Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa đi kiểm tra tiến độ hệ thống xử lý nước thải Yên Xá và việc thực hiện các giải pháp làm sạch sông Tô Lịch.
Tại đây, lãnh đạo Hà Nội đã giao nhiệm vụ trong 9 tháng phải làm xong đường ống dẫn nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch nhằm thau rửa nước ô nhiễm, làm sống lại con sông trên.
Dẫn nước từ sông Hồng để xử lý ô nhiễm, làm sống lại sông Tô Lịch ở Hà Nội
Thông tin trên nhận được sự quan tâm đặc biệt, kỳ vọng lớn của người dân thủ đô. Bởi hơn 20 năm qua, Hà Nội đã thực hiện loạt giải pháp để làm sống lại dòng sông Tô Lịch nhưng vẫn chưa có kết quả.
Đề xuất làm bơm thuyền
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online sáng 3-12, giáo sư Võ Trọng Hồng - nguyên thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cho biết về giải pháp làm đường ống đưa nước từ sông Hồng đi ngầm dưới hồ Tây, đổ vào sông Tô Lịch là giải pháp hợp lý.
Tuy nhiên, theo ông Hồng, hiện nay mực nước sông Hồng biến động lên xuống rất thất thường, Hà Nội nên tính tới giải pháp dùng bơm thuyền.
"Tại sao Hà Nội không tính tới giải pháp dùng bơm thuyền, hiện nay ở chỗ cống Bắc Hưng Hải người ta đã dùng. Hiện nay mực nước sông Hồng lên xuống ghê quá, không có cái cống nào cố định được, nên có thể dùng bơm thuyền.
Tức là có một cái bơm đặt trên thuyền, thuyền xuống bơm xuống, thuyền lên bơm lên. Và cần tính toán công suất máy bơm là bao nhiêu để có thể đẩy được nước lên, tôi nghĩ giải pháp này khá tốt" - ông Hồng nói.
Nói thêm về lý do đề xuất giải pháp trên, giáo sư Võ Trọng Hồng đặt giả thiết trong trường hợp Hà Nội mở một đường ống mới nhưng nước sông Hồng xuống thấp hơn miệng cống lấy nước thì việc dẫn nước vào nội đô là không khả thi.
Còn nếu Hà Nội làm cửa cống để đặt đường ống dẫn nước, ông Hồng cho rằng cần tính toán kỹ vị trí, chọn nơi ổn định, không bị bồi lắng, xói lở để đảm bảo luôn có nước dẫn vào nội đô.
Về giải pháp bơm nước sông Hồng để cứu sông Tô Lịch, ông đánh giá có khả quan, bởi hiện các đường ống thu gom nước thải dọc sông Tô Lịch đã bắt đầu đi vào hoạt động.
"Hiện các cửa xả nước thải ra sông Tô Lịch gần như đã được thu gom, đưa vào Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá lọc. Cho nên khi đã chặn được nguồn ô nhiễm thì việc đổ nước sông Hồng vào tạo dòng chảy cho sông Tô Lịch sẽ giải quyết được vấn đề ô nhiễm" - giáo sư Hồng nói thêm.
Đưa nước sông Hồng vào cứu sông Tô Lịch, nhưng nước sông Hồng đã sạch chưa?
Về vấn đề trên, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh - phó chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam - nói hiện Hà Nội đang xây dựng, hình thành hệ thống Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, trong đó có việc thu gom nước thải ở các cống dọc sông Tô Lịch.
Ông Huỳnh đánh giá nếu dự án này hoàn thành tổng thể sẽ giải quyết được căn cơ vấn đề ô nhiễm sông Tô Lịch.
Tuy nhiên, theo ông Huỳnh, dự án trên Hà Nội đầu tư rất tốn kém về kinh phí, công sức... nên cần phải giám sát chặt chẽ quá trình thu gom và xử lý nước thải tại nhà máy trên.
"Tôi đề nghị với Hà Nội cần tăng cường giám sát chặt chẽ việc thu gom nước thải tại dọc các con sông và quá trình xử lý tại Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá. Đặc biệt cần nâng cao ý thức, giám sát chặt chẽ việc người dân dọc sông tuân thủ nghiêm việc thu gom nước thải" - ông Huỳnh nói thêm.
Về giải pháp đưa nước sông Hồng vào thau rửa sông Tô Lịch, ông Huỳnh cho rằng sông Hồng cũng phải là dòng sông sạch thì mới có thể "cứu" được sông Tô Lịch, sông Nhuệ, sông Đáy.
Theo ông, thực tế cho thấy hiện sông Hồng "chưa sạch", đặc biệt tại các bãi bồi nơi người dân sản xuất nông nghiệp vẫn có chất thải, bao bì, thuốc bảo vệ thực vật... trôi về hạ lưu.
Vậy nên khi nguồn nước đầu vào ô nhiễm thì nước sông Tô Lịch vẫn sẽ ô nhiễm, gây lãng phí kinh tế, hiệu quả không cao.
"Vì vậy phải quản lý rất chặt chẽ vấn đề bảo vệ môi trường, ngăn ô nhiễm trên dòng sông Hồng thì mới có thể kỳ vọng bơm nước vào cứu sông Tô Lịch" - ông Huỳnh chia sẻ.
Thau rửa sông Tô Lịch, nước ô nhiễm sẽ trôi về đâu?
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online sáng 3-12, ông Hoàng Trọng Tùng - giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp Hà Nội - cho biết hiện hầu hết các cống nước thải dọc sông Tô Lịch đã được thu gom, đưa vào nhà máy nước thải Yên Xá xử lý. Nước sau xử lý đạt chuẩn sẽ được bơm vào sông Nhuệ, sau đó sẽ chảy vào sông Đáy và hòa vào biển.
Về lượng nước ô nhiễm ở lòng sông Tô Lịch hiện tại, ông Tùng cho biết lượng nước này không thể thu gom. Trong trường hợp đưa nước sông Hồng vào để thau rửa sông Tô Lịch thì lượng nước ô nhiễm trên sẽ chảy về sông Nhuệ, sau đó đổ về hạ lưu và ra biển.
"Bắt đầu từ hôm nay, lượng nước thải của các hộ dân sẽ không còn đổ ra sông Tô Lịch mà sẽ chảy vào đường ống gom để đưa về nhà máy xử lý. Còn lượng nước ô nhiễm có sẵn ở dòng sông thì vẫn có nhưng chỉ thau rửa một lần thì dòng sông sẽ sạch, vì đã chặn được nguồn ô nhiễm" - ông Tùng nói thêm.
Theo thống kê của Sở Xây dựng, hiện có 119 cống xả thải dọc sông Tô Lịch, phần lớn đã được đấu nối vào hệ thống cống gom chạy dọc hai bên bờ sông để đưa về Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá.
Tuy nhiên điều bất cập là vẫn còn 32 cống xả thải chưa được đấu nối, nên lượng nước thải vẫn chảy ra sông Tô Lịch, vì thuộc một dự án khác. Sở Xây dựng Hà Nội cho biết đang trình TP phương án để đấu nối những cống trên vào hệ thống thu gom, xử lý.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận