Sáng 12-12, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 20, với đa số đại biểu tán thành, HĐND TP Hà Nội đã thông qua nghị quyết quy định thực hiện vùng phát thải thấp tại thủ đô.
Áp dụng thí điểm tại Ba Đình và Hoàn Kiếm
Theo nội dung nghị quyết, Hà Nội sẽ cho phép các xe cộ không phát sinh khí thải, xe cơ giới thân thiện môi trường, xe cơ giới sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh, thân thiện môi trường, xe ưu tiên và phương tiện giao thông có giấy phép lưu thông của cơ quan có thẩm quyền được lưu thông trong vùng phát thải thấp.
Ngoài ra sẽ cấm lưu thông các xe tải hạng nặng chạy bằng dầu diesel trong vùng phát thải thấp.
Đồng thời hạn chế hoặc cấm xe ô tô không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 4 và xe mô tô, xe gắn máy không đáp ứng tiêu chuẩn mức 2 chạy vào vùng phát thải thấp theo khung giờ/thời điểm hoặc khu vực.
TP cũng sẽ xem xét ban hành các loại phí và lệ phí đối với xe cộ có phát thải lưu thông trong vùng phát thải thấp.
"Đề xuất chính sách hỗ trợ những đối tượng sinh sống và làm việc trong vùng phát thải thấp, các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch, phương tiện giao thông không phát thải" - nội dung nghị quyết nêu rõ.
Về lộ trình thực hiện vùng phát thải thấp, từ năm 2025 đến 2030 sẽ thí điểm lập khu vực phát thải thấp ở một khu vực thuộc quận Hoàn Kiếm, Ba Đình.
Hà Nội cũng khuyến khích các địa phương lập vùng phát thải thấp.
Từ năm 2031 trở đi, các khu vực trên địa bàn TP có một trong các tiêu chí quy định là vùng phát thải thấp sẽ phải thực hiện.
3 tiêu chí xác định vùng phát thải thấp
Về tiêu chí xác định nằm trong vùng phát thải thấp, nghị quyết nêu rõ là khu vực thuộc vùng bảo vệ nghiêm ngặt và vùng hạn chế phát thải được xác định tại quy hoạch thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050.
Khu vực thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông từ mức độ D đến F theo TCVN 13592:2022 đường đô thị - yêu cầu thiết kế.
Ngoài ra các khu vực có chất lượng không khí trung bình năm đánh giá trong tối thiểu một năm gần nhất không đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí (QCVN 05:2023/BTNMT) đối với các thông số chính: SO2, NO2, tổng bụi lơ lửng TSP; bụi PM10, bụi PM2.5 cũng sẽ nằm trong vùng hạn chế phát thải.
Có chính sách hỗ trợ người dân sống trong vùng phát thải thấp đổi sang xe điện
Chiều 11-12, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết ngoài vấn đề khắc phục ô nhiễm môi trường, TP sẽ làm sạch cả không khí.
Chủ tịch Hà Nội cho biết tới đây HĐND TP sẽ xem xét thông qua nghị quyết vùng phát thải thấp. Đây là tiền đề quan trọng để không khí thủ đô trong lành hơn, hạn chế xe cộ gây ô nhiễm môi trường.
"Tôi cũng báo cáo với lãnh đạo Chính phủ, xin nghiên cứu phương án ngồi với các nhà sản xuất phương tiện để có chương trình giảm thiểu xe máy xăng dầu vào vùng phát thải thấp. Sẽ có chương trình đổi xe, hỗ trợ đổi xe, giảm giá vốn vay, để cơ bản người dân trong vùng phát thải thấp đi xe điện, không đi xe máy nữa.
Tôi sẽ có kế hoạch để làm với các công ty sản xuất xe, Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân cùng làm vì đây là trách nhiệm chung, như thế mới sạch được" - ông Thanh bày tỏ.
Về các máy quan trắc chất lượng không khí, ông Thanh cho rằng phải được kiểm định chất lượng như máy đo nồng độ cồn. Ông Thanh nói máy đo chất lượng không khí phải chuẩn, bởi nếu một chiếc máy chất lượng kiểm định chưa tốt, cho thông số sai thì "nhiều khi lấy thông số của mình ra mắng mình".
"Nhiều hôm tôi thấy trời trong veo mà chỉ số chất lượng không khí lại báo xấu, tôi cũng không hiểu. Có những hôm trời cũng mù thật, nhưng mù đến mức như Bắc Kinh, Ấn Độ ngày xưa thì chưa đến mức độ như thế. Mà chỉ số không khí lại báo là xấu quá thì tôi cũng không hiểu" - ông Thanh nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận