Cuối 2023, một số đơn vị nghiên cứu thị trường cho rằng mặt bằng lãi suất tiết kiệm đã về vùng thấp lịch sử với 5%, và dư địa để hạ thêm không quá nhiều.
Tuy nhiên, qua hai tuần đầu năm mới, mặt bằng huy động toàn hệ thống vẫn chưa dừng giảm, khi nhiều nơi tiếp tục có sự điều chỉnh ở các kỳ hạn.
Lãi suất bình quân toàn hệ thống kỳ hạn ngắn chỉ còn 2,8%
Dữ liệu WiGroup cung cấp Tuổi Trẻ Online, tính đến ngày 15-1-2024, lãi suất huy động bình quân kỳ hạn 12 tháng toàn hệ thống đã về mức 4,9%, giảm thêm 0,1 điểm phần trăm so với cuối 2023.
Dữ liệu cũng cho thấy ở kỳ hạn 12 tháng, nhóm ngân hàng thương mại lớn giảm về mức thấp hơn nhóm ngân hàng thương mại nhỏ với 0,33 điểm phần trăm.
Cụ thể, đến ngày 15-1-2024, lãi suất huy động bình quân nhóm ngân hàng thương mại lớn ở kỳ hạn 1 năm về 4,75%; trong khi nhóm ngân hàng thương mại nhỏ là 5,08%.
Tương tự, ở kỳ hạn 1-3 tháng, bình quân lãi suất huy động toàn hệ thống đã về mức 2,8%, giảm thêm 0,3 điểm phần trăm.
Ở kỳ hạn ngắn này, nhóm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước về 2,2%. Trong khi nhóm ngân hàng thương mại nhỏ 3,42%.
Nhìn lại lịch sử dữ liệu, xu hướng lãi suất cao hơn tại các ngân hàng thương mại nhỏ được duy trì. Bởi họ cần tăng sức cạnh tranh trong huy động tiền gửi bằng với lãi suất hấp dẫn hơn.
Một chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng lý giải, thanh khoản ngắn hạn của hệ thống ngân hàng tiếp tục dư thừa nên lãi suất huy động giảm thêm. Số liệu mới công bố của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, cuối năm 2023, có hơn 13,5 triệu tỉ đồng gửi vào ngân hàng, tăng 14% so với năm 2022 và cao nhất từ trước đến nay.
Ông Hồ Đức Thành - chuyên gia KBSV - cũng nói với Tuổi Trẻ Online: mặt bằng lãi suất huy động ở Việt Nam đang ở mức rất thấp, bất kể là so sánh với dữ liệu lịch sử hay so sánh với các quốc gia khác trên thế giới.
Tuy nhiên, thời gian tới, các ngân hàng cần duy trì lãi suất ở mức hợp lý để thu hút nguồn tiền gửi. Do vậy, ông Thành dự báo mặt bằng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng năm 2024 sẽ đạt 4,85% - 5,35%. Trong khi lãi suất cho vay có dư địa giảm thêm 0,75% - 1% trong năm 2024.
Tiền rẻ, sao chưa chảy mạnh vào thị trường chứng khoán, bất động sản?
Ông Hồ Đức Thành cho rằng nền kinh tế Việt Nam có thể được coi là đang trong giai đoạn tiền rẻ. Xu hướng này nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì trong hầu hết năm 2024, khi thanh khoản hệ thống vẫn ổn định và áp lực từ lạm phát và tỉ giá là không quá đáng kể.
"Mặt bằng lãi suất thấp là một yếu tố hỗ trợ rất lớn tới nền kinh tế, mà phản ứng nhanh nhạy nhất chính là thị trường chứng khoán, và theo sau là thị trường bất động sản", ông Thành nói.
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia, thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản không "dễ đoán" như vậy vì lãi suất chỉ là một trong nhiều yếu tố tác động tới cung cầu thị trường.
Thị trường chứng khoán có phần ảm đạm vì tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp kém tích cực và tâm lý thận trọng của nhà đầu tư.
Trong khi thị trường bất động sản ảm đạm do lãi suất cho vay mua nhà vẫn ở mức cao, nguồn cung bị vướng pháp lý và chủ đầu tư gặp khó khăn về huy động vốn.
Tương tự với tài sản trú ẩn như vàng, lãi suất cũng chỉ là một yếu tố và đà tăng của vàng gần đây đang có phần phản ánh rủi ro địa chính trị nhiều hơn, ông Thành quan sát. Do vậy, có thể nói rằng dòng tiền đã chảy chậm hơn, trong cả thị trường tài chính và hoạt động sản xuất kinh doanh thực.
Sang 2024, ông Thành dự báo nền kinh tế Việt Nam trong năm sau sẽ có sự phục hồi tích cực trong cả lĩnh vực tiêu dùng, đầu tư và xuất nhập khẩu với sự hỗ trợ đến từ chính sách tiền tệ và tài khóa.
Trong khi đó theo chuyên gia, các rủi ro lớn nhất có thể ảnh hưởng tới lãi suất bao gồm các rủi ro địa chính trị gây áp lực lên lạm phát, rủi ro nợ xấu khiến các ngân hàng phải duy trì lãi suất cho vay cao và rủi ro đổ vỡ ở thị trường trái phiếu khi khối lượng đáo hạn cao kỷ lục trong năm 2024.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận