TTCT - Nhịp sống văn hóa - tinh thần độc đáo của Hà Nội đã thôi thúc các nhà sản xuất âm nhạc đi tìm cái hồn của thành phố qua một phương tiện ít người nghĩ tới: nhạc điện tử. Đưa dân ca quan họ vào nền nhạc Drum'n'Bass, "mix" ca trù với electronic (nhạc điện tử), với những người vừa yêu âm nhạc vừa yêu Hà Nội như Robin Marty hay thành viên nhóm Limebócx, dường như không có sự kết hợp nào là không thể.Chàng trai Pháp đi tìm "cái gốc" Hà NộiLần đầu tiên tới Hà Nội trong một kỳ trao đổi sinh viên 6 năm trước, chàng trai người Pháp Robin Marty đã không khỏi ấn tượng về sức sống mãnh liệt ẩn trong từng ngóc ngách của thành phố này."Không khó để nhận ra các tốp học sinh đi xe đạp điện cười nói vang trên đường. Thi thoảng lại có những tiếng hát vọng ra từ trên đường, trong những cửa hiệu, hay trên một ban công nào đó. Đây dường như là một cách sống đã bị người Pháp lãng quên" - anh hồi tưởng trong đoạn giới thiệu EP Trà Đá (2021).Cùng lúc đó, Marty cũng nhận ra một bộ mặt khác thành phố đang lao nhanh trên trục đường đổi mới. Hà Nội đang trở thành một đại công trường, với các tiếp biến văn hóa từ phương Tây hiện diện sát cạnh nếp sống truyền thống.Những sự đối nghịch ẩn trong thành phố ngàn năm tuổi đã thôi thúc Marty sau khi tốt nghiệp chuyên ngành hàng hải quyết định quay lại đây, vừa tìm một công việc giảng dạy tiếng Anh, vừa theo đuổi đam mê âm nhạc điện tử của mình.Cái gốc, một trong những sáng tác về Hà Nội đầu tiên của Robin, lấy cảm hứng từ các tác phẩm của nhà nghiên cứu Hữu Ngọc - một người nặng lòng với văn hóa đất kinh kỳ. Trên nền nhịp điệu breakbeat dồn dập - đặc trưng của dòng nhạc Drum'n'Bass có nguồn gốc từ văn hóa người Anh gốc Phi, giai điệu quen thuộc của khúc dân ca quan họ Qua cầu gió bay lững lờ trôi. Xen lẫn với đó là giọng kể Hữu Ngọc ôn tồn: "Trong khuôn khổ toàn cầu hóa, ta tiếp đón những cái gì hay của các nền văn hóa khác".MV "Cái gốc" của Robin Marty.Với tư cách một người đến từ "nền văn hóa khác", Robin hiểu rõ sự giao thoa này hơn ai hết. Ba năm ở lại Hà Nội dường như đã đưa anh vào một nếp sống khác, nơi anh có thể trở về với chính mình. Thay vì phải chịu áp lực ăn mặc chỉnh tề theo sức ép gia đình và bạn bè tại Pháp, Robin ở Hà Nội có thể thoải mái diện đồ ngủ và dép tông ra đường mà không lo bị dòm ngó.Hà Nội cũng đánh dấu lần đầu tiên chàng trai người Pháp biết đến khái niệm ngủ trưa. "Ở châu Âu gần như không ai làm thế. Thế nhưng ở đây, khi mắt díp lại sau ăn trưa tầm 11h, tôi cho phép mình ngủ trưa 45 phút. Từ khi bắt đầu thói quen này, tôi làm việc năng suất hẳn suốt từ chiều đến tối" - Marty nói với Tuổi Trẻ Cuối Tuần.Anh cũng thường xuyên lui tới các quán trà đá cạnh công viên Lênin để gặp gỡ và tập luyện với House Dance Hanoi - một cộng đồng các bạn trẻ yêu thích bộ môn nhảy House trong thành phố. Mỗi người một công việc, một ước mơ, nhưng tối nào cũng gặp nhau bên ghế nhựa thấp, cốc trà đá, đĩa hướng dương sau nhiều giờ đồng hồ tập nhảy. Robin nhận ra đây chính là nơi mà người Hà Nội trẻ thực sự "sống" khi bước ra khỏi những khuôn khổ và kỳ vọng xã hội. Anh tìm thấy văn hóa House hòa chung trong bức tranh đời sống tinh thần Hà Nội, từ đó quyết định sử dụng hòa hợp hai nguồn cảm hứng này trong các sáng tác kế tiếp của mình.Robin Marty. Ảnh: NVCCCa trù gặp gỡ electronicSử dụng những tài nguyên âm nhạc dân gian tương tự Robin, nhưng cách Limebócx - một nhóm nhạc electronic tại Hà Nội tiếp cận sự giao thoa cũ mới - lại cho thấy một vị thế rất khác. Đại diện cho những người trẻ được nuôi nấng bởi thi ca Việt, nhóm cũng cởi mở với các âm hưởng mới để khơi dậy nét hồn hậu xưa trong bối cảnh đương đại.Limebócx bắt đầu với hai thành viên Trang và Tuấn từ năm 2017. Vốn chơi cùng scene alternative Hà Nội, hai thành viên bắt đầu gộp lại chung nhóm bằng những ấn tượng về "bản năng âm nhạc" của nhau. Tuấn chuyên beatbox điện tử, còn Trang Chuối từng là tay guitar của Gỗ Lim - ban nhạc punk/ garage rock từng để lại ấn tượng không nhỏ trong làng nhạc Việt với nét nhí nhảnh bất cần trong album Gái làng.Cả hai bắt đầu chơi nhạc ngẫu hứng một studio tại gia nằm sâu trong khu vực Ngọc Hà - Hoàng Hoa Thám, mò mẫm tìm cách dung hòa cá tính âm nhạc khác biệt của họ. Câu trả lời đến không lâu sau: giao điểm của cả hai nằm ở những ảnh hưởng dân gian, từ thơ đến đàn tranh.Nhóm nhạc Limebócx trình diễn trong một sự kiện âm nhạc tại Hà Nội tháng 12-2022. Ảnh: Hanoi Rock City"Lúc đầu, chúng tôi chỉ sử dụng những yếu tố đậm chất phương Tây, nhưng sau đó Chuối bắt đầu thêm thắt những vần thơ rất Việt trong các bài hát. Và chúng tôi thấy rằng những vần thơ này giao hòa hoàn hảo đến khó tin với âm nhạc của chúng tôi" - Tuấn trả lời trong một bài phỏng vấn với blog Sơn Tinh.Sự phối hợp không ngờ này đã truyền cảm hứng cho Trang - tay guitar kỳ cựu học sử dụng nhạc cụ dân tộc. "Tôi từng được tặng quà là một cây đàn tranh cũ. Điều đó thôi thúc tôi học chơi đàn tranh nhưng vì quá khó nên tôi đã tạm dừng từ rất lâu. Chỉ đến khi tôi có cơ hội kết hợp với Tuấn thì tôi mới quay trở lại thử thách mình với loại nhạc cụ này" - cô nhớ lại.Năm 2019, chỉ sau một năm thành lập, Limebócx đã cho ra mắt sản phẩm đầu tay Electrùnic gồm 4 ca khúc phối hợp nhuần nhuyễn giữa Drum'n'Bass, hip-hop, beatboxing và dub - trước khi kết hợp chúng với âm nhạc dân gian và thi ca Việt, từ đó tạo ra một thể loại âm nhạc vô cùng mới mẻ.Ví dụ điển hình thể hiện sự đa dạng trong âm nhạc của Limebócx là Hồ Tây. Lẩy trên nền guitar mang màu sắc post- punk là những câu ca trù cổ dựa trên bài Vịnh hồ Tây của Nguyễn Khuyến - được đặt cạnh sự quyết liệt của dòng nhạc Drum'n'Bass trong phần beatboxing của Tuấn. "Ca khúc vẫn giữ đầy đủ các nét đẹp của bài thơ [nhưng] đồng thời chưa bao giờ tác phẩm này lại nghe ngầu đến như vậy", blog âm nhạc VNNTB nhận định.Bìa EP Electrùnic.Thấy "ta" trong nhạc TâySau khi Tuấn lên đường đi du học vào đầu năm nay, hoạt động của Limebócx vẫn tiếp tục với sự tham gia của Đờ Tùng - một nhà sản xuất nhạc electronic trẻ đã tham gia nhiều dự án âm nhạc độc lập tại Hà Nội.Khi nhắc đến tâm thế của mình trong tiếp cận âm nhạc dân tộc, Tùng tự thấy mình có chất "đường phố" - không qua trường lớp chính quy, anh đến với những làn điệu xưa đơn thuần vì đam mê. "Chúng là nhạc đã ở xung quanh mình từ khi mình lớn lên. Mình không hiểu tường tận, chỉ cảm thấy một thôi thúc phải sử dụng chúng" - Tùng kể với Tuổi Trẻ Cuối Tuần.Tuy nhiên, sau khi tìm được niềm hứng thú với ca trù, Tùng và Trang lại cảm thấy bộ môn nghệ thuật này tương đối khó tiếp cận. "Các nhà làm ca trù chỉ truyền nghề cho con cháu, nhưng không phải ai cũng muốn theo nghiệp gia đình. Người bên trong không có máu ấy, người ngoài cũng không ai hát được thì hơi phí. Dù hơi buồn, nhưng mình nghĩ môn này sẽ mai một, hoặc không thể nguyên vẹn như xưa nữa" - Trang nhận định.Trong khi các nghệ sĩ như Ngô Hồng Quang hay nhóm Đàn Đó đang tập trung vào hướng bảo tồn di sản, thì Limebócx lại chọn tiếp cận nhạc dân tộc theo một ngách khác. Khi nhắc đến electrùnic - một phép chơi chữ được nhóm dùng để cắt nghĩa thứ âm nhạc của chính mình, nhóm âm nhạc dân tộc như một âm hưởng để viết nhạc, đứng song song với các ảnh hưởng nước ngoài như electronic, dub hay punk để đắp lớp áo mới lên chủ nghĩa lãng mạn của ông cha xưa.Nhóm Limebócx tại một sự kiện âm nhạc."Dù được tôi luyện nhờ băng đĩa của bố, thì giờ bảo mình nghe hết một bài ca trù mình cũng thấy hơi sốt ruột. Rõ ràng phong vị của người thế kỷ 15 và 21 không thể giống nhau, mình không thể buồn nỗi buồn của người ta, vui niềm vui của người ta được. Với bọn tớ, chuyện tiếp biến một số yếu tố của nhạc xưa và khiến các bạn trẻ yêu thích cùng mình cũng hay" - Trang chia sẻ.Đến từ đầu bên kia của cán cân văn hóa, Robin Marty cũng nhận ra sự song đối giữa văn hóa Việt và âm hưởng nước ngoài. "Khúc dân ca cổ truyền rất ấm áp, có nội dung về tình yêu đôi lứa - tương phản với nhịp điệu trống của Drum'n'Bass. Hình ảnh Hà Nội trong tôi cũng tương tự - bên trong ấm áp, nhưng nhịp sống đang ngày càng đi vào guồng quay công nghiệp hiện đại", Robin giải thích về ý tưởng đằng sau Cái Gốc.■ Cuối năm 2021, ngay trước khi quay trở lại Pháp, Robin, dưới nghệ danh Trà Đá Connection, đã cho ra mắt EP Trà Đá gồm 4 bài nhạc house thu gọn bốn trải nghiệm của anh ở Hà Nội. 173 Hoàng Hoa Thám lấy cảm hứng từ tiếng niệm Phật từ những con ngõ hun hút ở quận Ba Đình; Hà Nội Bị Say Cà Phê về những ly nâu đá nặng váng đầu cạnh hồ Hữu Tiệp; Go Nhảy Luôn dành cho các sân nhảy đường phố; và Vietnam Awakens với tiếng synth tươi sáng đại diện hy vọng cho một thành phố đang đổi thay từng ngày. Với anh, các sản phẩm âm nhạc cũng là bức tâm tình mà Robin gửi đến tuổi trẻ, đam mê và sức sống của thành phố ngàn năm tuổi, nơi mà theo anh, "bạn có thể tạo ra những thứ vô tiền khoáng hậu". Tags: Nhịp sống văn hóaÂm nhạcNhạc điện tửNhà sản xuất âm nhạcYêu âm nhạcDân ca quan họ
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Quân đội Mỹ tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 21/11/2024 Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần nhưng chỉ trong tình hình 'có thể chấp nhận được'.
Chi tiết sáp nhập phường của TP.HCM áp dụng từ ngày 1-1-2025 THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Chi tiết sáp nhập xã, phường của Hà Nội: Giảm 53 xã, phường THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập phường, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.