08/07/2019 13:25 GMT+7

Hà Nội vay lại 2.300 tỉ đồng vốn vay của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông

VŨ TUẤN
VŨ TUẤN

TTO - Nhận lại trách nhiệm chủ đầu tư, chính quyền TP Hà Nội phải nhận thêm khoản vay hơn 98 triệu USD, tức khoảng 2.300 tỉ đồng đối với dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Hà Nội vay lại 2.300 tỉ đồng vốn vay của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông - Ảnh 1.

Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông bị đội vốn từ 8.700 tỉ lên 18.000 tỉ đồng - Ảnh: NAM TRẦN

Trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 9 - HĐND thành phố Hà Nội khóa XV sáng nay 8-7, UBND thành phố Hà Nội đã trình HĐND thành phố xem xét báo cáo phương án vay lại vốn thuộc dự án tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.

Ông Nguyễn Mạnh Quyền - giám đốc Sở KH-ĐT Hà Nội - giải thích: Hà Nội là địa phương tự chủ ngân sách, theo quy định của Luật ngân sách, Luật tài sản công, địa phương nào được hưởng thụ công trình được đầu tư bằng vốn vay ODA thì địa phương đó có trách nhiệm trả nợ ODA.

Ông Quyền cho hay trên cơ sở xác định thời điểm nhận nợ là thời điểm Bộ GTVT tải bàn giao dự án cho Hà Nội và dự án chính thức đi vào hoạt động. 

Vì thế các khoản vay để chi phí vận hành dự án sẽ được bàn giao lại cho Hà Nội để thành phố có trách nhiệm trả nợ cho ngân sách trung ương.

Hà Nội vay lại 2.300 tỉ đồng vốn vay của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông - Ảnh 2.

Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền giải thích thêm về khoản vay lại thuộc dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông - Ảnh: NAM TRẦN

Trong dự trù kinh phí năm 2019, TP Hà Nội đã chủ động cân đối để đảm bảo trả nợ cân đối nguồn kinh phí này. Theo đó, Hà Nội sẽ vay lại 2.300 tỉ đồng phần kinh phí vận hành thuộc dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông.

Việc vay lại hơn 2.300 tỉ đồng này, được chia làm 3 khoản vay. Khoản thấp nhất gần 10 triệu USD, 2 khoản khác mỗi khoản hơn 41 triệu USD và 47 triệu USD. Hà Nội sẽ phải trả nợ cho ngân sách trung ương với lãi suất 4%/năm. Dự kiến khoản vay cuối cùng sẽ được trả xong vào tháng 7-2032.

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông được phê duyệt từ năm 2008 do Bộ GTVT làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư ban đầu khoảng 8.700 tỉ đồng, nhưng đến nay đã đội vốn lên trên 18.000 tỉ đồng. Trong đó, vốn vay Trung Quốc trên 13.800 tỉ đồng, vốn đối ứng của Việt Nam hơn 4.000 tỉ đồng.

Hà Nội vay lại 2.300 tỉ đồng vốn vay của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông - Ảnh 3.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông trong giai đoạn đang thi công - Ảnh: TTO

Đến tháng 12-2014, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn chỉ đạo giao Bộ GT-VT phối hợp với  Hà Nội xây dựng phương án bàn giao, tiếp nhận trách nhiệm chủ đầu tư cho UBND thành phố Hà Nội. Theo đó Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (thuộc UBND thành phố Hà Nội) sẽ tiếp nhận khoản vay và bố trí vốn trả nợ vay lại từ năm 2018.

Đến tháng 11-2018, Phó thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh có ý kiến chỉ đạo UBND TP Hà Nội có trách nhiệm nhận nợ vay lại trực tiếp đối với phần vốn vay lại của dự án, ngân sách địa phương phải chịu trách nhiệm trả nợ ngân sách trung ương.

Giá vé đường sắt trên cao Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông cao nhất là 15.000 đồng/lượt

UBND TP Hà Nội đã họp xem xét, thống nhất đề xuất mức giá vé và chính sách miễn, giảm giá vé tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.

VŨ TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên