Các toa tàu bắt đầu được kéo dần xuống đất để điều tra nguyên nhân tai nạn - Ảnh: REUTERS
Ông Trump đã đề cập hiện trạng này từ khi tranh cử và ông đưa nó vào chương trình hành động của mình khi thắng cử.
Dĩ nhiên cái lỗi, trong mắt vị Tổng thống tỉ phú, thuộc về các chính quyền tiền nhiệm (và càng dĩ nhiên của bên Dân chủ) đã không làm gì nhiều để thay đổi cho người dân Mỹ.
7.000 tỉ đô bốc hơi ở Trung Đông
Ngay sau khi thông tin đoàn tàu chở khách của Amtrak trật khỏi đường ray ở hạt Pierce thuộc bang Washington được công bố với nhiều người chết và bị thương, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã viết trên Twitter đầy giận dữ: "Tai nạn xe lửa ở DuPont, Washington càng cho thấy tại sao dự luật về đầu tư hạ tầng phải được trình nhanh hơn và bỏ phiếu thông qua nhanh hơn. 7.000 tỉ đô la tiêu tốn ở Trung Đông trong khi đường sá, cầu cống, hầm chui, hệ thống đường xe lửa của chúng ta tệ hại quá rồi. Không được để lâu hơn nữa".
Ông lại đá xoáy các chính quyền tiền nhiệm và gây sức ép cho Quốc hội.
Đến 10 phút sau, dường như ông mới nhớ ra nguyên tắc hành xử trong chính trị để viết tiếp lời chia buồn với các nạn nhân và khẳng định chính quyền của ông "đang theo dõi sát vụ việc và phối hợp chặt với chính quyền địa phương để xử lý sự cố".
Đại diện bang Washington trả lời truyền thông tại hiện trường tai nạn - Ảnh: REUTERS
Hơn 2 giờ sau đó, nhà lãnh đạo Mỹ có cơ hội để nói về việc này trong phát biểu về chính sách an ninh quốc gia Mỹ. Nhưng có lẽ ông chưa kịp chuẩn bị nên chỉ chia buồn cùng các nạn nhân tai nạn trước và nhắc lại rằng nước Mỹ cần được sửa chữa về cơ sở hạ tầng.
Riêng về nguyên nhân tai nạn, một quan chức Mỹ giấu tên nhận định đoàn tàu bị lật vì va phải một vật thể chưa xác định, nhưng không cho biết chi tiết vì vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra. Người phát ngôn Sở Cảnh sát Hạt Pierce cho biết một số xe hơi và xe tải nhỏ bị toa tàu rơi từ trên cầu xuống đập phải và một số tài xế bị thương trên xa lộ số 5. Theo cơ quan chức năng, số người thiệt mạng trong vụ tai nạn thảm khốc này sẽ còn tăng lên, trong khi ghi nhận đến hiện nay là ít nhất 6 người thiệt mạng và hơn 75 người bị thương.
Tai nạn xảy ra vào 7h40 sáng 18-12 (giờ địa phương) khi đoàn tàu số 501 chở 84 người, trong đó có 7 nhân viên đường sắt, đang băng ngang qua một cây cầu ở thành phố DuPont, thuộc bang Washington, thì bị trật đường ray khiến toàn bộ 12 toa tàu và 1 trong 2 đầu máy bị trật bánh, trong đó một số toa bị văng xuống đường cao tốc liên bang số 5 ở phía dưới.
Một số nhân chứng cho biết chỉ còn một đầu máy phía sau còn nằm trên đường ray, trong khi nhiều toa khác bị treo lơ lửng. Vụ việc khiến toàn bộ làn đường hướng Nam trên xa lộ này bị phong tỏa. Lực lượng cứu hộ đã nhanh chóng được triển khai đến hiện trường.
Lực lượng điều tra bắt đầu làm việc để tìm hiểu nguyên nhân tàu trật đường ray - Ảnh: REUTERS
Hạ tầng yếu kém hàng chục năm
Hiệp hội kỹ sư dân dụng Mỹ (ASCE) thực ra đã gióng lên hồi chuông cảnh báo từ lâu rồi. Từ năm 1998, ASCE đã đánh giá hệ thống hạ tầng Mỹ ở mức D (có nghĩa "xuống cấp") trong thang đánh giá từ A đến F.
Hiệp hội cũng ước tính con số 3.600 tỉ USD cần đầu tư cải tạo hệ thống hạ tầng giao thông cho đến năm 2020.
Vào buổi tối 8-11-2016 khi đón nhận tin chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống, tỉ phú Donald Trump khi đó đã hứa: "Chúng ta sẽ tái thiết xa lộ, hầm chui, sân bay, trường học, bệnh viện" mà ông mô tả là "hiện trạng như của thế giới thứ ba".
Chính quyền mới của ông sau đó tuyên bố sẽ cho đầu tư 550 tỉ USD để kích thích tăng trưởng kinh tế đang hồi ảm đạm và cải tạo hệ thống hạ tầng "bị bỏ phế trong thời gian dài".
Có vẻ như lời hứa đó chưa được thực thi rốt ráo vì nhiều lý do. Ông Jacob Kirkegaard, chuyên gia của Viện nghiên cứu kinh tế Peterson Institute ở Washington, chất vấn: "Chính quyền Trump đã làm được gì về hạ tầng từ tháng Giêng đến nay? Tuyệt đối không có gì cả".
Vị chuyên gia chỉ ra rằng nhân vật đóng vai trò chính trong chính sách tái thiết hạ tầng cho nước Mỹ chính là Steve Bannon, nhưng vị cố vấn thân cận cho ông Trump lại vừa bị sa thải hôm 18-8 vừa qua.
Chuyên gia Jacob Kirkegaard cũng nghi ngờ năng lực của Nhà Trắng trong việc thực thi lời hứa tranh cử do lẽ các khoản đầu tư to lớn cho hạ tầng lại không lấy được từ ngân sách mà từ chính sách "giảm thuế cho các nhà đầu tư tư nhân để họ có động lực và tiền đầu tư vào hạ tầng".
Xe lửa Amtrak trật đường ray - Nguồn: YouTube
Tai nạn với đoàn tàu 501 xảy ra chỉ ngay sau ngày sân bay Atlanta bị sự cố mất điện khiến ngưng hoạt động suốt 11 giờ trong khi đây lại là sân bay đông đúc hàng đầu nước Mỹ và thế giới.
Sự cố mất điện chính là biểu hiện của căn bệnh rất nặng trong xã hội Mỹ bởi nó phản ảnh hiện trạng không đầu tư đầy đủ cho hạ tầng căn bản của đất nước trong nhiều năm liền"
Chuyên gia Jacob Kirkegaard - Viện nghiên cứu kinh tế Peterson Institute ở Washington
Có thể nói tình trạng xuống cấp đang diễn ra nhanh chóng không chỉ xảy ra ở các sân bay Mỹ mà còn với tất cả các cơ sở hạ tầng chính yếu như đường cao tốc, cầu qua song, bến cảng, đường sắt, đường hầm bộ…
Không ít sự cố đã xảy ra trong thời gian qua như các vụ tai nạn đường sắt (ở Philadelphia vào tháng 8 vừa qua, ở Hoboken vào tháng 9-2016), sập cầu ở Minneapolis (năm 2007), nhiều sự cố lặp đi lặp lại với hệ thống tàu điện ngầm ở Washington... Đó là chưa kể hệ thống cấp thoát nước cũng xuống cấp trầm trọng.
Thế mà hơn 2 triệu hành khách vẫn qua lại mỗi ngày ở các sân bay dân dụng của Mỹ. Hiệp hội kỹ sư ASCE cho biết trong thập niên tới, chính quyền cần phải đầu tư ít nhất 42 tỉ USD cho riêng mảng này vì "tình trạng xuống cấp tồi tệ của hệ thống hạ tầng tại Mỹ đang cản trở tính cạnh tranh của Mỹ trong một nền kinh tế toàn cầu đang phát triển nở rộ".
Trong năm 2018, thông tin bước đầu cho biết khả năng hỗ trợ từ ngân sách liên bang chỉ vào khoảng 3,4 tỉ USD cho việc cải thiện các sân bay, tức nhỉnh hơn một chút so với con số 2,9 tỉ USD của năm 2017.
Hiện chính quyền Washington chỉ rút được tiền đầu tư cho hạ tầng cầu cảng từ tiền thuế xăng dầu.
Các chuyên gia dự báo những vụ tai nạn tương tự có thể sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới ở Mỹ trước khi toàn bộ hệ thống được nâng cấp thực sự.
Một đoàn tàu Amtrak thường đi với vận tốc bình quân trên 128 km/h và giảm xuống khoảng 64 km/h khi cần thiết. Vụ tai nạn khiến dư luận Mỹ quan ngại về mức độ an toàn khi nhiều đoàn tàu hỏa chạy với tốc độ cao khi ngang qua các tuyến đường đông đúc.
Tai nạn liên quan tàu Amtrak gần nhất xảy ra vào ngày 12-5-2015 khi đoàn tàu 188 chạy tuyến Washington - New York với 243 hành khách bị trật đường ray khi vào đường cua mà tàu vẫn chạy với vận tốc 170 km/h, tức hơn gấp 2 lần vận tốc cho phép. Vụ tai nạn làm 8 người thiệt mạng và hơn 200 người bị thương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận