Tiểu thương chợ Nhà Xanh, Q.Cầu Giấy (Hà Nội) thu dọn hàng hóa sau cơn mưa đêm 24 rạng sáng 25-5 - Ảnh: Q.Thế |
Dự án thoát nước giai đoạn 2 dù đội vốn 2.000 tỉ đồng thành 8.000 tỉ đồng nhưng vẫn tiếp tục chậm tiến độ, nhiều hạng mục thi công dở dang, làm xong cũng chỉ giải quyết nhu cầu thoát nước cho một lưu vực...
Đội vốn 2.000 tỉ đồng
Dự án thoát nước nhằm cải thiện môi trường Hà Nội (dự án 2) được TP Hà Nội phê duyệt từ tháng 9-2006, dự kiến hoàn thành năm 2014, tuy nhiên sau đó đã phải gia hạn tới tháng 6-2016 và đội vốn lên 8.000 tỉ đồng so với 6.000 tỉ đồng mức ban đầu.
Thế nhưng đến nay hàng loạt hạng mục của dự án vẫn còn dở dang. Cụ thể, trong số hàng chục hạng mục chính và 16 gói thầu xây lắp, mua sắm thiết bị, đến nay vẫn còn một số hạng mục chưa hoàn thành.
Theo báo cáo của ban quản lý dự án, cụ thể gói thầu số 3 vẫn còn tám tuyến đang tiếp tục thi công, gói thầu số 4 vẫn còn ba tuyến thi công chưa xong, gói thầu số 6.2 vẫn đang tiếp tục thi công và hoàn thiện một số hồ.
Nguyên nhân chính khiến dự án chậm trễ, theo ban quản lý dự án, là do công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công chậm dù được bắt đầu triển khai từ năm 2007.
Ban quản lý dự án cũng cho rằng khối lượng công tác giải phóng mặt bằng quá lớn, trải dài trên tám quận, huyện; quản lý đất đai thay đổi từ xã thành phường, phân tách địa giới hành chính trong thời gian triển khai giải phóng mặt bằng...
Ngoài ra hàng loạt lý do khác như công tác lưu trữ hồ sơ, chế độ chính sách giải phóng mặt bằng... cũng được nêu ra.
“Công tác bàn giao mặt bằng nhỏ lẻ, không liền tuyến dẫn đến phải điều chỉnh phương án thi công; thi công cuốn chiếu từng đoạn, tuyến ngắn dẫn đến giảm hiệu quả kinh tế của nhà thầu, ảnh hưởng đến năng lực tài chính của đơn vị thi công” - báo cáo của ban quản lý dự án nêu rõ.
Thậm chí, năng lực thi công của nhà thầu (tài chính, quản lý, quay vòng vốn...) không đảm bảo gây ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thi công.
8.000 tỉ đồng chẳng thấm vào đâu
Ông Võ Nguyên Phong - phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội - cho rằng những hạng mục chưa hoàn thành chủ yếu là đường và vỉa hè.
“Cống thì cơ bản là xong, chỉ còn chỗ T23 đường Thụy Khuê (Q.Tây Hồ) và hồ Khương Trung nữa. Dự kiến trong tháng 6-2016 hoàn thành giai đoạn 2 của dự án” - ông Phong thông tin.
Tuy nhiên, cũng theo ông Phong, trong tổng số bốn lưu vực chính của toàn bộ khu vực đô thị TP gồm: Tô Lịch (77,5km2), Hà Đông (47km2), Long Biên (62km2) và Tả Nhuệ (60km2) thì giai đoạn 2 của dự án 8.000 tỉ đồng nói trên chỉ đáp ứng được khả năng tiêu thoát nước cho lưu vực sông Tô Lịch. Riêng khu vực ngập úng nặng đêm 24 rạng sáng 25-5 thuộc lưu vực Tả Nhuệ.
Ông Phong cho hay lưu vực này hiện chưa có dự án thoát nước nào của TP. “Hiện Sở Xây dựng đang chỉ ở giai đoạn lập dự án đầu tư đối với lưu vực này” - ông Phong thông tin.
Ngoài ra, ông Phong còn cho biết: “Nói 8.000 tỉ đồng tưởng là nhiều nhưng so với làm một tuyến đường thì không thấm vào đâu. Trong khi đó dự án này phải cải tạo tới 13 hồ, 25km kênh, 50km cống, dự án trải dài trên tám quận, huyện, 60 phường xã thì số tiền đó là không đáng kể”.
Không tránh khỏi ngập
Trận mưa đêm 24 rạng sáng 25-5 đã biến hàng loạt khu vực dân cư, tuyến phố của Hà Nội thành sông, hồ. Trước đó tròn một tháng, tại buổi giao ban báo chí do Thành ủy Hà Nội tổ chức, đại diện Sở Xây dựng đã cho biết trên địa bàn TP còn 16 điểm úng ngập khi lượng mưa từ 50-100mm/2 giờ.
Theo báo cáo chi tiết của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, trong trận mưa vừa qua, hàng loạt điểm úng ngập xảy ra nghiêm trọng khác với độ sâu từ 0,2-0,5m, gồm phố Trần Bình, Phan Văn Trường, Hoàng Quốc Việt, Phạm Văn Đồng, ngã ba Dương Đình Nghệ - Nam Trung Yên, Hoa Bằng, Đội Cấn, Mạc Thị Bưởi, Minh Khai, Hoàng Mai, Nguyễn Chính, Thanh Đàm, ngã tư Huỳnh Thúc Kháng - Nguyên Hồng, Định Công, Thái Thịnh, Trường Chinh, Quan Nhân, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Huy Tưởng, Cự Lộc, Nguyễn Trãi, Triều Khúc...
Ông Võ Tiến Hùng - tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội - khẳng định kể cả sau khi giai đoạn 2 của dự án hoàn thành thì với những trận mưa tương tự trận mưa vừa qua vẫn không tránh khỏi được tình trạng ngập úng nặng cục bộ tại một số nơi trên TP.
Theo phân tích của ông Hùng, chu kỳ bảo vệ của dự án được tính toán là 10 năm đối với sông và mương thoát nước ứng với lượng mưa là 310mm/2 ngày (giai đoạn 1 là 172mm/2 ngày), chu kỳ năm năm đối với hệ thống cống ứng với lượng mưa là 70mm/giờ.
Trong khi đó, trận mưa đêm 24 rạng sáng 25-5 đo được tại các điểm dao động từ 187,1-252mm, thậm chí có nơi lên tới 275mm/5-6 giờ. “Lượng mưa quá lớn, dồn dập trong nhiều giờ phải rất nhiều năm mới lặp lại một lần như thế này, trong khi hệ thống thoát nước chưa hoàn thiện.
Ngoài ra, mưa xảy ra trên diện rộng, tập trung tại khu vực phía tây - khu vực sông Nhuệ chưa được cải tạo, năng lực thoát nước kém lại khiến tình trạng thoát nước khó khăn hơn nhiều” - ông Hùng lý giải.
TP Biên Hòa: không thiếu tiền sao vẫn ngập? Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Phú Cường đặt vấn đề như trên khi làm việc với UBND tỉnh cùng các sở, ngành trong ngày 26-5 về ngập nước ở TP Biên Hòa. Ông Cường dẫn giải về khả năng giải quyết nguồn vốn và đặt câu hỏi “không thiếu tiền sao vẫn ngập?” nên lãnh đạo TP Biên Hòa phải gấp rút rà soát, nạo vét cống rãnh, tuyên truyền cho người dân về việc bảo vệ môi trường, bỏ rác đúng nơi quy định. Bên cạnh đó, TP Biên Hòa phải phối hợp với các sở, ngành đánh giá các điểm ngập, bắt tay ngay vào xử lý ngập, không phải chờ họp hành. “Tỉnh đã chỉ đạo xử lý ngập từ lâu rồi, phải làm ngay, vướng đến đâu gỡ đến đó. Đừng để dân kêu nữa. Nói mưa không thi công được còn có thể chấp nhận chứ nói không có tiền chống ngập là không được” - ông Cường đôn đốc. Trước đó, tại cuộc họp, ông Tạ Huy Hoàng - giám đốc Sở Xây dựng - cho hay qua theo dõi các trận mưa lớn gần đây thì địa bàn TP Biên Hòa có khoảng 25 điểm ngập lụt sâu, đặc biệt là trên nhiều tuyến đường chính. Thậm chí, khi xuất hiện cơn mưa lớn kéo dài từ 15-20 phút là nhiều khu vực trên địa bàn TP đã ngập sâu 0,5-1m, làm giao thông tê liệt, đời sống của người dân trong khu vực bị xáo trộn. Tỏ ra không hài lòng khi lãnh đạo TP Biên Hòa phải xin ý kiến, bàn đi bàn lại về chuyện vốn rồi đổ cho dân xả rác gây ngập úng là không thỏa đáng, ông Đinh Quốc Thái - chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - nói: “Xử lý các điểm ngập cho TP Biên Hòa phải làm nhanh, đưa vào dự án cấp bách để giải quyết cho người dân”. Bí thư Thành ủy TP Biên Hòa Lê Văn Dành cam kết sẽ yêu cầu chính quyền TP Biên Hòa nạo vét, khơi thông dòng chảy các mương, suối và cải tạo mở rộng các họng cống để thoát nước nhanh và có biện pháp ngăn chặn tình trạng lấn chiếm các suối thoát nước, không cho xả rác xuống kênh mương và suối, đồng thời xây dựng các dự án thoát nước... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận