30/03/2021 09:31 GMT+7

Hà Nội từ 'quay lưng vào sông Hồng' nay sẽ 'quay mặt vào sông Hồng' để phát triển

XUÂN LONG
XUÂN LONG

TTO - Đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đã được UBND thành phố Hà Nội trình Thường trực Thành ủy xem xét, cho chủ trương chỉ đạo với tỉ lệ 1/5.000, đoạn 40km từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở.

Hà Nội từ quay lưng vào sông Hồng nay sẽ quay mặt vào sông Hồng để phát triển - Ảnh 1.

Hà Nội dự kiến phê duyệt quy hoạch phân khu sông Hồng vào tháng 6-2021. Trong ảnh: một góc sông Hồng chảy qua khu vực Q.Hoàn Kiếm và Long Biên, Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN

Quy hoạch do Nhà nước làm là chuẩn xác, vì như vậy là làm khách quan, làm vì cái chung cho sự phát triển của thành phố. Sau khi có quy hoạch mới thu hút đầu tư, khi đó các doanh nghiệp bằng khả năng của mình sẽ vào đầu tư.

Ông Trần Ngọc Chính (chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam)

Vậy trong tương lai, Hà Nội sẽ phát triển thành như thế nào?

Từ "quay lưng vào sông Hồng" đến "quay mặt vào sông Hồng"

Ông Dương Đức Tuấn, phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, cho biết Hà Nội đã hoàn thành 36/38 quy hoạch phân khu trong triển khai định hướng Quy hoạch chung thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2011.

Quy hoạch dự kiến thiết lập sông Hồng là trục không gian cảnh quan chủ đạo của thành phố, gắn với trục hồ Tây - Cổ Loa, tạo thành trọng tâm bố cục không gian cho đô thị trung tâm Hà Nội. Từ đó sẽ hình thành hệ thống công viên, công trình mang tính biểu tượng của thủ đô, phục vụ các hoạt động lễ hội, du lịch...

Đồ án quy hoạch cũng hướng đến cải tạo chỉnh trang, tái thiết hệ thống dân cư hiện hữu, bảo tồn các công trình di tích, kiến trúc có giá trị lịch sử, kết hợp khai thác quỹ đất phát triển mới tạo lập diện mạo đô thị hai bên sông Hồng. Đồng thời phát triển hệ thống đường trục và hệ thống mạng lưới đường ven sông, đường dành cho người đi bộ và xe đạp.

Quy hoạch này cũng hướng đến giải pháp đường kết hợp đê cho từng khu vực và trên toàn tuyến dài 40km. Cụ thể, với đê chính, các tuyến đê đoạn qua khu vực nội ô sẽ giữ theo hiện trạng là đường liên khu vực có mặt cắt ngang 4-6 làn xe, các đoạn còn lại nâng cấp thành đường chính khu vực với quy mô 4 làn xe. Với khu vực ven sông, sẽ hình thành đường ven sông, đường đô thị quy mô 6 làn xe mỗi bên sông.

Theo viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy, trước đây mọi người nói "Hà Nội quay lưng vào sông Hồng", nhưng với quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đang xin ý kiến, "Hà Nội sẽ quay mặt vào sông Hồng để phát triển".

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cũng khẳng định quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng sẽ hướng ra sông, sông Hồng sẽ là trung tâm; hai bên là trục vành đai xanh, cảnh quan đô thị, ở đó nhấn mạnh yếu tố văn hóa đặc sắc của sông Hồng, tạo không gian hài hòa để phát triển cho cả hai bên dòng sông. 

"Trước đây sông Hồng cận biên là phía Bắc. Bây giờ tư duy quy hoạch mới rồi, trục nằm giữa lòng sông Hồng, từ đó phát triển hài hòa 2 bên bờ sông" - ông Huệ cho hay.

Cũng theo ông Huệ, quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng tỉ lệ 1/5.000 là quy hoạch quan trọng, lần này có sự thay đổi cách tiếp cận theo nguyên tắc thuận thiên, lấy phòng chống lũ và chỉnh trị sông Hồng làm mục tiêu hàng đầu.

Hà Nội từ quay lưng vào sông Hồng nay sẽ quay mặt vào sông Hồng để phát triển - Ảnh 3.

Hà Nội dự kiến phê duyệt quy hoạch phân khu sông Hồng vào tháng 6-2021. Trong ảnh: một góc sông Hồng chảy qua khu vực Hoàn Kiếm và Long Biên - Ảnh: NAM TRẦN

Không "nhồi" nhà cao tầng

Ông Trần Ngọc Chính, chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cho rằng khi Hà Nội đã mở rộng địa giới thì phải giữ được không gian cho sông Hồng, không xây dựng quá nhiều nhà cao tầng hai bên, lấy sông Hồng trở thành trục cảnh quan để người dân và du khách trong nước, quốc tế có thể tận hưởng được sông Hồng.

Theo ông Chính, quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng có nói xây dựng nhà cao tầng để tái định cư, công trình văn phòng, đó là định hướng đúng vì cũng cần có những công trình mang đậm tính văn hóa, công trình mang tính chất điểm nhấn cho thành phố. "Còn dưới bờ sông dứt khoát không xây dựng nhà mà chỉ là công viên, vườn hoa, sân chơi, có thể là bãi bóng... vì có những lúc có thể bị ngập khi có lũ về" - ông Chính nói.

Theo ông Vương Đình Huệ, quá trình nghiên cứu lập quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng cũng đã nghiên cứu, tham khảo các đồ án nghiên cứu trước đây của Hà Lan, Hàn Quốc về quy hoạch sông Hồng. 

"Với Hàn Quốc, trước đây khi nghiên cứu chú trọng vào thành phố hiện đại nhà cao tầng vì lúc đó Hà Nội chưa được mở rộng địa giới hành chính nên diện tích rất hẹp. Tuy nhiên bây giờ đã mở rộng địa giới hành chính, không gian phát triển của Hà Nội rất rộng, nên không việc gì chất tải các công trình lên dọc sông Hồng" - ông Huệ nói.

Ông Chính cũng nhận định thời điểm hoàn thiện quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng hiện nay rất thuận lợi. Từ năm 2005, các chuyên gia Hàn Quốc cũng đã có nghiên cứu và đưa ra quy hoạch về sông Hồng, nhưng khi đó Hà Nội chưa mở rộng địa giới hành chính nên diện tích chỉ có 921km2. Xem lại quy hoạch đề xuất khi đó đúng là có rất nhiều nhà cao tầng. 

Điều này cần hiểu mong muốn xây dựng Hà Nội là thành phố đa chức năng nhưng diện tích lại nhỏ nên các chuyên gia Hàn Quốc chủ trương làm nhiều nhà cao tầng để tranh thủ diện tích khai thác mật độ dân số cao. Tuy nhiên, năm 2008 Quốc hội đã có nghị quyết mở rộng địa giới hành chính thủ đô Hà Nội làm tăng diện tích Hà Nội lên rất lớn, lên đến 3.324km2.

Chiều 28-3, phát biểu tại cuộc làm việc của Thủ tướng với thành phố Hà Nội về tình hình kinh tế - xã hội đầu năm 2021, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đồng tình với kiến nghị của Hà Nội liên quan đến điều chỉnh quy hoạch chung thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050, trong đó có việc lấy trục sông Hồng để phát triển, lấy sông Hồng là trục xanh để phát triển cân đối hai bên bờ sông, đưa phía bắc sông Hồng thành đô thị hiện đại, đồng bộ về hạ tầng để trở thành động lực phát triển.

Hà Nội từ quay lưng vào sông Hồng nay sẽ quay mặt vào sông Hồng để phát triển - Ảnh 4.

Đồ họa: T.ĐẠT

Với quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, trước đây khi thì giao cho đơn vị này, giao cho đơn vị kia nghiên cứu xây dựng quy hoạch, bây giờ là Nhà nước nghiên cứu và làm quy hoạch này, không giao cho một doanh nghiệp nào.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ

Chưa biết khu vực nào sẽ phải di dời

Ông Phạm Tuấn Long, chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, cho biết trong quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng có 2 phường Chương Dương và Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm) thuộc phạm vi nghiên cứu của quy hoạch.

Theo ông Long, hiện nay quy hoạch mới đang trong giai đoạn lập, xin ý kiến; UBND thành phố đã giao Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cùng Sở Quy hoạch - kiến trúc, chính quyền các quận, huyện đang tiếp tục điều tra, lập hồ sơ hiện trạng dân cư để phục vụ công tác thiết kế quy hoạch.

"Hai phường Chương Dương và Phúc Tân nằm trong phạm vi nghiên cứu của quy hoạch có tổng diện khoảng 100ha, chiếm 20% diện tích của quận, tương ứng với số lượng trên 40.000 thửa đất với các hộ gia đình đang sinh sống. Chúng tôi sẽ tích hợp các số liệu này để phục vụ công tác lập quy hoạch. 

Còn hiện nay chưa biết khu vực nào sẽ phải di dời, mà phải căn cứ vào các chỉ tiêu về quy hoạch như cân đối về dân cư, cân đối về hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch về phát triển không gian, từ đó sẽ quyết định số dân ở từng khu vực, từng quận huyện cho phù hợp với quy hoạch chung của thành phố" - ông Long nói.

Theo UBND thành phố, giữa quy hoạch chung xây dựng thủ đô được Thủ tướng phê duyệt năm 2011 và quy hoạch về phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình vẫn còn những vướng mắc trong việc xác định khu vực dân cư được tồn tại, bảo vệ và di dời. 

Chưa hết, cơ sở xác định ranh giới bãi sông để tính toán diện tích bãi nổi, bãi sông Hồng chưa được hướng dẫn xác định cụ thể, vì vậy chưa đủ cơ sở để lựa chọn phương án quy hoạch sử dụng đất. 

Về tiến độ, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống đang trong giai đoạn xin ý kiến, dự kiến tháng 6-2021 sẽ thống nhất với các bộ, ngành để đủ điều kiện phê duyệt.

Để giải quyết các vướng mắc nêu trên, UBND thành phố Hà Nội cho biết về trình tự thủ tục, trước mắt cần lấy ý kiến Bộ NN&PTNT về quản lý sử dụng bãi sông và các khu vực dân cư để xác định rõ được tồn tại bảo vệ hay cần di dời. Trên cơ sở ý kiến của Bộ NN&PTNT, Sở Quy hoạch - kiến trúc và Sở NN&PTNT sẽ tham mưu UBND thành phố xem xét, chỉ đạo triển khai các bước tiếp theo về quy hoạch.

o nhiem hn (9)_original 6(read-only)

Bãi giữa sông Hồng dưới chân cầu Long Biên - 1 trong 8 khu vực bãi sông nằm trong quy hoạch - Ảnh: NAM TRẦN

* Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng (chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam): Tránh tình trạng doanh nghiệp "cài cắm" công trình vào quy hoạch

Quy hoạch đô thị sông Hồng là một ý tưởng tốt, sau khi có quy hoạch phân khu cần thi tuyển quy hoạch kiến trúc đô thị sông Hồng. Nhà nước cần cầm trịch cuộc chơi này, cần lập quy hoạch phân khu để tránh tình trạng doanh nghiệp "cài cắm" công trình vào quy hoạch.

Đô thị sông Hồng nên là đô thị sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng, du lịch, văn hóa vì dọc sông Hồng đoạn chạy qua Hà Nội có nhiều di tích lịch sử văn hóa vật thể, phi vật thể cần được khai thác.

Quỹ đất bãi bồi, bãi giữa và 2 bên bờ sông Hồng đoạn chạy qua thủ đô Hà Nội nên ưu tiên làm đô thị nghỉ dưỡng. Dòng chảy sông Hồng rất khắc nghiệt, nên nếu làm như đô thị sông Hàn (Hàn Quốc) thì sẽ phá sản. Cần quy hoạch 11.000ha đất giữa sông, hai bên bờ sông thành một thành phố nghỉ dưỡng, du lịch, văn hóa trong lòng Hà Nội.

Đây là bài toán quỹ đất, phải sử dụng quỹ đất để nuôi đô thị nên phải đấu giá công khai quỹ đất, lựa chọn nhà đầu tư phù hợp. Việc đấu thầu, đấu giá quỹ đất bãi bồi trên sông, quỹ đất ven sông sẽ mang lại nguồn lực lớn. Nhà nước sẽ dùng chính khoản tiền này để đầu tư phát triển đô thị.

Đồng thời, phải quy hoạch tái định cư cho người dân sống tạm cư trong khu vực lòng sông hiện nay. Những khu đất mới như bãi giữa sông Hồng có thể biến thành công viên sinh thái, khu vực phát triển nông nghiệp sinh thái.

* GS.TSKH Đặng Hùng Võ (nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường): Tính toán kỹ thêm với 11.000ha bãi bồi

Hiện nay cần xác định rõ phải quy hoạch lại vùng đất hoang, bãi bồi trên sông Hồng, vùng ven hai bờ sông..., nhưng gắn với đô thị của Hà Nội hiện đại thì cần tính toán kỹ. Đây không chỉ là vấn đề nhà ở, làm nông nghiệp hay chuyển thành đất ở, mà cần tính toán để có một không gian đô thị hiện đại, thuận tự nhiên, nhưng rõ ràng những bãi hoang (ước chừng 11.000ha) giữa sông Hồng và khu vực hai bên ven sông như hiện nay rất lãng phí.

* Kiến trúc sư Trần Huy Ánh (Hà Nội): Người dân mong và... nín thở chờ đợi

Quy hoạch hai bên sông Hồng được người dân mong chờ từ lâu, bao gồm người dân toàn thành phố và người dân trong vùng quy hoạch. Người Hà Nội nói chung đều mong đợi thành phố của mình quay mặt ra sông.

Khi đó, sông Hồng trở thành một không gian cảnh quan công cộng rất đẹp với hạ tầng tốt, cây xanh, mặt nước để cứu vãn tình trạng ô nhiễm không khí của Hà Nội và cảnh quan nhếch nhác của thủ đô do phát triển tự phát hai bên bờ sông Hồng trong vài chục năm qua.

Người dân đang trông đợi viễn cảnh sông Hồng trở thành một bộ phận không tách rời của thành phố và làm đẹp cho cảnh quan Hà Nội. Ví như dự án nghệ thuật công cộng các nghệ sĩ làm ở khu Phúc Tân bên bờ lở sông Hồng vừa qua, họ đã phải làm trên những bãi rác. Với quy hoạch mới, người dân Hà Nội trông đợi dòng sông Hồng sẽ hiền hòa, có nước lưu chuyển và nước sạch hơn.

Những người Hà Nội sống ở hai bên sông Hồng (trong vùng quy hoạch) không ai không muốn nơi đây không còn chỉ là phần bên hông của Hà Nội mà là một phần không tách rời của Hà Nội, được hưởng tất cả những phúc lợi về hạ tầng.

Nếu không có quy hoạch, người dân nơi đây mãi mãi sống trong tình cảnh công dân hạng hai; nhà cửa, đường sá tạm bợ; xây dựng không được cấp phép; đất cát mua bán rủi ro rất cao; an ninh cũng không tốt... Có quy hoạch thì cuộc sống của người dân ở đó sẽ được ổn định hơn.

Nhưng liệu các nhà quy hoạch tài giỏi được lựa chọn để làm quy hoạch này có vượt qua những thách thức để đưa ra được một bản quy hoạch phục vụ lợi ích của 30 triệu người dân hai bên bờ sông? Người dân Hà Nội cũng đang nín thở chờ đợi bản quy hoạch tốt như các lãnh đạo thành phố hứa hẹn.

T.ĐIỂU - B.NGỌC ghi

Hà Nội sẽ có thêm 10 cầu vượt sông Hồng Hà Nội sẽ có thêm 10 cầu vượt sông Hồng

TTO - Trả lời cử tri Hà Nội, Bộ Giao thông vận tải cho biết trong thời gian tới sẽ xây dựng thêm 10 cầu vượt sông Hồng ở địa phận Hà Nội theo quy hoạch nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân hai bên bờ sông.

XUÂN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên