Trẻ học trực tuyến tại nhà - Ảnh: DUYÊN PHAN
Theo đó, kế hoạch ban hành nhằm bảo đảm vừa kiểm soát hiệu quả đại dịch, vừa khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, nhanh chóng đưa thành phố chuyển sang trạng thái bình thường mới; bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; hạn chế đến mức thấp nhất các ca tử vong do COVID-19 và các nguyên nhân khác.
Về giáo dục, ông Chử Xuân Dũng chỉ đạo các đơn vị tiếp tục triển khai các biện pháp đảm bảo công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở giáo dục - đào tạo khi học sinh, sinh viên học trực tiếp.
"Căn cứ vào tình hình dịch bệnh để tổ chức hình thức dạy học cho phù hợp, không để học sinh, sinh viên học trực tuyến kéo dài; thường xuyên kiểm tra, đánh giá để hiểu rõ các tác động tiêu cực của việc học trực tuyến, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ để có giải pháp kịp thời", kế hoạch nêu rõ.
Ngoài ra, các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất, cơ sở giáo dục, cơ sở lưu trú... xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả kế hoạch phòng, chống dịch gắn với phương án hoạt động, sản xuất, kinh doanh phù hợp với các cấp độ dịch tại các địa phương (đến tận xã/phường, tổ dân phố) và cập nhật kết quả đánh giá an toàn lên bản đồ an toàn COVID-19.
UBND TP Hà Nội nhìn nhận còn sự bị động, lúng túng, lơ là, chủ quan trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Đặc biệt, thiếu nhất quán trong triển khai các biện pháp phòng, chống dịch; năng lực của hệ thống y tế, đặc biệt y tế cơ sở còn nhiều hạn chế, bất cập; việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch ảnh hưởng nhiều tới đời sống nhân dân, có lúc gây bức xúc cho người dân; công tác truyền thông, thông tin, tuyên truyền về phòng, chống dịch của TP có lúc còn chưa kịp thời.
Về nhiệm vụ, giải pháp, Hà Nội yêu cầu nâng cao hơn nữa trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị, địa phương; bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, tự chịu trách nhiệm, thực hiện quan điểm thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong tổ chức thực hiện đi đôi với bảo đảm nguồn lực và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng y tế, các lực lượng tuyến đầu trong phòng, chống dịch.
Thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ", đặc biệt là chỉ huy, điều phối, phối hợp tại chỗ để đáp ứng có hiệu quả giữa các lực lượng tại chỗ và lực lượng tăng cường khi cần thiết; xây dựng quy chế phối hợp liên ngành và điều phối nguồn lực trong tình huống dịch bệnh khẩn cấp cấp TP.
Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực cho lĩnh vực y tế, trong đó trọng tâm là nâng cao năng lực của hệ thống y tế dự phòng, hệ thống y tế cơ sở.
Nhiều trẻ nhỏ tại Hà Nội vui chơi thoái mái sau thời gian dài ở nhà "phòng dịch" - Ảnh: PHẠM TUẤN
Trước đó, Tuổi Trẻ Online có phản ánh về tình trạng Hà Nội quá chậm trễ trong việc cho trẻ tới trường học trực tiếp, đặc biệt là bậc tiểu học và mầm non.
Theo đó, hiện đa số các hoạt động vui chơi, giải trí, thể dục thể thao ngoài trời đã được Hà Nội cho phép mở cửa trở lại; những khu vui chơi dành cho trẻ tại các trung tâm thương mại, công viên, phố đi bộ... đã rất tấp nập.
Tuy nhiên, trái với cảnh tấp nập tại các khu vui chơi, các trường mầm non, tiểu học tại Hà Nội vẫn đóng cửa im lìm "để phòng dịch". Điều này khiến phụ huynh và giới chuyên gia có nhiều tâm tư, đặc biệt trong bối cảnh ngành y tế thành phố Hà Nội khẳng định dịch COVID-19 đã "qua đỉnh".
Giới chuyên gia cho rằng, Hà Nội nên kịp thời cho trẻ tới trường, không nhất thiết phải đợi tiêm vắc xin.
Bởi việc trẻ em không được đến trường trong một thời gian dài sẽ gây ra các khiếm khuyết về cả thể chất lẫn tinh thần khi các em không được tương tác với bạn bè, thầy cô, từ đó ảnh hưởng tới sự phát triển lâu dài, thậm chí khiến trẻ mắc bệnh trầm cảm...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận