Nhiều điểm đo ở thủ đô ghi nhận chỉ số AQI vượt ngưỡng, xếp vào nhóm rất có hại cho sức khỏe.
Trong bối cảnh đó, kinh nghiệm từ Bắc Kinh - thành phố từng nằm trong danh sách ô nhiễm nhất thế giới nay tình hình đã được cải thiện đáng kể.
Bắc Kinh với hơn 20 triệu dân trước đây có mức tiêu thụ than rất cao, đặc biệt vào mùa đông than được sử dụng nhiều cho sưởi ấm dẫn đến chất lượng không khí xấu trầm trọng.
Năm 1998, chính quyền TP Bắc Kinh tuyên chiến với ô nhiễm không khí, bắt đầu bằng việc kiểm soát tình trạng đốt than và khí thải phương tiện. Đến năm 2013, TP tăng cường các biện pháp kiểm soát ô nhiễm, tập trung vào lò hơi đốt than, nhiên liệu sạch hơn và tái cơ cấu công nghiệp.
Nhờ đó, từ 2013 - 2017 nồng độ PM2.5 giảm 35%, khu vực Bắc Kinh - Thiên Tân - Hà Bắc giảm 25%. Các khí thải nguy hiểm như SO2, NOX và PM10 giảm từ 43% đến 83%.
Các chính sách đột phá cũng được đưa ra như kiểm soát chặt chẽ tiêu thụ than, hạn chế phương tiện cá nhân, thúc đẩy sử dụng xe điện, tái cấu trúc công nghiệp, cùng với trồng rừng, phát triển giao thông công cộng và hợp tác liên vùng.
Bốn bài học lớn trong giảm ô nhiễm không khí của TP Bắc Kinh là đầu tư nghiêm túc, mạnh tay để giảm ô nhiễm; kiểm soát giao thông, các cơ sở công nghiệp; mở rộng không gian xanh; minh bạch thông tin và nâng cao nhận thức người dân.
Kết quả là mức độ ô nhiễm bụi mịn PM2.5 tại Bắc Kinh đã giảm hơn 60% trong vòng một thập niên.
Trong khi tại Hà Nội các chương trình môi trường vẫn đang gặp khó khăn do nguồn lực tài chính hạn chế. Để đạt được những tiến bộ tương tự, chính quyền Hà Nội cũng cần chi mạnh tay, ưu tiên tăng ngân sách cho các dự án giảm ô nhiễm không khí.
Đây không chỉ là một khoản chi phí mà còn là khoản đầu tư dài hạn cho sức khỏe cộng đồng, chất lượng sống, khả năng cạnh tranh của Hà Nội như một đô thị phát triển bền vững.
Hà Nội với hơn 7 triệu phương tiện giao thông và nhiều nhà máy công nghiệp vẫn chưa di dời ra khỏi nội đô, cần đẩy mạnh kiểm soát khí thải từ phương tiện cá nhân, áp dụng tiêu chuẩn khí thải chặt chẽ hơn, có cơ chế tài chính để khuyến khích người dân chuyển sang dùng xe điện.
Đồng thời phải thực hiện nghiêm túc, khẩn trương kế hoạch di dời các cơ sở công nghiệp ra khỏi khu vực nội thành mà Chính phủ đã đề ra từ năm 2015.
Về không gian xanh, TP cần quy hoạch thêm công viên cây xanh, khu vực công cộng trong nội thành, mở rộng khu vực trồng cây xanh ở ngoại ô như một biện pháp dài hạn cải thiện chất lượng không khí.
Ô nhiễm không khí không chỉ là vấn đề môi trường, nó là bài toán về sức khỏe cộng đồng và phát triển bền vững. Thế nên ngoài học hỏi kinh nghiệm tốt thì sự quyết tâm, cam kết của chính quyền, người dân Hà Nội sẽ quyết định sự thành công trong cuộc chiến chống ô nhiễm không khí.
Bắc Kinh đã mất khoảng 20 năm để đạt được những kết quả đáng kể trong việc giảm ô nhiễm không khí. Nếu không bắt đầu ngay từ bây giờ, bầu trời trong xanh vẫn sẽ chỉ là mơ ước của người dân Hà Nội.
Đã đến lúc Hà Nội cần hành động quyết liệt để bảo vệ quyền lợi được sống trong môi trường trong lành, không chỉ cho hiện tại mà còn cho các thế hệ tương lai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận