Chung cư D2 Giảng Võ sau khi được xây dựng lại (bên trái) nay đã trở thành một tòa chung cư hiện đại và khang trang, bên cạnh là tòa chung cư D5 Giảng Võ hiện đã xuống cấp - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Hiện TP đang khởi công xây dựng 3 chung cư (B6, D2 Giảng Võ, C1 Thành Công) và 1 khối nhà (nhà N3 thuộc dự án thí điểm cải tạo tổng thể khu tập thể Nguyễn Công Trứ). Ngoài ra, có 2 chung cư (148-150 Sơn Tây, C8 Giảng Võ) đang được tổ chức di dời.
Trong khi đó, trên địa bàn có tổng số 1.500 chung cư cũ có quy mô từ 2 đến 5 tầng, chủ yếu được xây dựng từ năm 1960 đến cuối những năm 1990, ngoài ra còn một số nhà được xây dựng từ trước năm 1954.
Các chung cư tập trung chủ yếu ở 4 quận nội thành cũ và quận Hoàng Mai, Cầu Giấy, Thanh Xuân.
Tháng 4-2016, TP Hà Nội đã ban hành quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội ô lịch sử TP Hà Nội chỉ rõ các danh mục chung cư cải tạo tương ứng với chiều cao được phép.
Theo đó, xác định rõ khu tập thể Quỳnh Mai được phép xây tối đa 24 tầng (cao 86m), khu tập thể Giảng Võ được xây tối đa 21 tầng (cao 76m), khu tập thể Ngọc Khánh được xây tối đa 21 tầng (cao 76m);
Các khu Thành Công, Khương Thượng, Vĩnh Hồ, Kim Liên, Phương Mai, Thanh Nhàn... được phép xây tối đa 24 tầng (cao 86m).
Một lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết tiếp đó tháng 12-2016, UBND TP Hà Nội đã có văn bản giao Sở Xây dựng hoàn chỉnh kế hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn TP giai đoạn 2016-2020 và các năm tiếp theo. Hiện sở đã hoàn thành và trình TP để xin ý kiến.
Một đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho hay sẽ được xác định theo tiêu chí ưu tiên cải tạo các khu chung cư có mức độ xuống cấp nghiêm trọng và ảnh hưởng tới an toàn của người dân trước.
Theo vị này, một điểm vướng lớn nhất là việc người dân đề nghị được tái định cư tại chỗ nhưng lại có các yêu cầu đi kèm (về giá cả, diện tích) quá cao. Từ đó dẫn tới thực tế nếu hỗ trợ thấp thì người dân không đi, cao thì doanh nghiệp không mặn mà vì khó thu hồi vốn đầu tư xây dựng.
“Tới đây, sở sẽ tổ chức hội thảo để lắng nghe các ý kiến góp ý của cơ quan quản lý, các chuyên gia, người dân nhằm tháo gỡ những vướng mắc và nhằm đưa ra một cơ chế đặc thù trong chính sách”, ông nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận