Giám đốc Sở GTVT Vũ Văn Viện phát biểu tại hội thảo - Ảnh: Lâm Hoài |
Cụ thể, trong đề án Quản lý phương tiện giao thông của Sở GTVT Hà Nội và Viện Chiến lược phát triển GTVT xây dựng tới đây, UBND TP Hà Nội sẽ trình HĐND TP thông qua giai đoạn thứ nhất (2017-2018), Sở GTVT sẽ phối hợp Bộ GTVT trình Chính phủ ban hành tiêu chuẩn về khí thải, niên hạn xe máy.
Không làm theo cảm quan nữa
Theo đó, bắt đầu từ 1-1-2018 sẽ thu hồi các xe máy cũ nát, không đảm bảo điều kiện về môi trường, an toàn lưu thông. Theo ông Viện, hiện có rất nhiều phương tiện cũ nát nhưng đang thiếu điều kiện cụ thể để thu hồi.
“Giờ phút này chúng ta vẫn đang làm theo cảm quan, trước mắt chúng tôi sẽ thống kê toàn bộ số lượng xe hiện có theo địa bàn dân cư để quản lý và đầu năm sau sẽ thu hồi”, ông Viện nói.
Về việc cấm xe máy vào năm 2030, theo ông Viện, sau khi nghiên cứu kinh nghiệm từ các nước trong khu vực như ở Trung Quốc, Myanmar, Indonesia... với lộ trình dừng hoạt động xe máy trong nội đô từ 5 - 10 năm, Hà Nội đã lựa chọn lộ trình 13 năm và từ nay tới năm 2030 sẽ cấm xe máy tại khu vực nội đô.
Việc đưa ra lộ trình, theo giám đốc Sở GTVT, nhằm xây dựng các kế hoạch đáp ứng điều kiện khi dừng hoạt động xe máy phải có phương tiện công cộng khác thay thế cho người dân đi lại.
Năm 2030 sẽ dừng hẳn xe máy
Song song với việc thu hồi xe máy hết niên hạn, giảm phương tiện cá nhân, Hà Nội sẽ đầu tư phát triển giao thông công cộng.
“Trước mắt trên một số tuyến đường, khu vực sẽ dừng hoạt động, điều chỉnh, điều tiết các loại phương tiện. Đơn cử hiện các tuyến đường có hệ thống giao thông công cộng hoạt động tốt như tuyến buýt nhanh BRT đã dừng hoạt động của taxi trên làn đường này, tuyến phố đi bộ cấm tất cả các phương tiện...”, ông Viện cho biết.
Lãnh đạo ngành GTVT Hà Nội khẳng định cơ quan chức năng sẽ đặt mục tiêu xây dựng thói quen giảm dần việc di chuyển bằng xe máy cho người dân, tương ứng với đó là đầu tư phát triển của hệ thống giao thông công cộng, như kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, hệ thống xe buýt nhanh, buýt thường, đường sắt trên cao, tàu điện ngầm...
“Đến năm 2030, khi đã chuẩn bị đủ cơ sở hạ tầng để đáp ứng chỉ tiêu 50 - 55% nhu cầu đi lại của người dân bằng phương tiện công cộng tại khu vực trung tâm, đảm bảo khả năng tiếp cận đối với hệ thống giao thông công cộng đạt khoảng 80% sẽ dừng hẳn xe máy”, ông Viện nói.
Liên quan tới kinh phí đầu tư hạ tầng giao thông, ông Viện cho hay nguồn lực của Hà Nội chỉ đáp ứng được 20%, 80% còn lại sẽ được huy động nguồn lực từ đầu tư PPP, BOT... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận