TTCT - Lại cúp điện rồi. Không lẽ ngồi nhà cằn nhằn đếm hạt thanh long mãi. Người viết buông phím đứng dậy, huýt sáo một bài hát xưa rồi khoác áo ra đường. Ta nghe hè dậy bên lòngMà chân muốn đạp tan phòng hè ôiNgộp làm sao, chết uất thôiCon chim tu hú ngoài trời cứ kêu.Con chim tu hú vừa kêu vừa dẫn độ mùa hè nắng lửa trở về. Cái uất ngộp của thi nhân cách mạng đang vẫy vùng bị nhốt đề lao Thừa Phủ hẳn cũng giống sự bức bối nhân gian khi bất ngờ bị cúp điện trong lúc nhiệt giai Celcius trỏ 40 độ trong bóng râm. Một bài báo đắc ý chưa kịp save, một email quan trọng chưa kịp gửi, một nồi cơm đang cắm dở sống dở chín… Phụt! Màn hình tối đen không hẹn trước. Thôi xong! Cũng đành tống táng thời đại công nghệ 4.0 sau khi cánh tản nhiệt máy điều hòa không khí khép lại.Tắt đèn nhà ngói cũng như nhà tranh. Cúp điện bốn chấm không cũng như không chấm bốn. Trời oi nồng. Vũ trụ trương lên, rữa ra thành một thứ chất lỏng sền sệt, và con người bơi trong cái bầu không khí hâm hấp nóng ấy như những con giòi bơi trong quả thối. Ai biết đâu ông giáo khổ Nam Cao viết những dòng mà người viết này nhớ mang máng thế, như thể con ve tiên tri vô tâm báo trước cái mùa hè cúp điện ở thủ đô sau ông non một thế kỷ.Trong lúc chờ có điện thì lại nhớ những mùa hè xưa. Kỷ niệm đẹp như một thứ quạt mát, phe phẩy tâm hồn cho khỏi nổi rôm bức xúc. Kỷ niệm từ mưa gió, từ vào trong đá xưa. Không phải đá in dấu chân địa đàng của họ Trịnh. Đá ở đây là những cây nước đá mậu dịch từ nhà máy trên phố Trần Quang Khải ven đê, chở bằng xe xích lô về Cống Chéo - Hàng Lược. Những cây đá phủ vỏ trấu bên ngoài giữ nhiệt cho khỏi tan nhanh giữa trưa hè nắng lửa. Lũ trẻ con bâu tròn xung quanh. Trong vòng mươi phút, hai cây đá hết sạch khỏi cần hỏi bao tuổi xanh rêu. Hai hào bạc được cục đá lớn, đập ra đủ pha nước chanh đường cho cả nhàNhớ như in ngày mua được chiếc tủ lạnh Saratov 3 sao giàn lạnh hở mùa hè năm 1987. Chao ơi hạnh phúc đựng trong một nồi đá lạnh, là đêm đầu tiên chờ khay đá đông để trút sang cái phích bảo ôn Liên Xô, đặng mai đưa mối hàng giải khát kiếm chút tiền còm. Thỉnh thoảng trong bóng tối, chiếc rơ le tự động đóng ngắt, cái tủ lạnh 150 lít lại giật mình đùng đùng như nhà có trộm. Mùa hè năm đó ngoài trời nắng cực nhưng trong lòng mát lạnh đến tê hồn.Thời nào cũng thế, chỉ có lũ quỷ sứ học trò là thích mùa hè nhất. Sách bút từ nay tạm xếp vào một xó. Cái thời điện còn cúp thường xuyên làm gì ra những kỳ nghỉ mát du lịch như bây giờ. "Ve ve ve hè về. Vui vui vui hè về…". Sau suất hát cuối ngày của dàn đồng ca ve sầu, đèn đóm tắt phụt. Lũ trẻ con vừa được nghỉ học đổ ra phố trước. Người lớn lục tục xách ghế ra sau, trên tay phành phạch đủ thứ quạt nan quạt giấy. Chẳng ai chịu nổi những căn phòng kín đang om nhiệt và tối mò.Đèn đường nhập nhoạng, đôi khi là ánh trăng loang lổ bóng cây soi những trò chơi vỉa hè kéo dài đến khuya. Một bọn lau nhau đứng thành vòng tròn. Đứa con gái quản trò nhinh nhỉnh lớn hơn đứng giữa, lần lượt vỗ đầu từng đứa cất giọng liên liến:Thả đỉa ba ba/ Chớ bắt liền bà/ Phải tội liền ông/ Cơm trắng như bông/ Gạo thuyền như nước/ Đổ mắm đổ muối/ Đổ chuối hạt tiêu/ Đổ niêu cứt gà/ Đổ phải nhà nào/ Nhà ấy phải chịu.Sau tiếng "chịu" cuối cùng kèm theo cái vỗ mạnh trên đầu, một "con đỉa" to được xác định, đứng canh đôi bờ sông giữa hai vỉa hè. Nó có nhiệm vụ vồ những đứa đang liên tục chạy ngang đường, vừa chạy vừa hét "sang sông - về sông".Cách đám phóng sinh thả đỉa ba ba không xa, một đám khác vừa túm áo nhau lượn vòng vòng vừa đồng thanh gào: Rồng rắn lên mây/ Có cây xúc xắc/ Có nhà điểm minh/ Hỏi thăm thầy thuốc/ Có nhà hay không?Như một ông lang bận rộn, sau mấy lượt các con bệnh rồng rắn đi lại, thầy mới có nhà. Hỏi xin thuốc cho ai? Xin thuốc cho con. Con lên mấy? Lên một lên hai, lên năm lên sáu không nghe. Lên mười thì thầy nghe vậy dù chẳng có phong bì. Chao ôi nhiêu khê như các thủ tục bệnh viện dành cho đám bệnh nhân dùng bảo hiểm y tế.Rồi thầy với thằng đầu trò mặc cả công xá: Tao xin khúc đầu - Vừa xương vừa xẩu - Tao xin khúc giữa - Vừa máu vừa me - Tao xin khúc đuôi - Tha hồ thầy đuổi. Ấy nhưng thầy chưa đuổi vội. Thầy cẩn thận hỏi lại địa chỉ kê đơn: Nhà mày ở đâu? Nhà tao ở bãi cát - Mày hát tao nghe. Bấy giờ thầy mới xông ra đuổi thật. Đứa đứng đầu rồng dang tay cản thầy cho khúc đuôi vừa chạy quăng đi quật lại trốn thầy vừa hét rầm rĩ: tò te tí te - ò e í e… Cuối cùng cũng giống như cuộc đời bây giờ, đứa bị bắt lại hóa ra thầy thuốc.Trên đầu phố, một nhóm các bà các cô tụ tập rôm rả. Họ đang bàn tán về độ quái thai ngâm giấm của "con Ét-te" (nhân vật Esther) trong phim Người giàu cũng khóc đang chiếu trên vô tuyến. Đêm nay cúp điện tối mò, không biết con Ét-te nó bày ra những trò gì? Sự cúp điện kích thích nỗi bực dọc. Nhưng các bà không dám nguyền rủa sở điện, các bà dồn hết cả sự tức tối vào - con Ét-te như thể nó đang quyến rũ chồng mình. Bình luận vỉa hè theo đà mở rộng và cái tên Ét-te được gán cho bất cứ giống cái nào mà các bà không ưa. Khi người ta ngày càng già, càng lên cân và xấu đi thì càng lắm kẻ thù tưởng tượng. Dần dần danh từ riêng Ét-te trở thành tính từ thời sự hàng phố. Ui giời con ấy ét te lắm, mụ ấy ét te lắm…Cúp điện ở các lớp tiếng Anh ngoại khóa còn vui hơn nữa. Thanh niên Hà Nội đạp xe chạy tẩy cưa đường tán gái nó không ra con nhà đứng đắn. Thì đây đã có các lớp tiếng Anh ban tối cùng giáo trình Streamline thần thánh thỏa mãn điều kiện trí thức này. Đèn đóm trong lớp sụt áp tù mù nhưng cũng đủ để các nam thanh nữ tú nhìn nhận dung mạo đối tượng. Đi học đóng tiền hẳn hoi nhưng mỗi khi cô giáo ốm hay cúp điện là cả lớp ồ lên reo như vừa trúng xổ số.Hết bài đầu tiên làm quen am Đa vít, am Lin đa coi như đã xác định nhau bằng mắt thường rồi. Qua bài xin địa chỉ am phỏm Ô chợ Dừa biết dziu phỏm Hàng Da. Đến bài số 30 ai oăn thiu, ai nít dziu, ai lóp viu là nhiều cặp đôi coi như đã hoàn thành khóa học, không thèm đến lớp nữa. Từ bài này trở đi họ sẽ tự học với nhau trong các xó tối trên đường Thanh Niên hay trong các công viên khuất nẻo. Không phải các khách sạn hay nhà nghỉ, chính công viên Thống Nhất, vườn cây Bách Thảo những năm đó mới là địa chỉ tình yêu mà ở đó độ say đắm thân mật của các cặp đôi tỉ lệ thuận với độ dày của bóng tối.Nhiều anh chị kỹ tính hay kém duyên cố tình học mãi một khóa mà chưa bắt dính được đối tượng nào. Một vài anh chị khù khoằm như chuyên tâm học thật. Hết bài Nọt si oi (Dầu ở biển Bắc - Unit 71) họ vẫn ngồi lì. Trung tâm ngoại ngữ lại phải ghép lớp cho các cao thủ ế này, ngõ hầu muốn tống khứ nốt họ đi thật nhanh bởi càng lên lớp cao, trung tâm càng thiếu giáo viên. Ngoài kia, các Lin-đa và Đa-vít khóa mới nhễ nhại mồ hôi vẫn đang chen nhau nườm nượp ghi danh.Tờ giấy không cần biết chữ. Phong thư chẳng biết nhớ mong. Con đò đâu cần biết ai đang qua sông. Cũng in hệt thế, khi người ta trẻ và mùa hè áo mỏng đang sục sôi chín mọng thì chẳng ai cần biết đến cái nóng nung người. Vải ngọt Lục Ngạn đang vào chính vụ. Con chim tu hú của những mùa vải chua chín sớm đã bay biệt tích, chỉ còn kêu trong các câu thơ cũ.Lại cúp điện rồi. Không lẽ ngồi nhà cằn nhằn đếm hạt thanh long mãi. Người viết buông phím đứng dậy, huýt sáo một bài hát xưa rồi khoác áo ra đường.Khúc ca mùa hèlắng trong chiều vềVang trong đêm êmtình thánh thót ngân tiếng ai caĐường ngập trời mây…(Khúc ca mùa hè - nhạc sĩ Canh Thân) Tags: Cúp điệnMùa hèHà NộiTản vănViết ngắnTạp bútSáng tácNhà văn Trung Sỹ
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Đại biểu Quốc hội: Điều hòa dân nghèo cũng sử dụng, sao xem là xa xỉ để áp thuế tiêu thụ đặc biệt TIẾN LONG 22/11/2024 Người lao động nghèo ở nhà trọ cũng lắp máy điều hòa, không hiểu sao lại đưa mặt hàng này vào hàng hóa xa xỉ để đánh thuế tiêu thụ đặc biệt.
Độc lạ Đồng Nai: Treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm A LỘC 22/11/2024 Một gia đình ở Đồng Nai treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm khiến cộng đồng mạng xôn xao.
Thiếu phôi bằng lái, xe 'trùm mền' HÀ MI 22/11/2024 Tình trạng thiếu phôi bằng lái đang lan ra nhiều tỉnh thành cả nước. Hệ lụy của thực trạng này là hàng chục ngàn người dân bị "treo bằng" dù thi đậu, có địa phương phải loay hoay đi mượn phôi hoặc bất đắc dĩ tạm dừng kỳ sát hạch.
Chợ Bến Thành là di tích cấp thành phố, ban quản lý cam kết bảo tồn hiệu quả HOÀI PHƯƠNG 22/11/2024 Năm di tích được công bố xếp hạng di tích cấp thành phố gồm trụ sở Cục Hải quan TP.HCM, trụ sở UBND quận 1, chợ Bến Thành, đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo và mộ ông Binh Bộ Kiểm duyệt Ty - Thừa vụ lang họ Trần.