Trường THCS & THPT Lương Thế Vinh - “điểm nóng” về tuyển sinh lớp 10 năm 2018 tại Hà Nội - Ảnh: N.TRẦN
Trước đó, thấy điểm thi của con dưới mức điểm chuẩn năm ngoái, nhiều phụ huynh sốt ruột không chờ sở công bố đã nộp hồ sơ cho con vào trường ngoài công lập.
Không ngờ điểm chuẩn của các trường năm nay giảm từ 2-4 điểm so với năm trước và... tiếp tục giảm.
Trường tốp đầu cũng giảm
35 trường THPT có điểm chuẩn bổ sung được Sở GD-ĐT Hà Nội công bố vào ngày 4-7. Trong số này đáng ngạc nhiên là có sự xuất hiện của những trường tốp đầu, thậm chí những trường từng có điểm chuẩn đứng số 1 của nhiều năm trước.
Trường THPT Yên Hòa từng có năm điểm chuẩn 53-53,5 điểm, năm nay Yên Hòa có điểm chuẩn đợt 1 là 50 điểm, nhưng đến hôm qua thì còn 49 điểm. Trường THPT Thăng Long có những năm điểm chuẩn 53-54 điểm, chưa từng dưới 50 điểm trong khoảng 15 năm qua nhưng đợt 1 năm nay chỉ 49,5 điểm, rồi hạ xuống 49 điểm.
Trường Nhân Chính, trường có tỉ lệ chọi cao nhất năm nay, từ 50 điểm đợt 1 xuống còn 49,5 điểm. Nhiều trường đứng đầu tốp hai cũng giảm từ 0,5 đến 1 điểm. Trường THPT Tây Hồ giảm từ 46 điểm của đợt 1 còn 45 điểm đợt 2, Trường THPT Đoàn Kết - Hai Bà Trưng giảm từ 45,5 còn 45 điểm, Trường THPT Quang Trung - Đống Đa giảm từ 47,5 còn 47 điểm...
Chỉ tính trong khoảng 15 năm trở lại đây, từ khi Hà Nội áp dụng phương thức thi kết hợp xét tuyển (lấy kết quả thi và điểm rèn luyện ở THCS), có những trường chưa mùa nào có điểm chuẩn dưới 52 điểm như trường Chu Văn An, Kim Liên, Phan Đình Phùng, Thăng Long... Số trường thường xuyên có mức điểm chuẩn trên 50 điểm chiếm khoảng 12-15 trường.
Khoảng 5-7 năm gần đây, một số trường công lập ở tốp 2 vươn lên tốp đầu như trường Yên Hòa, Nhân Chính, Nguyễn Trãi, Phạm Hồng Thái... Đây là những trường cũng có mức điểm trên 50.
Nếu mức dao động về điểm chuẩn các năm chỉ trong khoảng 0,5-1 điểm thì năm nay thay đổi ngoài sự tưởng tượng khi có trường sụt đến 3 điểm.
Biến động này là nguyên nhân sâu xa dẫn tới việc phụ huynh nộp đơn vào các trường ngoài công lập ngay trước thời điểm công bố điểm chuẩn trường công lập và kéo theo đó là hành xử thiếu nhân văn, lộ rõ sự lợi dụng tâm lý phụ huynh để tuyển sinh của một số trường ngoài công lập.
Đồ họa: VĨ CƯỜNG
Trường phớt lờ chỉ đạo của Sở GD-ĐT
Trong 4 ngày liên tiếp, nhiều phụ huynh Hà Nội rơi vào cảnh chật vật khi muốn rút hồ sơ đã nộp vào trường ngoài công lập để nộp sang trường công lập. Việc "rút hồ sơ" năm nào cũng có nhưng chưa năm nào trở thành vấn đề nóng như năm nay.
Rất nhiều phụ huynh trên các diễn đàn đang nóng lên chia sẻ "kinh nghiệm" làm thế nào để rút hồ sơ thuận lợi và làm thế nào để được bồi hoàn học phí. Trong 4 ngày liên tiếp kể từ 30-6, nhiều trường ngoài công lập vừa áp dụng các chiêu tuyển sinh bất thường vừa tìm cách ngăn chặn việc phụ huynh rút hồ sơ.
Trước thực tế này, Sở GD-ĐT Hà Nội đã ra các văn bản đề nghị các trường ngoài công lập phải tạo điều kiện cho phụ huynh rút hồ sơ và hoàn trả các khoản phí đã nộp. Riêng với Trường THCS & THPT Lương Thế Vinh gây nhiều bức xúc nhất cho phụ huynh khi công bố tuyển sinh vào thời điểm mù mờ với mức phí 6 triệu đồng/học sinh. Nhưng phụ huynh xin rút hồ sơ tìm đỏ mắt không thấy người của ban tuyển sinh.
Ông Chử Xuân Dũng, giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết lãnh đạo sở đã trực tiếp làm việc với trường này, bày tỏ quan điểm gay gắt, yêu cầu trường phải tạo điều kiện cho phụ huynh rút hồ sơ và bồi hoàn toàn bộ số tiền phụ huynh đã nộp. Ngay sau đó sở có văn bản riêng cho trường này yêu cầu nội dung tương tự.
Trường Lương Thế Vinh sẽ trả lại một phần trong khoản phụ huynh đã nộp nếu có nguyện vọng rút hồ sơ. Bà Văn Thùy Dương, hiệu phó Trường Lương Thế Vinh, khẳng định việc thu phí và không trả lại khi rút hồ sơ không sai quy định. Sau khi làm việc với sở, trường này sẽ cân nhắc chỉ trả lại một số khoản khoảng 2 triệu đồng chứ không trả toàn bộ số tiền đã thu của phụ huynh.
Vì sao bất thường?
1. Trên 104.000 học sinh tốt nghiệp THCS tại Hà Nội, tăng trên 22.000 so với năm trước.
2. Gần 95.000 học sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 nhưng chỉ tiêu vào trường công lập chỉ có 62%.
3. Điểm thi sụt giảm mạnh. Giảm nhiều nhất ở môn văn khi phần lớn học sinh chỉ đạt điểm 5-7, giảm từ 1-3 điểm so với năm trước.
4. Theo các giáo viên THCS tham gia chấm thi thì đề thi không khó nhưng cách hỏi quá cụ thể, đáp án chấm cứng nhắc khiến nhiều học sinh bị rớt điểm.
5. Kỳ thi diễn ra vào ngày 7-6 thì 23-6 mới công bố điểm thi, nhưng không công bố phổ điểm. Thí sinh chỉ biết điểm của mình và không có cơ sở so sánh với mặt bằng điểm chung. Vì thế rất nhiều phụ huynh, học sinh hoang mang, lo lắng.
6. Các trường ngoài công lập tranh thủ tâm lý lo lắng của phụ huynh, thông báo tuyển sinh theo cách bất thường: công bố nhiều mức điểm chuẩn trong một ngày, cộng điểm cho thí sinh nộp hồ sơ sớm và thu tiền ghi danh, thu các khoản phí cao...
7. Ngày 29-6 Sở GD-ĐT mới công bố điểm chuẩn, với mức giảm từ 1-3 điểm so với năm trước.
8. Nhiều phụ huynh biết con đỗ trường công lập nên xin rút hồ sơ từ trường ngoài công lập nhưng bị từ chối, không hoàn trả các khoản phí đã thu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận