01/11/2019 11:01 GMT+7

Hà Nội làm gì để xứng danh thành phố sáng tạo?

NGỌC DIỆP
NGỌC DIỆP

TTO - Ngày 31-10, Hà Nội nhận tin vui trở thành 1 trong 66 thành phố vừa được UNESCO chấp thuận đưa vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo.

Hà Nội làm gì để xứng danh thành phố sáng tạo? - Ảnh 1.

Các diễn giả tham gia hội thảo Chuyên nghiệp hóa trong tổ chức các sự kiện nghệ thuật tại Việt Nam - Ảnh: NGỌC DIỆP

Nhưng làm thế nào để thúc đẩy hơn nữa sức sáng tạo của thành phố, khơi dậy được sự góp sức của các tài năng là câu hỏi đang được đặt ra.

Tin vui nói trên đã được PGS.TS Bùi Hoài Sơn, viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, công bố hôm 31-10 ở hội thảo Chuyên nghiệp hóa trong tổ chức các sự kiện nghệ thuật tại Việt Nam.

Cái gì cũng có, nhưng thiếu chuyên nghiệp

Chị Uyên Ly - người nghiên cứu độc lập về các không gian văn hóa sáng tạo - cho biết trong 10 năm trở lại đây, Hà Nội nở rộ các không gian sáng tạo lớn, nhỏ, với sự tham gia vô cùng sôi nổi của khối tư nhân, các trung tâm văn hóa nước ngoài, các nghệ sĩ độc lập...

Tuy nhiên, việc chuyển đổi từ mô hình nhà nước bao cấp văn hóa nghệ thuật sang mô hình công nghiệp văn hóa sẽ nảy sinh rất nhiều thách thức. Hà Nội đang thiếu một sự điều tiết khéo léo để tận dụng được tất cả những nguồn lực này.

Đơn cử như vấn đề xin giấy phép hiện nay rất phức tạp. Nếu là loại hình kết hợp của múa, triển lãm, sắp đặt thì sẽ phải xin giấy phép ở ba nơi.

Cũng theo ông Bùi Hoài Sơn: "Năm 2014, khi chúng tôi bắt đầu nghiên cứu công nghiệp văn hóa có mời chuyên gia UNESSO về đánh giá các vấn đề văn hóa Việt Nam, họ thấy bối rối. Cái gì chúng ta cũng có, nhưng lại không chuyên nghiệp. Bộ phận nào biết việc của bộ phận đó, chưa biết liên kết với nhau để tạo nên sức mạnh tổng hòa".

Monsoon là ví dụ điển hình. Đây là lễ hội âm nhạc đúng nghĩa đầu tiên ở Việt Nam. Nhưng để duy trì được đến giờ, nhà tổ chức phải tốn không biết bao công sức, vì thời gian đầu rất ít người thực sự hiểu thế nào là festival âm nhạc.

Nhạc sĩ Quốc Trung cho biết cách duy nhất để thuyết phục nhà đầu tư, cơ quan quản lý là làm nội dung tốt nhất có thể và đưa ra những cam kết về chất lượng, sự an toàn của sự kiện, trách nhiệm phục vụ cộng đồng.

Nỗ lực này đã thuyết phục được UBND TP Hà Nội cho phép Monsoon tổ chức tại địa điểm Hoàng thành Thăng Long trong 4 năm tới. Tuy nhiên, Monsoon vẫn cần rất nhiều nguồn lực hỗ trợ để đi đường dài.

Hà Nội làm gì để xứng danh thành phố sáng tạo? - Ảnh 2.

Nghệ sĩ tham gia Monsoon năm 2017

Cần chiến lược kết nối nguồn lực sáng tạo

Năm 2016, Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, mọi thứ vẫn ở mức khởi đầu. Những chuyên gia có mặt trong cuộc tọa đàm đã chia sẻ kinh nghiệm trong việc phát triển công nghiệp văn hóa, thúc đẩy các nguồn lực sáng tạo trong xã hội.

"Tôi đã đến London (Anh), tôi thấy thành phố chính là người đứng ra cung cấp mặt bằng, rồi mời các nghệ sĩ đến thực hiện dự án. Cơ quan chức năng không ôm việc, mà họ giữ vai trò hỗ trợ chính sách, khuyến khích tài trợ giáo dục mang tính tiên phong để nuôi dưỡng tài năng sáng tạo, thúc đẩy nghệ sĩ làm ra sản phẩm tinh hoa" - bà Uyên Ly nói.

Bà Conny Jorgensen - đại diện của lễ hội âm nhạc nổi tiếng tại Đan Mạch SPOT - cho biết đơn vị tổ chức chỉ có 10 người, nhưng có đến 500 tình nguyện viên mỗi năm để tổ chức lễ hội. Lễ hội âm nhạc 25 tuổi đời này được vận hành nhờ nguồn thuế của các địa phương hỗ trợ.

"Sự kiện văn hóa này đã trở thành một phần của cơ sở hạ tầng của chúng tôi. Nó hoạt động hiệu quả bởi các khối công, tư phối hợp rất chặt chẽ. Mục tiêu của SPOT là hỗ trợ, phát triển các nghệ sĩ trẻ, tài năng. Chúng tôi coi đó là mục tiêu quan trọng của quốc gia" - bà Conny Jorgensen cho biết.

Hà Nội được công nhận thành phố sáng tạo ở lĩnh vực thiết kế. Theo UNESCO, các thành phố sáng tạo thuộc mạng lưới này (hiện có tổng số 246 thành viên) phải cam kết đặt văn hóa vào trung tâm của các chiến lược phát triển, chứ văn hóa không phải là một thứ "phụ kiện".

Ở châu Á, các thành phố được công nhận thành phố sáng tạo lần này ở lĩnh vực thiết kế còn có: Asahikawa của Nhật Bản, Bangkok của Thái Lan, Cebu của Philippines. Các thành phố sáng tạo ở lĩnh vực văn học có Wonju (Hàn Quốc) và Nam Ninh (Trung Quốc); điện ảnh có Mumbai (Ấn Độ); âm nhạc có Ambon của Indonesia; thủ công mỹ nghệ có Jinju (Hàn Quốc), Sukhothai (Thái Lan); ẩm thực có Dương Châu (Trung Quốc) và Hyderabad (Ấn Độ).

THIÊN ĐIỂU

Hà Nội vừa được UNESCO công nhận là thành phố sáng tạo của thế giới Hà Nội vừa được UNESCO công nhận là thành phố sáng tạo của thế giới

TTO - Hà Nội vừa được UNESCO công nhận là thành phố sáng tạo của thế giới, thông tin này đã được phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho biết sáng 31-10.

NGỌC DIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên