Phố Đình Thôn vừa được trang bị "đồng phục" 200 cột thép để treo biển hiệu - Ảnh: THIÊN ĐIỂU
Chính quyền muốn làm tuyến phố "đáng sống"
Phố Đình Thôn (phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) khoảng 2 tháng trở lại đây xuất hiện 200 cột thép có kích thước bằng nhau dọc theo vỉa hè. Các cột đều sơn màu đỏ, trên đỉnh có gờ để gắn biển hiệu và 2 nhánh để treo cờ và đèn lồng.
Theo lãnh đạo phường Mỹ Đình 1, việc này là để thực hiện đề án thí điểm tuyến đường văn minh đô thị giai đoạn 2018 - 2020 định hướng đến 2030 của phường.
Đề án này có 3 giai đoạn. Hiện UBND phường Mỹ Đình 1 đã triển khai giai đoạn 1 là cắm cột và đồng bộ hóa biển hiệu. Toàn bộ biển hiệu, biển quảng cáo dọc tuyến đường này được lắp đặt theo chuẩn là chiều cao mỗi biển 1,2m, không quy định màu sắc.
Kinh phí thực hiện đề án được huy động từ nguồn xã hội hóa của các hộ kinh doanh trên tuyến phố. Chính quyền sở tại hi vọng đề án sẽ góp phần xây dựng phường Mỹ Đình 1 thành một nơi "đáng sống".
Điều đáng nói là việc xây dựng tuyến phố kiểu mẫu theo cách "đồng phục hóa" này đã từng được áp dụng ở phố Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân) cách đây 2 năm và đã thất bại.
Đình Thôn được chọn thí điểm tuyến phố kiểu mẫu thứ 2 của Hà Nội sau dự án phố kiểu mẫu Lê Trọng Tấn đã thất bại - Ảnh: THIÊN ĐIỂU
Dân bảo "bẩn mắt", "vướng chân"
Trên thực tế, cảm nhận của người dân về tuyến phố "kiểu mẫu" Đình Thôn cũng đang cách rất xa với ý tưởng, mục đích của chính quyền.
Đình Thôn vốn "lên đời" phố từ một đường làng trong quá trình đô thị hóa của khu vực Mỹ Đình. Phố hầu như không có vỉa hè vì nhà cửa được xây sát tới mép đường, dư chỗ nào thì chỗ đó được tận dụng làm hàng quán. "Vỉa hè" chỉ còn đủ để cắm cột điện và bây giờ thêm cột biển hiệu.
Hơn 5m lòng đường Đình Thôn thì lúc nào cũng tấp nập xe tải nhỏ, xe hơi, xe máy, xe đạp, xe công nông, và người đi bộ. Lòng đường ấy còn kiêm luôn chức năng của một cái chợ với nhiều xe hàng rong đỗ hàng dài hai bên đường, cũng là bãi rửa xe của cửa hàng rửa xe máy, ôtô.
Đường hầu như chỉ phục vụ cho người dân trong thôn nhưng luôn trong tình trạng lộn xộn, nhếch nhác, thỉnh thoảng lại ùn ứ, tắc đường.
Sự xuất hiện của 200 cột thép đỏ chót trên khoảng 1km đường càng khiến con phố thêm chật chội. Theo quan sát của phóng viên, cột đồng bộ về hình thức nhưng mật độ cắm rất tùy hứng. Chỗ thì cắm tới… 4 cột trước một số nhà, chỗ lại rất thưa thớt.
Sau khoảng hơn 2 tháng, mới chỉ chưa đầy một nửa số cột được dân gắn biển, số còn lại vẫn đứng trống trơ. Một số biển đã được gắn thì do người dân tiết kiệm tái sử dụng biển cũ có kích thước ngắn hơn độ dài mặt tiền cửa hàng nên các biển hiệu ấy chơi vơi, đứt đoạn với biển hiệu của hai nhà bên.
Trên nhiều đoạn phố, biển hiệu không thẳng hàng mà thò ra thụt vào. Nhiều cửa hàng dù đã có biển hiệu "kiểu mẫu" vẫn treo lủng lẳng thêm vài pano, đặt thêm biển quảng cáo ngang dọc trên tường, vỉa hè.
Anh Nguyễn Văn Hùng ở địa chỉ 51 Đình Thôn chia sẻ thật lòng rằng anh thấy những cây cột đỏ chót ấy không chỉ vướng víu mà còn làm "bẩn mắt" thêm cho một khu phố vốn đã rất ngổn ngang. "Phố giờ quanh năm đỏ chót, lòe loẹt như chỗ mấy đám hội", anh Hùng bày tỏ.
Các hộ dân sống tại mặt phố Đình Thôn được hỏi đều cho biết không có chuyện người dân góp tiền để dựng những cột thép này.
Con phố mới được "lên đời" từ đường làng, vốn thiếu ngăn nắp, quy củ, nay càng lộn xộn và lòe loẹt hơn bởi hàng trăm cột thép vừa được dựng lên trên vìa hè chật chội - Ảnh: THIÊN ĐIỂU
Chuyên gia nói "không ổn"
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, kiến trúc sư Lê Việt Hà - giám đốc Trung tâm Sáng kiến đô thị (UIHub) - nhận định giải pháp tạo tuyến phố kiểu mẫu của phường Mỹ Đình 1 là "rất không ổn".
"Dạng kết cấu và vật liệu của cột thép chỉ phù hợp với hoạt động ngắn hạn. Hệ thống cột đó chưa nói đẹp xấu nhưng sẽ rất vướng cho người đi bộ, cản tầm nhìn", kiến trúc sư nói.
"Nói đến 'đồng phục' thì chỉ nên nghĩ đến các tuyến đường trong các khu đô thị mới, và phải được thiết kế tốt. Các tuyến phố ở bên ngoài và tuyến phố cũ không nên 'đồng phục' mà cần sự đa dạng, hấp dẫn, thể hiện quá trình phát triển, ký ức đô thị của con phố".
Theo kiến trức sư Lê Việt Hà, ý tưởng xây dựng các tuyến phố kiểu mẫu của TP Hà Nội nên tiếp thu các sáng kiến từ nhiều nguồn để có được các giải pháp thiết kế "tử tế".
Một số hình ảnh về tuyến phố "kiểu mẫu" Đình Thôn:
Nhiều cọc chưa được người dân sử dụng để gắn biển, chỉ đứng chơ vơ trên vỉa hè - Ảnh: THIÊN ĐIỂU
Lãnh đạo phường Mỹ Đình 1 hi vọng tuyến phố kiểu mẫu này sẽ góp phần xây dựng phường Mỹ Đình 1 thành một nơi "đáng sống" - Ảnh: THIÊN ĐIỂU
Hơn 5m lòng đường Đình Thôn vốn đã đông xe, lại còn thêm chức năng làm chợ và bãi rửa xe - Ảnh: THIÊN ĐIỂU
Chút xíu vỉa hè cuối cùng đã được dùng để cắm thêm cột gắn biển, người đi bộ đành đi dưới lòng đường - Ảnh: THIÊN ĐIỂU
Dù đã có biển "đồng phục", cửa hàng này vẫn cần thêm nhiều biển hiệu dựng dưới vỉa hè - Ảnh: THIÊN ĐIỂU
Bởi được xây dựng đúng phần đất theo quy định, những cửa hàng này thành ra cách xa hàng cột gắn biển dựng sát lòng đường tới vài mét - Ảnh: THIÊN ĐIỂU
Những cột gắn biển này còn có thêm hai nhánh để treo cờ và đèn lồng - Ảnh: THIÊN ĐIỂU
Có lẽ quán bún đậu mẹt này thấy cái biển đồng phục treo ngay ngắn trên cột cao là quá "sang chảnh" với món hàng họ bán nên chỉ treo cái biển dạng pano rất phổ biển này - Ảnh: THIÊN ĐIỂU
Mảnh vỉa hè con con chất đầy những cột điện, nay gánh thêm cột biển hiệu - Ảnh: THIÊN ĐIỂU
Trước đó, tuyến phố "kiểu mẫu" Lê Trọng Tấn đã thất bại với dự án "đồng phục biển hiệu" - Ảnh: THIÊN ĐIỂU
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận