Đất phân lô rồi bỏ hoang tại huyện Thạch Thất (Hà Nội) - Ảnh: QUANG THẾ
Trước đó ngày 22-3, Sở Tài nguyên và môi trường Hà Nội có văn bản số 1685 gửi UBND các quận, huyện, thị xã và văn phòng đăng ký đất đai đề nghị tạm dừng việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc chia tách thửa đất đối với đất nông nghiệp; thửa đất có đất ở và đất nông nghiệp trong cùng một thửa; thửa đất phi nông nghiệp không phải là đất ở.
"Thực tế cho thấy nhiều ô đất chia quá nhỏ"
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, lãnh đạo Sở Tài nguyên và môi trường Hà Nội cho biết: "Đến nay nhiều tỉnh cũng đã ra văn bản tạm dừng tách thửa để rà soát lại. Chúng tôi đã xin ý kiến từ Bộ Tài nguyên và môi trường, UBND TP Hà Nội.
Thực tế cho thấy nhiều ô đất chia quá nhỏ, Sở Tài nguyên và môi trường Hà Nội sẽ rà soát gấp trong tháng 3 và cũng không thể tạm dừng lâu được. Tạm dừng tách thửa là để có các quy định đồng bộ, chặt chẽ giữa cơ quan quản lý với người dân".
Lãnh đạo Sở Tài nguyên và môi trường cho biết thêm: "Ngoài ra, hiện nay còn nhiều bất cập như tách thửa xong để đầu cơ hay trong khu vực nông thôn xây dựng nhà không cần phải xin giấy phép xây dựng, hiến đất làm đường đã từng xảy ra ở nhiều địa phương.
Sở Tài nguyên và môi trường phải cho rà soát để báo cáo UBND TP Hà Nội, sau đó TP sẽ có quy định cụ thể về tách thửa đất…".
Mua đất trồng cây lâu năm (có một phần đất ở) rồi xin tách thửa thành lô nhỏ bán kiếm lời đã diễn ra từ nhiều năm nay ở các huyện ngoại thành Hà Nội - Ảnh: QUANG THẾ
Cần cấm phân lô bán nền
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, giáo sư Đặng Hùng Võ (nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường) cho biết: "Chủ trương của Nhà nước là tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp, nếu chúng ta cho tách thì là đi ngược lại. Bởi vậy nên hiện nay nhiều địa phương đang cho tạm dừng để rà soát lại là hoàn toàn hợp lý".
Ông Võ cho rằng trước mắt không nên cho tách thửa đất nông nghiệp sau khi cho chuyển mục đích sử dụng đất.
"Luật đất đai 2013 không nói rõ cho chia tách đất nông nghiệp đến đâu, tuy nhiên sau đó nghị định đã đưa vào nội dung "đối với đất nông nghiệp cũng phải có hạn mức chia theo quy định của từng địa phương". Đến nay có nơi có quy định nhưng cũng có nơi chưa quy định cụ thể", ông Võ cho biết.
Ông Võ nhận định: "Cái lo nhất là đất nông nghiệp sau khi chia tách, được chuyển đổi thành đất ở rồi mua đi bán lại đầu cơ, bỏ hoang đất. Luật đất đai 2003 cấm phân lô bán nền nhưng Luật đất đai 2013 thì lại mở ra. Cơ chế tai hại cho phát triển kinh tế vì tiền của dân đổ hết vào đất nền, không có đầu tư trên đất, chỉ đầu tư mua đi bán lại, đầu cơ đất đai".
"Cơ chế chia lô bán nền hiện nay đang được lợi dụng làm các dự án để bán đất, thu thêm được ngân sách nhưng gây tai hại cho nền kinh tế, bởi vậy nên theo tôi sắp tới sửa Luật đất đai 2013 cần phải cấm phân lô bán nền…", ông Võ nói.
Theo văn bản số 1685, ngoài tạm dừng chia tách thửa đất nông nghiệp thì Sở Tài nguyên và môi trường Hà Nội còn đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã báo cáo việc phân lô, chia tách thửa đất, san hạ đất để xây dựng hạ tầng giao thông kể từ ngày 1-1-2017 đến 31-1-2022 đối với các thửa đất có diện tích lớn hơn 500m2 đã được chuyển mục đích, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Trong khi đó văn phòng đăng ký đất đai cũng được giao nhiệm vụ rà soát việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đăng ký biến động đất đai đối với các thửa đất lớn hơn 500m2 kể từ ngày 1-1-2017 đến 31-1-2022.
Cũng tại văn bản số 1685, Sở Tài nguyên và môi trường Hà Nội cho biết hiện nay UBND TP Hà Nội vẫn chưa có quy định cụ thể về điều kiện tách thửa đất, điều kiện hợp thửa theo từng loại đất và diện tích. Và việc quản lý đối với trường hợp tách thửa đất có hình thành đường giao thông sử dụng chung trên diện tích đất không phải là đất ở…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận