Không được thay đổi nguyện vọng sau khi hết thời hạn đăng ký
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, ngày 15-5, Hà Nội sẽ công bố số lượng học sinh dự tuyển vào lớp 10 các trường công lập. Trước đó, ngày 19-4, học sinh sẽ nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển vào lớp 10.
Căn cứ vào số lượng dự tuyển và chỉ tiêu vào lớp 10 của từng trường công lập, phụ huynh và học sinh có thể hình dung được mức độ cạnh tranh qua tỉ lệ "chọi" vào lớp 10.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Hà Nội không cho phép học sinh được đổi nguyện vọng sau khi công bố số lượng dự tuyển.
Vì thế khi xác định nguyện vọng làm hồ sơ dự tuyển vào lớp 10 công lập tại Hà Nội, học sinh và các bậc phụ huynh cần tham khảo thông tin về tỉ lệ "chọi" và điểm chuẩn các năm trước của từng nhóm trường để có lựa chọn hợp lý.
Hiện Hà Nội có khoảng 133.000 học sinh lớp 9 sẽ xét tốt nghiệp THCS. Trong số này, dự kiến có trên 81.000 học sinh sẽ tuyển vào lớp 10 các trường THPT công lập, đạt khoảng 61%. Số còn lại sẽ học các trường tư thục, công lập tự chủ, trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc các trường nghề của Hà Nội.
Hà Nội có 117 trường THPT công lập không chuyên, 2 trường THPT chuyên, 9 trường THPT công lập tự chủ, 4 trường THPT hiệp quản và 97 trường THPT tư thục.
Để không trượt tất cả các nguyện vọng
Theo quy định của Hà Nội, mỗi học sinh có 3 nguyện vọng vào lớp 10 công lập không chuyên. Trong đó nguyện vọng 1 và 2 phải cùng khu vực tuyển sinh mà thí sinh đăng ký trên cơ sở nơi có hộ khẩu thường trú hoặc nơi cư trú. Nguyện vọng thứ 3 có thể đăng ký vào khu vực bất kỳ trong 12 khu vực tuyển sinh của Hà Nội.
Nhưng theo thực tế của các năm trước, nhiều học sinh trượt luôn cả 3 nguyện vọng vào công lập do cách đăng ký không hợp lý.
Quy định của Hà Nội là điểm tuyển theo nguyện vọng 2 phải cao hơn điểm chuẩn vào trường ít nhất 1,0 điểm. Điểm tuyển nguyện vọng 3 phải cao hơn điểm chuẩn vào trường ít nhất 2,0 điểm.
Vì thế, nếu học sinh lựa chọn các trường trong cùng nhóm (căn cứ vào điểm chuẩn hằng năm) thì sẽ trượt hết các nguyện vọng. Cách lựa chọn an toàn và hiệu quả hơn, theo kinh nghiệm của các hiệu trưởng THPT ở Hà Nội thì nếu học sinh chọn nguyện vọng 1 vào trường thuộc tốp đầu thì nguyện vọng 2 phải chọn vào các trường có mức điểm chuẩn hằng năm thấp hơn trường tốp đầu ít nhất 2-3 điểm.
Tương tự, chọn nguyện vọng 3 nằm trong tốp có điểm chuẩn thấp hơn trường có nguyện vọng 2 khoảng 2-3 điểm.
Trong khoảng 2 năm gần đây, khi Hà Nội tăng số lượng nguyện vọng vào lớp 10 công lập, số học sinh vào học theo nguyện vọng 3 không nhiều.
Lý do, những trường còn chỉ tiêu cho nguyện vọng 3, chủ yếu ở khu vực ngoại thành và có chất lượng giáo dục thấp. Đây còn được gọi là các trường "tràn tuyến". Nhiều học sinh đủ điểm tuyển nguyện vọng 3 nhưng đã không học, mà lựa chọn học trường tư.
Vì thế, việc tính toán để chọn nguyện vọng 1 và 2 rất quan trọng. Dữ liệu để phụ huynh và học sinh căn cứ lựa chọn nguyện vọng là điểm chuẩn vào trường một số năm gần đây, tỉ lệ "chọi" dựa trên số lượng học sinh đăng ký vào trường, những thông tin có thể tác động dẫn đến thay đổi đột biến về điểm chuẩn (trường được đầu tư xây mới, thay đổi cơ chế hoạt động…).
Ngoài các nguyện vọng vào lớp 10 công lập không chuyên, học sinh được đăng ký độc lập các nguyện vọng vào lớp chuyên. Và một học sinh có thể đăng ký tối đa 4 nguyện vọng vào lớp chuyên, của 2 trong số 4 trường chuyên của Hà Nội.
Từ thực tế áp lực về chỗ học lớp 10 công lập ở Hà Nội, năm nay, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã đề xuất tăng số lớp/trường. Theo đó, sẽ điều chỉnh quy định từ 45 lớp/trường thành 50 lớp/trường.
Đồng thời đề xuất tăng 10% số học sinh/lớp (từ 45 học sinh/lớp lên 50 học sinh/lớp). Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng đề xuất cho phép áp dụng thay diện tích đất/học sinh bằng diện tích sử dụng/học sinh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận