Người dân Hà Nội mang khẩu trang ra đường trong những ngày thủ đô bị ô nhiễm - Ảnh: NAM TRẦN
Từ ngày 9-12, chất lượng không khí ở Hà Nội bắt đầu suy giảm theo chiều hướng ngày càng xấu dần. Đáng lưu ý, trong ba ngày từ 11 đến 13-12, chất lượng không khí suy giảm theo chiều hướng từ xấu đến rất xấu.
Ô nhiễm kinh khủng nhất là về đêm và rạng sáng
Sáng 13-12, ứng dụng quan trắc PAM Air ghi nhận chất lượng không khí ở Hà Nội trong 6 cấp độ thì đã ở cấp độ 5, màu tím ngắt thể hiện chất lượng không khí rất xấu ở nhiều nơi.
Theo một cán bộ Chi cục Bảo vệ môi trường TP Hà Nội, hiện tại trên địa bàn TP có tình trạng người dân dọn nhà cuối năm, quét dọn đường làng ngõ xóm nhưng sau đó gom rác đốt, làm gia tăng ô nhiễm không khí.
"Trước tình trạng quét dọn đường phố, thu gom rác không đưa đi xử lý, đốt rác tự phát, Sở Tài nguyên - môi trường Hà Nội đã đề nghị UBND các quận, huyện chỉ đạo xuống các phường, xã tuyên truyền, nhắc nhở người dân. Tuy nhiên, đây là vấn đề liên quan đến ý thức người dân nên cũng khó kiểm soát" - một cán bộ Chi cục Bảo vệ môi trường TP Hà Nội nói.
TS Hoàng Dương Tùng - chủ tịch Mạng lưới không khí sạch VN - nhận định đây là đợt ô nhiễm không khí khủng khiếp với nhiều ngày chất lượng không khí ở mức rất xấu.
"Không chỉ Hà Nội, một số tỉnh miền Bắc cũng trong tình trạng ô nhiễm không khí ở mức ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe. Thời điểm ô nhiễm kinh khủng nhất là về đêm và rạng sáng, trong đó có hiện tượng nhiều nơi cùng đốt rác tự phát" - ông Tùng nói.
Chỉ số chất lượng không khí các khu vực ở trung tâm Hà Nội sáng 13-12 rất xấu - Đồ họa: T.ĐẠT
Hà Nội có 12 nguồn gây ô nhiễm không khí
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, đã xác định 12 nguồn gây ô nhiễm không khí. Đầu tiên liên quan đến chất thải của các nhà máy xung quanh Hà Nội.
"Chúng ta nghe đi từ đây xuống tỉnh Hà Nam, Ninh Bình thì xa nhưng bụi theo đường chim bay, gió thổi chỉ 1 tiếng sau là bụi từ nhà máy ximăng ở Ninh Bình có thể bay lên Hà Nội. Rồi nguồn từ các khu công nghiệp Bắc Ninh, Thái Nguyên" - ông Chung nêu.
Nguồn gây ô nhiễm thứ hai liên quan đến chất thải từ xe máy, ôtô. Ông Chung cho biết đến nay Hà Nội có 6,1 triệu xe máy, 750.000 ôtô. Nguồn thứ ba liên quan đến các xe chở chất thải, phế thải, chở rác, cát sỏi. Tiếp đến là bụi bẩn từ quá trình xây dựng các công trình do quản lý không tốt, không che chắn đúng quy định...
Để giải quyết thực trạng ô nhiễm, ông Chung cho rằng đầu tiên phải lắp đặt hệ thống quan trắc về chất lượng không khí. Đến nay toàn TP, các bộ và các đại sứ quán mới có 22 trạm, riêng TP Hà Nội có 11 trạm.
Một số nhóm giải pháp đã được ông Chung nêu, trong đó liên quan đến thu gom, vận chuyển rác thải, đã thay đổi từ quét tay sang quét, hút bụi bằng cơ giới. Liên quan đến thu gom rác, ông Chung cho biết đã chỉ đạo đặt thùng rác cố định, hạn chế bỏ rác ra đường, nhưng việc thực hiện vẫn chưa đạt yêu cầu...
Còn việc hạn chế xe máy, phương tiện cá nhân, TP xác định theo lộ trình tiến tới cấm xe máy ở các quận nội thành. "Tuy nhiên, tất cả các giải pháp này đều đòi hỏi phải có thời gian, và có một yếu tố không thể thiếu được, đó là sự cộng tác từ phía người dân, các hộ gia đình. TP xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, sẽ kiên trì không phải nhiệm kỳ này mà có kế hoạch làm một cách bền vững" - ông Chung nói.
Ra đường cần mang khẩu trang
Mùa đông - xuân lạnh cũng là thời điểm gia tăng các bệnh lý lây qua đường hô hấp, như bệnh sởi, quai bị, thủy đậu, bệnh cúm...
Bác sĩ Nguyễn Thành Nam - trưởng khoa nhi Bệnh viện Bạch Mai - khuyến cáo các bệnh đường hô hấp và tiêu chảy do virút, đặc biệt là ở trẻ em dưới 6 tháng tuổi khi miễn dịch còn non yếu là nhóm dễ nhiễm bệnh nhất.
Cha mẹ cần cho trẻ mặc đủ ấm, ăn uống đủ dinh dưỡng. Với người già, không nên đi tập thể dục quá sớm hoặc quá muộn, hoặc vào thời điểm thiết bị báo nồng độ bụi không khí tăng cao.
Đặc biệt, các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo người dân theo dõi chỉ số về chất lượng không khí, cần chủ động các giải pháp phòng tránh, sử dụng khẩu trang khi đi đường trong những ngày ô nhiễm không khí gia tăng.
Bệnh hô hấp gia tăng, khan hiếm thuốc điều trị
Theo ghi nhận, tình trạng số trẻ mắc bệnh lý hô hấp ở Hà Nội trong những ngày qua liên tục gia tăng. Rất nhiều gia đình đã phải cho con em tới viện khám, điều trị các bệnh về đường hô hấp.
Trong số những bệnh lây qua đường hô hấp vào dịp này có bệnh cúm A, phải dùng thuốc Tamiflu. Tuy nhiên, những nhà thuốc xung quanh Bệnh viện Nhi trung ương đều không có hoặc giá rất cao, 1,5 triệu đồng/hộp. Tình trạng khan hiếm thuốc, giá cả "nhảy múa" khiến các phụ huynh có con mắc cúm rất lo lắng.
Theo bác sĩ Vũ Văn Giáp - phó giám đốc Trung tâm hô hấp Bệnh viện Bạch Mai, những thời điểm bụi mịn không khí tăng cao, số người bệnh nhập viện do bệnh lý hô hấp như hen, viêm phế quản, phổi tắc nghẽn mãn tính... cũng tăng lên. Những hạt bụi mịn (PM 2.5) khi hít vào không cảm nhận cơ thể hít phải bụi, nhưng lại rơi thẳng vào phổi, xuyên qua phế nang, mao mạch, gây phản ứng viêm, gây đột quỵ, ảnh hưởng bánh nhau của phụ nữ mang thai.
Một chuyên gia về hô hấp khác, ông Đỗ Quyết, cho hay các bác sĩ lo ngại chứng "viêm phế quản bụi" - thường gặp ở những người hít nhiều bụi mịn dẫn đến viêm phế quản cấp tính, nhưng sau khoảng 2 năm có nhiều lần viêm cấp tính bệnh sẽ thành mãn tính.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, phó giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương Trần Minh Điển cho biết số bệnh nhi mắc cúm A vào viện đã gia tăng trong khoảng 3-4 tuần qua; đặc biệt từ cuối tuần trước, số trẻ mắc cúm nhập viện tăng nhanh hơn. Trong khi đó, sau khi kiểm kê kho thuốc bệnh viện, Bệnh viện Nhi trung ương đánh giá lượng Tamiflu còn lại trong kho rất hạn chế nên bệnh viện đã siết chặt chỉ định.
"Hiện chỉ có các cháu mắc cúm và có các biến chứng, đang điều trị nội trú thì chúng tôi mới chỉ định sử dụng Tamiflu. Chúng tôi cũng đã có văn bản gửi Cục Quản lý dược, Bộ Y tế để thông báo tình trạng kho thuốc đang hết dần Tamiflu để cục có giải pháp kịp thời"- ông Điển cho biết.
Tại Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em, Bệnh viện Nhi trung ương, hiện số trẻ mắc cúm đang điều trị nội trú chiếm 1/3 tổng số bệnh nhi đang điều trị tại một khoa của trung tâm, cao hơn rất nhiều so với khoảng một tháng trước có thời điểm không có bệnh nhân cúm nào điều trị.
LAN ANH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận