Khoảng 17h, khu vực trước cổng bến xe Nước Ngầm (phía nam thủ đô), các phương tiện "nối đuôi" nhau rời trung tâm Hà Nội. Càng về tối, tình trạng ùn tắc dần được cải thiện khi lực lượng chức năng đã có mặt từ sớm, phân luồng từ xa - Ảnh: HÀ QUÂN
Từ chiều 30-12, đường vành đai 3 đoạn qua Nguyễn Xiển, Nghiêm Xuân Yêm, bán đảo Linh Đàm… đã kẹt xe nghiêm trọng, nhất là đường trên cao. Xe cộ xếp hàng dài nhích từng chút một hướng về cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.
Anh Lam Điền (quê Ninh Bình) chia sẻ: "Tôi kẹt ngay đường trên cao từ lúc 15h chiều. Cứ nhích từng chút, đường quá đông nên không thể xuống được phía dưới để đổi tuyến khác. Mọi năm, đi xe khách từ bến xe Nước Ngầm về nhà chỉ khoảng 2 tiếng. Giờ chắc phải tối muộn mới về được nhà".
Chung cảnh với anh Điền, anh Thân Dương (quê Bắc Giang) cho biết cũng tầm này năm ngoái, anh đi rất nhanh từ Xuân La (quận Tây Hồ) ra cầu Thanh Trì do đường trên cao thông thoáng.
"Hôm nay đường đông quá, mình xin nghỉ làm về sớm để đỡ tắc nhưng đi gần hai tiếng vẫn chưa đến được cầu Thanh Trì", anh Dương cho hay.
Vành đai 3 trên cao hướng đi từ Linh Đàm, Nguyễn Xiển về nút giao Pháp Vân - Cầu Giẽ ùn tắc kéo dài, trong khi làn xe đối diện về trung tâm Hà Nội thông thoáng - Ảnh: VĂN CÔNG
Tại đường Giải Phóng, xe cộ di chuyển cũng khó khăn khi qua hai bến xe Giáp Bát và Nước Ngầm (quận Hoàng Mai) do nhiều người dân về quê bằng xe khách.
Khoảng 17h, người dân bắt đầu đổ dồn về bến sau khi tan ca. Nhiều người "tay xách nách mang" va li, túi kéo, ba lô chờ giờ xuất bến.
"So với mọi năm, khách đi ít hơn vì nhiều người chọn đặt xe đón tận nhà hoặc đi xe ghép. Xưa, tầm này mình phải loay hoay xếp chỗ cho khách, nay lác đác người về quê. Hy vọng Tết âm lịch sẽ có nhiều người đi xe hơn" - anh Hùng, một phụ xe tại bến Giáp Bát, tâm sự.
Nhiều bạn trẻ tranh thủ ra bến xe Giáp Bát sớm để tránh cảnh tắc đường trên các cao tốc - Ảnh: HÀ QUÂN
Niềm vui khi về quê của một bạn nữ - Ảnh: HÀ QUÂN
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online chiều 30-12, ông Nguyễn Hoàng Tùng - giám đốc bến xe Giáp Bát - cho biết lượng xe đón khách tăng 10 - 15% (ước chừng 760 xe), phục vụ trung bình 6.000 - 7.000 khách về quê trong kỳ nghỉ Tết dương lịch 2023.
Tuy nhiên, số lượng này rất khiêm tốn so với thời điểm trước dịch COVID-19. Nguyên do người dân có xu hướng sử dụng xe cá nhân, xe chung, xe ghép và tình trạng xe dù, bến cóc phát sinh khiến số đi xe khách, xe buýt tại bến giảm.
"Bến xe đã có kế hoạch đảm bảo 100% người lao động tăng cường phục vụ người dân, đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ… trong dịp Tết dương lịch và Tết âm lịch 2023. Chúng tôi cũng yêu cầu các nhà xe cam kết thực hiện quy định của Bộ Giao thông vận tải trong vận tải hành khách, nghiêm cấm hành vi tăng giá vé không đúng như niêm yết.
Nếu phát hiện phản ánh của bà con qua đường dây nóng sẽ xử lý nghiêm", ông Tùng nhấn mạnh.
Đường Giải Phóng hướng về nút giao vành đai 3 gần bán đảo Linh Đàm trở nên đông đúc do gần hai bến xe khách lớn của Hà Nội là Giáp Bát và Nước Ngầm. Ngược lại, vành đai 3 trên cao hướng về trung tâm Hà Nội thông thoáng - Ảnh: VĂN CÔNG
Càng về tối, dòng người đổ về các bến xe khách tại Hà Nội càng lớn. Nhân viên phụ xe cũng tất bật hơn. Tuy nhiên, lượng khách vẫn rất khiêm tốn so với các năm trước - Ảnh: HÀ QUÂN
Đến 19h30 cùng ngày, nhiều tuyến đường thủ đô vẫn kẹt cứng. Các tuyến phố Trần Hòa, Vũ Tông Phan, người dân phải mất 15-30 phút để đi được một đoạn ngắn - Ảnh: HÀ QUÂN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận