08/02/2022 17:06 GMT+7

Hà Nội vẫn chưa mở cửa rạp chiếu phim, karaoke...

PHẠM TUẤN
PHẠM TUẤN

TTO - Lãnh đạo Thành ủy, UBND TP Hà Nội, Sở Y tế TP nhiều lần khẳng định dịch COVID-19 tại thủ đô vẫn trong tầm kiểm soát, tuy nhiên đến nay TP này vẫn đóng cửa nhiều loại hình kinh doanh dịch vụ như rạp chiếu phim, karaoke...

Hà Nội vẫn chưa mở cửa rạp chiếu phim, karaoke... - Ảnh 1.

Một rạp chiếu phim tại TP.HCM được mở cửa đón khách sau khi tạm đóng cửa để chống dịch - Ảnh: HOÀNG AN

Sau khi tạm đóng cửa để phòng dịch, hiện các hoạt động kinh doanh dịch vụ như karaoke, rạp chiếu phim tại Hà Nội vẫn chưa "hẹn ngày trở lại", quy định hàng quán buôn bán tại chỗ phải đóng cửa trước 21h vẫn chưa được dỡ bỏ, gây khó cho doanh nghiệp và người dân.

Theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch về việc thực hiện nghị quyết 128 của Chính phủ trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch:

Những nơi dịch ở cấp độ 1, rạp chiếu phim sẽ được mở cửa; dịch cấp độ 2 cho phép hoạt động 50% công suất; dịch cấp độ 3 được hoạt động 30% công suất, chỉ đóng cửa rạp ở những nơi dịch cấp độ 4.

Đến nay, Hà Nội đã trải qua gần 10 tháng đóng cửa rạp chiếu phim phòng dịch. Hiện gần như toàn TP Hà Nội dịch đang ở cấp độ 1, nhưng thủ đô vẫn chưa có động thái mở cửa rạp trở lại.

Đóng cửa kéo dài, ảnh hưởng lớn tới doanh nghiệp

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online chiều 8-2, ông Nguyễn Hoàng Hải - giám đốc nội dung hệ thống rạp chiếu phim CGV - cho biết dịch bệnh kéo dài trong 2 năm vừa qua đã ảnh hưởng rất lớn đến việc kinh doanh của các cụm rạp nói riêng cũng như sự phát triển chung của nền điện ảnh Việt Nam.

Trong giai đoạn rạp phải đóng cửa kéo dài, cũng như tất cả các doanh nghiệp điện ảnh khác, CGV gặp nhiều khó khăn khi vẫn phải chi trả nhiều khoản phí cố định như mặt bằng, lãi vay ngân hàng, điện nước, phí duy trì máy móc thiết bị...

"Hiện nay, các rạp chiếu phim ở TP.HCM và nhiều tỉnh thành được hoạt động ổn định trở lại và với việc tình hình dịch bệnh đã dần được kiểm soát tốt, chúng tôi đang mong chờ từng ngày việc hệ thống rạp chiếu phim được mở cửa trở lại tại Hà Nội và một số tỉnh thành khác.

Tôi tin rằng việc rạp phim tại Hà Nội được mở cửa trở lại sẽ tạo ra một động lực tích cực, góp phần phục hồi ngành điện ảnh Việt Nam sau một giai đoạn dài hết sức khó khăn" - ông Hải bày tỏ.

"Càng sợ hãi, càng dễ thất bại"

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online chiều 8-2, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân cho rằng khôi phục các hoạt động kinh doanh dịch vụ là cấp thiết trong thời điểm này, trong đó có các rạp chiếu phim.

Hà Nội vẫn chưa mở cửa rạp chiếu phim, karaoke... - Ảnh 2.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân - Ảnh: Quochoi.vn

"Thực tiễn chống dịch vừa qua đã có rất nhiều bài học rút ra, trước hết về tâm lý quản lý, tâm lý lãnh đạo.

Sợ điều gì thì sẽ thua cái đấy, sợ dịch sẽ thua dịch, nói như thế không có nghĩa là chủ quan, nhưng sợ hãi sẽ thất bại. Đóng cửa các loại hình kinh doanh lúc này có thể là an toàn cho cá nhân nhưng thất bại cho đại chúng.

Tình hình dịch bệnh hiện nay cơ bản đã được kiểm soát, từ khi thực hiện nghị quyết 128 đến nay, hiệu quả chống dịch đã khác so với trước.

Ngoài ra chúng ta đã có những giải pháp căn bản như là phủ kín vắc xin cho người dân, nâng cao được ý thức phòng dịch và có lộ trình để điều trị F0. Thế thì hà cớ gì Hà Nội lại đóng cửa mãi?" - ông Lê Thanh Vân đặt câu hỏi.

Ông Vân cho rằng TP Hà Nội cần phải sớm mở cửa trở lại một số hoạt động kinh doanh, nhưng không được "dễ dãi, tùy tiện", cần phải kiểm soát thích hợp, không quá cực đoan.

"Điều này đòi hỏi tính sáng tạo trong quản lý của lãnh đạo TP, càng máy móc, càng lo sợ dịch bệnh bùng phát thái quá thì vẫn sẽ đóng cửa các hoạt động kinh tế.

Đóng cửa kéo dài sẽ cắt nguồn sinh kế của người dân, thì lấy đâu ra tiền để đóng góp cho ngân sách, lấy đâu ra nguồn lực để chống dịch", ông Vân nói.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân cho rằng, dù "mở cửa" nhưng vẫn phải duy trì những biện pháp tối thiểu như 5K, đặc biệt là khẩu trang và khoảng cách.

"Ví dụ khi Hà Nội mở cửa rạp chiếu phim thì nên giảm số khách vào rạp song tăng tần suất chiếu lên, để đảm bảo có lợi cho hoạt động kinh doanh, có lợi cho các hoạt động dịch vụ", ông Lê Thanh Vân nói thêm.

Về việc đến nay Hà Nội vẫn yêu cầu hàng quán đóng cửa trước 21h mỗi ngày, ông Vân nói: "Không hiểu quy định này Hà Nội lấy từ cơ sở khoa học nào lại đóng cửa hàng quán trước 21h đêm.

Từ khi Hà Nội áp dụng quy định này, số ca COVID-19 vẫn tăng, không có chiều hướng giảm, vì vậy tôi đánh giá giải pháp này thiếu tính thực tế và hiệu quả".

Trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã yêu cầu Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và các cơ quan liên quan nghiên cứu, chỉ đạo xử lý việc mở cửa trở lại các rạp chiếu phim trên toàn quốc, bảo đảm thống nhất, phù hợp với tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam.

Doanh thu phim chiếu rạp Doanh thu phim chiếu rạp 'khiêm tốn' dịp Tết

TTO - Theo số liệu thống kê Box Office vừa công bố, doanh thu của thị trường phim Việt đầu năm Nhâm Dần giảm sâu.

PHẠM TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên