Hà Nội sẽ là thành phố nói không với thịt chó, mèo, nhiều người ủng hộ mạnh mẽ
Từ năm 2018, Hà Nội đã kêu gọi và vận động người dân từ bỏ thói quen ăn thịt chó, mèo. Năm 2021, Sở NN&PTNT cũng đưa ra ý tưởng cấm bán thịt chó ở các quận nội thành. Vậy liệu việc cấm này có dễ thực hiện?
● Ông BÙI HOÀI SƠN (ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục):
Ba lý do khiến đề xuất đáng để quan tâm
Đề xuất thí điểm Hà Nội nói không với ăn thịt chó, mèo là một đề xuất khá quan trọng, đáng quan tâm bởi ba lý do.
Thứ nhất, chó và mèo là những con vật cưng phổ biến và thân thiết với con người, chúng mang lại niềm vui và hạnh phúc cho chủ nhân. Việc cấm ăn thịt chó, mèo sẽ giúp bảo vệ và giảm thiểu việc tàn sát, tra tấn con vật nhẫn tâm.
Thứ hai, đảm bảo phát triển bền vững của nền văn hóa. Hà Nội là thủ đô của Việt Nam, có vai trò quan trọng trong việc xây dựng và duy trì nền văn hóa, thân thiện với vật nuôi. Đề xuất này góp phần tạo dựng hình ảnh của Hà Nội là một địa điểm hài hòa, tôn trọng đối với cả người và động vật.
Thứ ba, đề xuất này cũng giúp bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Thực tế, việc ăn thịt chó, mèo có thể tiềm ẩn nguy cơ gây bùng phát các bệnh truyền nhiễm cho con người.
Thịt chó, mèo có thể chứa đựng vi khuẩn và các bệnh trên da, một số trong số đó có thể lây sang người một cách nguy hiểm. Việc cấm ăn thịt chó, mèo giúp bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng và tránh tiềm ẩn các nguy cơ dịch bệnh.
Tuy nhiên, việc ăn thịt chó, mèo là một thói quen đối với nhiều người nên để thực hiện đề xuất này thành công, cần có sự phối hợp giữa chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý, tổ chức bảo vệ động vật và cả cộng đồng.
Cần thông qua các biện pháp giáo dục và tuyên truyền, đồng thời, thiết lập các quy định pháp luật cụ thể để áp dụng, thực thi việc cấm ăn thịt chó, mèo có hiệu quả bền vững.
● Ông NGUYỄN ĐÌNH MINH (nguyên phó viện trưởng phụ trách Viện Thú y):
Không khuyến khích nhưng không nên cấm
Chúng ta không khuyến khích ăn thịt chó, mèo nhưng cũng không nên cấm. Văn hóa mỗi dân tộc, mỗi vùng miền, mỗi quốc gia có một đặc trưng riêng. Ví dụ người theo đạo Hồi không ăn thịt heo, người theo đạo Hindu không ăn thịt bò, hay theo đạo Phật không ăn thịt chó.
Một xã hội đa dạng hóa, đa sắc tộc, đa văn hóa không nên cấm, khi đó sẽ cực đoan. Tuy nhiên, cần có cách quản lý phù hợp hơn việc sát hại động vật, không đảm bảo vệ sinh thực phẩm từ động vật.
● Ông NGUYỄN VĂN TRỌNG (nguyên phó cục trưởng Cục Chăn nuôi):
Rất khó cấm ăn thịt chó, mèo
Khoảng 10 năm trở lại đây, người dân ăn thịt chó đã giảm rất nhiều so với trước. Ở Nhật Tân (Tây Hồ) hay chợ Vạn Phúc (Hà Đông) không còn các điểm bán la liệt như trước nữa, chỉ còn một vài quán thịt chó.
Hơn nữa, người dân hiện nay nuôi chó, mèo làm cảnh rất nhiều nên thói quen ăn thịt chó, mèo cũng thay đổi.
Việc cấm ăn thịt chó, mèo rất khó vì đây vẫn là một nguồn cung thực phẩm. Pháp luật chưa có quy định nào để cấm ăn thịt chó, mèo. Chỉ có thể tuyên truyền, khuyến cáo, người dân sẽ giảm dần ăn thịt chó.
Đối với hàng quán cũng chỉ quản lý về mặt an toàn thực phẩm, không thể cấm người dân buôn bán.
● Ông TẠ VĂN TƯỜNG (phó giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội):
Những cảm xúc không tốt đối với khách quốc tế
Hà Nội không chỉ là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học lớn của cả nước mà còn là "thành phố vì hòa bình" - nơi thu hút hàng triệu du khách đến tham quan, du lịch.
Việc giết mổ, mua bán thịt chó, mèo đã tạo những cảm xúc không tốt đối với khách du lịch, nhất là du khách quốc tế, người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Hà Nội.
Vì mục tiêu xây dựng thủ đô văn minh, hiện đại, tiến tới giảm dần và chấm dứt việc buôn bán, tiêu thụ thịt chó, mèo, trước hết phải thực hiện các giải pháp quản lý việc giết mổ, kinh doanh và sử dụng thịt chó, mèo trên địa bàn.
Cần tiếp tục quan tâm và tăng cường việc bắt giữ chó thả rông, vô chủ, khuyến khích các hoạt động nhân đạo, phúc lợi động vật, từng bước thay đổi nhận thức của cộng đồng.
Ca sĩ Tùng Dương: Tôi không đồng ý rằng ăn thịt chó là văn hóa của người Việt
Tôi ủng hộ đề xuất thí điểm Hà Nội nói không với thịt chó, mèo. Chúng ta nên dừng việc ăn thịt chó, mèo không chỉ bởi chúng là những vật nuôi trong nhà, những người bạn thân thiết của con người. Hiện nay nhiều gia đình nuôi chó, mèo như một thành viên trong gia đình.
Với nhịp sống hiện đại, nhiều người chọn cuộc sống độc thân, nên với nhiều người chó, mèo nuôi trong nhà càng gắn bó. Những chú chó, mèo cưng là một mảnh ghép không thể thiếu trong cuộc sống của chúng ta.
Ngoài chuyện tình cảm gắn bó giữa con người và chó, mèo là lý do nên dừng việc ăn thịt các loài vật nuôi này thì còn những lý do khác. Ngày nay hội nhập quốc tế rất sâu rộng, Việt Nam cũng nên hòa nhập hơn, không nên để mình là ngoại lệ cùng với một số nước vẫn ăn thịt chó, mèo.
Những vị khách phương Tây, với văn hóa yêu thương chó, mèo, khi đi qua những con phố bán thịt chó trong phố cổ như Phùng Hưng với hình ảnh "ghê gớm" chắc hẳn sẽ rất kinh hoàng. Thiện cảm dành cho thành phố nói riêng và đất nước Việt Nam hẳn cũng giảm đi nhiều.
Tất nhiên ai đó có thể nói ẩm thực là câu chuyện văn hóa, văn hóa thì không có cao thấp và nên tôn trọng tính bản địa. Nhưng tôi không đồng ý với quan điểm cho rằng ăn thịt chó là một nét văn hóa của người Việt, nó chỉ là thói quen. Mà thói quen và cả văn hóa thì đều có thể thay đổi. Văn hóa là kết quả của sự chắt lọc và biến đổi không ngừng để giữ lại những tinh túy và phù hợp với thời đại.
Tôi thì hiếm khi ăn thịt chó và đã lâu lắm rồi không ăn nữa. Tôi rất mong mọi người hãy dừng lại việc nuôi chó, mèo để làm thịt.
THIÊN ĐIỂU ghi
Có người mua thì vẫn còn người bán
Thực tế, theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, hiện nay những khu phố thịt chó của Hà Nội trước đây đã không còn tồn tại. Tuy nhiên, không khó để bắt gặp các quán bán thịt chó tại các chợ dân sinh của Hà Nội hay một số con phố ở các quận Hoàng Mai, Hà Đông, Nam Từ Liêm...
Tại phố Hữu Hưng (Tây Mỗ, Nam Từ Liêm) chưa đầy 100m nhưng có đến cả chục sạp kinh doanh thịt chó, mèo tươi sống. Ngày hai buổi sáng chiều, nhiều người dân sẽ tạt qua mua. Việc mua bán thịt chó, mèo tấp nập diễn ra khoảng từ ngày mùng 5 (âm lịch) cho đến tận cuối tháng.
Một số tiểu thương cho hay phần lớn họ buôn bán, giết mổ chó, mèo sống là chính, chỉ có một vài cửa hàng bán món nhậu (đã chế biến) từ thịt chó, mèo. Khi được hỏi về việc đề xuất Hà Nội thí điểm nói không với thịt chó, mèo, một tiểu thương cho hay họ chưa nghe nói và "có người mua, không bị cấm thì họ vẫn tiếp tục bán".
Trong khi đó, anh Hà Văn Long (trú tại phường Đại Mỗ, Nam Từ Liêm) cho biết gia đình anh thỉnh thoảng cũng có mua thịt chó sống về ăn để tăng cường chất đạm.
"Tôi cũng thấy báo chí có nói về đề xuất thí điểm Hà Nội nói không với thịt chó, mèo nhưng đây cũng là một nguồn thực phẩm nhiều gia đình khác vẫn ăn. Hạn chế thì được chứ cấm thì không nên", anh Long nói.
Chị Nguyễn Hồng Trang (Hoàn Kiếm, Hà Nội) có ý kiến ủng hộ việc cấm bán thịt chó, mèo. "Không chỉ là nhân đạo với động vật mà đây còn là vấn đề hình ảnh của Hà Nội với bạn bè quốc tế nữa", chị Trang nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận