Hà Nội và những bài học quy hoạch đô thị chưa hề cũ

VIỆT HOÀI 21/08/2010 15:08 GMT+7

TTCT - 68 tấm bản đồ Hà Nội, cũ nhất là bản đồ năm 1873, mới nhất cũng được ấn hành từ năm 1954, đang thu hút sự chú ý của không chỉ các nhà nghiên cứu mà còn đông đảo người dân thủ đô.

Và hơn cả sự tò mò về những sử liệu giá trị, người Hà Nội quan tâm đến triển lãm này (*) bởi chúng nhắc lại nhiều bài học về quy hoạch đô thị không hề cũ.

Bản đồ hành chính Đại lý Hoàn Long tỉ lệ 1/50.000, kích thước gốc 50x32cm, thiết lập bằng tài liệu của Sở Địa chính Bắc Việt, kèm theo chỉ dẫn địa giới theo Dụ ngày 3-10-1888, địa giới địa lý Hà Nội theo Dụ ngày 14-7-1942 và địa giới của Hà Nội dự định mở rộng

Hà Nội, từ kinh kỳ bị bỏ rơi...

Một thời gian khá dài từ khi Gia Long Nguyễn Ánh dời đô vào Huế (1802) đến khi người Pháp đặt chân lên Bắc Thành (1882) - tên mới của Thăng Long, kinh đô của nước Đại Việt đã bị “bỏ rơi” trong gần một thế kỷ. 

Từ việc đổi chữ “long” trong “Thăng Long” từ ý nghĩa là “rồng” - biểu tượng của vương quyền - sang ý nghĩa là hưng thịnh, đến việc đổi tên thành Bắc Thành - chỉ còn là một thành (thị) có một tòa thành phía bắc như bao tòa thành khác. 

Đến năm 1831, vua Minh Mạng đổi tên Thăng Long thành Hà Nội (thành phố trong sông), nhà Nguyễn xóa hẳn dấu vết của một Thăng Long xe ngựa, lâu đài. Một số đáng kể những thành phần vật liệu quý giá nhất của thành quách, lâu đài bị di dời, từ cột kèo rui mè đến chân tảng, phù điêu... vào Phú Xuân, làm nên một kinh đô Huế đậm chất vương triều Nguyễn.

Hà Nội lúc ấy bên ngoài chỉ còn đơn giản là một phố thị với những hoạt động giao thương và những làng nghề truyền thống.

Năm 1858, Pháp nổ súng ở cửa biển Đà Nẵng, bắt đầu cuộc xâm chiếm Đông Dương. Tháng 11-1873, Franc5oise Garnier chỉ huy quân đánh thành Hà Nội. Nhà Nguyễn chủ hòa, nhưng người Hà Nội vẫn kiên cường chống trả dưới sự chỉ huy của Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu. Năm 1884, vua Tự Đức ký hòa ước công nhận sự bảo hộ của Pháp trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, Hà Nội chính thức bước vào thời kỳ thuộc địa.

... đến một đô thị châu Âu hiện đại

Nhưng lịch sử cận đại bi hùng, đầy máu và nước mắt của Hà Nội không chỉ có những trang đen tối. Với “thân phận” một xứ thuộc địa, Hà Nội hưởng một nền hành chính thuộc địa với tất cả những văn minh khai sáng cũng như bóc lột man rợ của nó.

Ngày 19-7-1888, Sadi Carnot, tổng thống Pháp, ký sắc lệnh thành lập thành phố Hà Nội. Đến năm 1902, Hà Nội trở thành thủ đô của toàn liên bang Đông Dương. 

Với sự quy hoạch của người Pháp, thành phố dần có được bộ mặt mới. Lũy thành thời Nguyễn bị triệt hạ dần, đến năm 1897 thì kể như phá xong, chỉ còn lại Cột Cờ, Cửa Bắc với vết đạn năm 1873, Đoan Môn (lần cửa trong cùng dẫn vào cung vua) và lan can rồng đá trong Hoàng thành cũ.

Năm 1901, các công trình phủ thống sứ, nhà bưu điện, kho bạc, nhà đốc lý... được xây dựng. Khi những nhà tư bản người Pháp tới Hà Nội ngày một nhiều hơn, các rạp chiếu phim, nhà hát, khách sạn... dần xuất hiện, những con phố cũng thay đổi để phù hợp với tầng lớp dân cư mới. 

Năm 1921, thành phố có khoảng 4.000 dân châu Âu và 100.000 dân bản địa (theo Lịch sử Hà Nội của Philippe Papin).

Tất cả những biến động lịch sử, xã hội ấy tuy không thể bao quát hết, cũng không thể đi vào từng chi tiết tỉ mỉ, nhưng với những ai quan tâm, nó hiển thị một cách sinh động trong những tấm bản đồ quy hoạch, theo thứ tự thời gian, từ khu vực trung tâm đến ngoại ô, từ những ngôi nhà mặt phố đến đường tàu điện, từ cây cầu Long Biên lừng danh đến phố Lò Lợn dân dã.

Đặc biệt hơn, với một nền văn hóa có “thói quen lưu trữ bằng cách truyền miệng”, những tư liệu và bản đồ có từ 60-130 năm tuổi đã cho người hôm nay thấy một quyết tâm khoa học và bài bản của những nhà cầm quyền và những kiến trúc sư quy hoạch từ hơn một thế kỷ trước.

Khi xác định địa giới thành phố, phân chia khu vực sinh sống giữa người châu Âu và người bản xứ, phá bỏ nhà tranh vách đất ở khu trung tâm, xây dựng đường giao thông, hệ thống thoát nước, đường điện, quy hoạch ô phố theo mạng lưới bàn cờ..., người Pháp đã nhanh chóng biến Hà Nội từ một kinh kỳ bị bỏ rơi thành một thành phố mang phong cách châu Âu trên diện tích 1.220ha, rồi ngày càng phát triển về chiều sâu với những bản quy hoạch chi tiết, khả thi và nhiều công trình đặc sắc.

5km tài liệu và những bài học quy hoạch đô thị không bao giờ cũ

Nghị định số 91 ngày 7-7-1921 của Thống sứ Bắc kỳ về các công trình xây mới tại một số đường của Hà Nội đã quy định rất cụ thể: “Tại 26 con đường của thành phố Hà Nội và tất cả các đại lộ được mở trên khu đất của công ty điền thổ, từ đại lộ Carnot (Phan Đình Phùng ngày nay) đến đường Duvilliers (Nguyễn Thái Học) chỉ được phép xây dựng những căn nhà kiểu châu Âu, cấm xây nhà kiểu bản xứ hoặc nhà chia ô. Số người sử dụng ở mỗi phòng ngủ tối đa là 1 người/25m2”.

Hà Nội thời đó không chỉ thực thi Luật đô thị nghiêm ngặt, những chính sách và đặc biệt quy hoạch đô thị không chỉ khiến người dân tận hưởng được những điểm ưu việt mà còn rất dễ dàng khi thực thi nó.

Xem rất kỹ những bản đồ trong triển lãm, kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính tâm đắc: “Ernerst Hebrard là một kiến trúc sư quy hoạch bậc thầy. Ông rất hiểu Hà Nội, hiểu lối sống của các tầng lớp cư dân khác nhau để vạch những nét quy hoạch khác nhau cho từng khu dân cư. Tôi thán phục nhất là vì họ vẫn giữ nguyên được khu phố cổ, trong khi xây mới hoàn toàn một khu phố Tây với những kiến trúc thuộc địa rất hài hòa và tương xứng với khu phố cổ.

Hệ thống giao thông, hệ thống thoát nước cũng là những bài học rất bổ ích về quy hoạch. Không phải ngẫu nhiên mà đến thời điểm hiện tại, mỗi khi Hà Nội ngập lụt, hai khu phố này vẫn bình yên vô sự. Và vào giờ cao điểm không bao giờ tắc đường”.

Đi sâu hơn vào những vấn đề quy hoạch mang tính lịch sử, nhà sử học Dương Trung Quốc đánh giá: “Người Pháp có những sai lầm khi quy hoạch Hà Nội như phá thành cổ Hà Nội, lấp một số ao hồ... nhưng họ nhận ra sai lầm rất nhanh và ra sức sửa chữa. Các đời quan toàn quyền sau đều phê phán mạnh mẽ và công khai người tiền nhiệm vì những sai lầm này. Đã trót phá thành cổ, người Pháp giữ nguyên khu phố cổ Hà Nội với tất cả đặc thù của nó, thiết kế và quy hoạch một hệ thống thoát nước cho khu phố Tây mới rất tốt, phải nói là gần như hoàn hảo.

Có những câu hỏi mà đến hôm nay chúng ta vẫn phải đặt ra để thấy tầm nhìn trong quy hoạch Hà Nội của người Pháp: tại sao sau hơn một thế kỷ quy hoạch đó vẫn khắc phục được những áp lực về dân số, hạ tầng và không bị rơi vào bế tắc như các khu đô thị hiện đại? Tại sao có nhiều giá trị kiến trúc Pháp và Pháp được Việt Nam hóa trong thời kỳ này còn nguyên giá trị, điều mà kiến trúc của chúng ta sau này không thể đáp ứng nổi?”.

Ông Ngô Thiếu Hiệu - nguyên giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia, người đã dành phần lớn cuộc đời truy tìm những tài liệu, hồ sơ lưu trữ về Hà Nội trong mọi thời kỳ lịch sử và tổ chức hàng trăm cuộc trưng bày, triển lãm, cung cấp tư liệu cho hàng ngàn xuất bản phẩm về Hà Nội - nồng nhiệt bày tỏ: “Không một địa danh nào trên đất nước này lại có nhiều tài liệu lưu trữ về nó như Hà Nội.

Riêng những tài liệu mà chúng tôi tiếp cận và lưu trữ được đã lên đến... 5km (file tài liệu xếp đứng, sát nhau). Số lượng bản đồ và tài liệu văn bản mà trung tâm công bố hôm nay chỉ là một số vô cùng nhỏ trong kho lưu trữ khổng lồ đó. Vấn đề là người quản lý quy hoạch đô thị hôm nay cần có sự tiếp cận, khảo sát và học hỏi nghiêm túc từ nguồn tài liệu quý này”.

“Triển lãm này có rất đông người dân đến xem, nhưng lại không có bóng dáng một quan chức thành phố, Sở Quy hoạch kiến trúc hay xây dựng nào. Hi vọng, vì triển lãm còn kéo dài, sẽ có một trong số các vị ấy quan tâm, và từ những tấm bản đồ quy hoạch cũ này tìm ra được một cái gì đó bổ ích cho những quyết định quy hoạch cho tương lai” - ông Hiệu nói thêm.

___________

(*) Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I tổ chức trưng bày các tài liệu với chủ đề “Quy hoạch đô thị và địa giới hành chính Hà Nội giai đoạn 1873-1954”; giới thiệu 68 tấm bản đồ Hà Nội xưa và các văn bản quan trọng giúp người xem tìm hiểu về Hà Nội qua các giai đoạn lịch sử. Đặc biệt, trong đó có một số bản đồ gốc trên chất liệu vải, được xem là nguồn tư liệu quý, có giá trị lịch sử lớn.

Triển lãm kéo dài từ 16-8 đến 31-12-2010 tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (số 18 đường Trung Yên 1, quận Cầu Giấy).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận