Phóng to |
Hồ Hoàn Kiếm |
Trong số hơn 70 tác phẩm tại triển lãm ở Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội (số 66 Nguyễn Thái Học, từ ngày 3-7), số tranh được ông sáng tác trong hai năm gần đây về đất Thăng Long chỉ có khoảng trên chục bức, song như thế cũng đủ để nói lên tình cảm của họa sĩ đối với Hà Nội. Là người Việt gốc Hoa, sinh ra và lớn lên ở Chợ Lớn, họa sĩ Trương Hán Minh biết đến Hà Nội khi đã có tuổi, vậy mà cái cách ông nhìn Hà Nội chẳng khác một người đã gắn bó lâu đời với vùng đất ngàn năm văn vật này.
Hồ Hoàn Kiếm, tháp Bút, Văn Miếu, chùa Một Cột… dưới mắt nhìn của ông vẫn đầy chất cổ kính, lãng mạn, nên thơ với lung linh bóng nước, với hoa cỏ và đầy dấu xưa, cảnh cũ. Tất cả những biểu tượng của Hà Nội được tái hiện như thuở vàng son khi Lý Thái Tổ mới dời đô về đất rồng bay.
Trong tranh ông không có nhà cao tầng chen vào đền xưa miếu cũ, không hiển hiện bàn tay can thiệp thô bạo của con người vào thiên nhiên, không có những sinh hoạt nhốn nháo của cuộc sống hiện tại đang diễn ra.
Phóng to |
Cầu Thê Húc |
Dù thiên nhiên, phong cảnh là chất liệu chính trong tranh thủy mặc và dù trong tranh thủy mặc của Trương Hán Minh đã “bỏ qua” những yếu tố hiện thực hôm nay, nhưng với những ai sinh ra và lớn lên ở Hà Nội và cả những người yêu mến thủ đô thì khi đứng trước các tác phẩm của ông, một Hà Nội - Thăng Long đang hiện lên trong nỗi hoài cảm sâu lắng.
Trong dòng chảy hội họa hiện nay, ngày càng có nhiều người trẻ thích và học vẽ tranh thủy mặc. Có thể nói ảnh hưởng nghệ thuật của Trương Hán Minh khá rõ nét đối với các họa sĩ đó. Một họa sĩ trẻ, chuyên vẽ trên áo dài của một tiệm may khá nổi tiếng ở Hà Nội khi biết tin về triển lãm đã đến ngay sau hôm khai mạc để mong có thời gian trao đổi, học hỏi ở người họa sĩ cao niên. Với anh, sự biến ảo của nét cọ trong tranh Trương Hán Minh như “hút hồn” người xem và anh ao ước đến một lúc nào đó cũng có được khả năng ấy để đưa những nét đẹp thủy mặc lên tà áo dài Việt Nam.
Phóng to |
Tháp Bút |
Cũng như nhiều cuộc triển lãm cá nhân khác, ở triển lãm này, họa sĩ Trương Hán Minh cũng dành toàn bộ tiền bán tranh để làm từ thiện. Tháng 5 vừa qua, cũng tại Hà Nội, bức Phú quý trường xuân mà ông tặng cho một tổ chức từ thiện đã được một doanh nhân Hồng Kông mua với giá 66.666 USD và số tiền này sẽ được dùng để mang ánh sáng đến cho trẻ em nghèo khiếm thị.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận