứng progeria và pangeria (hội chứng Werner's) cũng như các bệnh lý chuyển hóa, tự miễn hoặc thiếu hụt các chất cần thiết cho sự tạo màu tóc.
Việc chăm sóc cho trẻ tại nhà cũng rất quan trọng. Một số yếu tố thúc đẩy tóc bạc sớm như căng thẳng, chế độ ăn uống thiếu dinh dưỡng, kể cả việc hút thuốc lá ở trẻ em khi chúng chưa đủ nhận thức về tác hại.
Phụ huynh cần điều chỉnh chế độ ăn uống phù hợp, hướng dẫn trẻ tránh các thói quen không tốt như việc hút thuốc lá hay thức khuya.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận