Trường THCS Thanh Xuân, Hà Nội - Ảnh: VĨNH HÀ
Theo thông báo của nhà trường, ngoài tiền ăn bán trú, tiền chăm sóc bán trú, nước uống tinh khiết, quỹ Đoàn, Đội… học sinh phải đóng hai loại .
Một loại học phí theo quy định chung cho các trường công lập là 155.000 đồng x 3 tháng (tháng 9,10,11), một loại khác là học phí hệ chất lượng cao với mức 1.958.000 đồng/học sinh (riêng tháng 8, mức học phí hệ chất lượng cao chỉ thu 979.000 đồng do số buổi học ít hơn).
Nộp kép hai loại học phí
Một số phụ huynh bức xúc chia sẻ rằng họ chỉ biết trường có đề án hoạt động theo mô hình chất lượng cao nhưng hiện đề án này được phê duyệt chưa, trường đã được công nhận chất lượng cao chưa vẫn không rõ. Trong khi điều kiện học tập chất lượng không cao như khoản học phí phải đóng.
Bản thông báo cho phụ huynh nộp tiền, trong đó có hai khoản học phí - Ảnh: V.H.
Cụ thể là sĩ số học sinh/lớp đông, phòng ngủ bán trú chật chội, trường có bể bơi nhưng học sinh vẫn phải mua vé mới được vào bể bơi…
"Chưa khẳng định được giáo dục chất lượng cao nhưng học phí lại thu cao gấp nhiều lần mức quy định chung với trường công lập. Thời điểm trường thông báo mức học phí lại vào giữa học kỳ 1 khiến phụ huynh không có lựa chọn nào khác. Trong khi theo quy định về công khai, minh bạch, trường phải thông báo mức học phí, lộ trình tăng học phí cho phụ huynh biết vào thời gian chuẩn bị tuyển sinh", một phụ huynh có con học lớp 7 nói.
Nhiều phụ huynh khác cũng phản ảnh rằng trường cố tình đẩy phụ huynh vào tình thế khó khi chờ đến tháng 11 mới thông báo truy thu học phí vì thời điểm này, học sinh đã vào học ổn định nên không thể ngay lập tức xin chuyển trường.
Trong khi đó, không phải người nào cũng có điều kiện để đóng mức học phí cao như vậy, nhất là lại phải đóng kéo hai loại học phí.
Trường đang chờ được công nhận chất lượng cao
Tại buổi làm việc với báo chí, bà Ngô Thị Diệp Lan - hiệu trưởng , Hà Nội - cho biết đề án trường chất lượng cao được xây dựng từ tháng 4-2017. Trong đề án này đã có nêu rõ lộ trình thu chi.
Tháng 8-2018, sau khi UBND TP Hà Nội chấp thuận đề án, trường đã xây dựng một lộ trình dự kiến thu học phí năm thứ nhất là 2,5 triệu đồng/học sinh/tháng. Năm thứ hai nâng lên 2,8 triệu đồng, năm thứ 3 là 3 triệu đồng và năm thứ 4 là 3,2 triệu đồng.
Theo quy định về mô hình chất lượng cao của Hà Nội, các năm đầu trường chất lượng cao vẫn được cấp tiền hỗ trợ, sau đó sẽ giảm dần và đến năm thứ 4 thì tự chủ hoàn toàn. Đề án này theo bà Lan, đã được công khai trên cổng thông tin của quận Thanh Xuân.
Tuy nhiên cho tới thời điểm này, Trường THCS Thanh Xuân vẫn đang chờ để được công nhận trường chất lượng cao. Và trong thời gian chờ đợi này, trường đã thu hai loại học phí, trong đó có học phí chất lượng cao được tính ở một mức khác với lộ trình đã đề ra ở trên.
Theo giải thích của nhà trường, khi nào "được công nhận", trường sẽ thu một loại học phí theo lộ trình đã diễn giải trong đề án.
Bà Lan trần tình với báo chí rằng từ đầu năm học trường vẫn nợ lương giáo viên do chưa thu được tiền, phải chờ xong các thủ tục mới thông báo truy thu.
Bà cũng cung cấp hồ sơ của từng lớp, trong đó có bản cam kết các khoản thu với từng phụ huynh năm học 2018-2019. Các bản cam kết này đều có chữ ký của hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh.
Tuy nhiên nhiều phụ huynh cho biết họ không nắm rõ khoản tiền đó được thu theo quy định nào, đã được cấp thẩm quyền cho phép chưa... song vẫn phải ký vào bản cam kết vì lo ngại trở thành người "chống đối".
"Đã đăng trên trang web của quận nên trường không thông báo khi tuyển sinh" (?)
Theo bà Lan, cam kết của 100% phụ huynh là căn cứ để trường làm tờ trình cho UBND quận. Phòng kế hoạch tài chính, UBND quận Thanh Xuân đã phê duyệt cho trường mức thu năm học 2018-2019 ở thời điểm chưa chính thức thực hiện lộ trình trường chất lượng cao.
Ngoài bản cam kết của phụ huynh, ngày 15-9 trong cuộc họp phụ huynh đầu năm trường cũng thông tin về lộ trình học phí để phụ huynh chuẩn bị chứ không thông báo thu đột ngột.
Tuy nhiên theo phụ huynh, khi họ tìm hiểu thông tin để chọn trường cho con thì không được thông báo rõ về lộ trình học phí. Ở thời điểm nhà trường tuyển sinh, trong các văn bản thông báo mà trường niêm yết công khai cũng không có nội dung nào về học phí.
Trả lời về việc này, bà Lan cho biết "đề án đã nêu rõ: đăng công khai trên trang web của quận" nên không thông báo trong thông tin tuyển sinh.
Giải thích này không thuyết phục vì đề án không phải phụ huynh nào cũng biết và đang trong quá trình triển khai, chờ công nhận. Còn theo quy định về "3 công khai" thì các trường phải thông báo rõ mức học phí của năm học, lộ trình học phí cho phụ huynh trong thời gian tuyển sinh, thông báo trên trang web của trường và niêm yết công khai tại nơi tiếp nhận hồ sơ tuyển sinh.
Học phí hay phụ phí đều sai
Theo các văn bản quy định hiện hành, chỉ UBND thành phố Hà Nội mới có thẩm quyền phê duyệt mức học phí của các trường phổ thông công lập chất lượng cao (chưa kể Trường THCS Thanh Xuân chưa được công nhận là trường chất lượng cao). Việc thu học phí chất lượng cao chỉ dựa vào cam kết với phụ huynh và sự chấp thuận của UBND quận là không đúng.
Sau buổi làm việc với Tuổi Trẻ Online, bà Ngô Thị Diệp Lan tiếp tục có thông tin giải thích khoản thu 1.958.000 đồng không phải học phí chất lượng cao mà là kinh phí học chương trình nâng cao. Nhưng văn bản thông báo thu tiền của nhà trường vào ngày 7-11 thì vẫn ghi rõ thu tiền học phí hệ chất lượng cao.
Nếu đúng như lời bà Lan, khoản "học phí chất lượng cao" đã thông báo cho cha mẹ học sinh chỉ là "phụ phí" thì cũng không có văn bản nào cho phép trường công lập được thu phụ phí gấp 10 lần học phí mà chỉ cần thỏa thuận với phụ huynh và UBND quận đồng ý.
Với việc đưa ra mức học phí "kép", Trường THCS Thanh Xuân đang lơ lửng ở giữa các quy định đối với trường công lập nói chung và trường công lập chất lượng cao.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận