Sáng 1-7, Hội đồng nhân dân (HĐND) TP Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã khai mạc kỳ họp thứ 17 (kỳ họp thường lệ giữa năm 2024) để thực hiện các nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền.
Bà Nguyễn Thị Thanh - phó chủ tịch Quốc hội - dự phiên khai mạc.
Xem xét nhiều nội dung quan trọng
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết kỳ họp diễn ra trong bối cảnh kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Luật Thủ đô sửa đổi với tỉ lệ thống nhất rất cao (với tỉ lệ tán thành là 95,06%).
Theo ông Tuấn, tại kỳ họp này, HĐND TP sẽ xem xét, thông qua các báo cáo, nghị quyết chuyên đề, trong đó có nhiều nội dung rất quan trọng như Đề án tổng thể xây dựng hệ thống đường sắt đô thị; Đề án nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ...
Về hoạt động giám sát, ông Tuấn cho biết Thường trực HĐND TP dự kiến 2 nhóm vấn đề: chất vấn về việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương trách nhiệm trong thực thi công vụ tại các cơ quan nhà nước thuộc TP Hà Nội; chất vấn về công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn TP.
Sớm đưa Luật Thủ đô (sửa đổi) đi vào cuộc sống
Phát biểu tại phiên khai mạc, bà Nguyễn Thị Thanh - phó chủ tịch Quốc hội - đề nghị Hà Nội khẩn trương quán triệt, triển khai thi hành Luật Thủ đô sửa đổi và phối hợp với các cơ quan để hoàn thiện 2 quy hoạch quan trọng của thủ đô, trình Thủ tướng ban hành theo thẩm quyền.
Bà Thanh cho biết Luật Thủ đô sửa đổi với những cơ chế, chính sách đặc thù để Hà Nội phát triển đột phá, tạo động lực dẫn dắt cả vùng, cả nước, trong đó thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền TP Hà Nội.
Tuy nhiên, ngoài những thuận lợi, theo bà Thanh, bộ luật này cũng đặt ra trách nhiệm cao hơn đối với chính quyền Hà Nội trong việc thực hiện đồng bộ nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ và phát triển thủ đô.
Trong Luật Thủ đô (sửa đổi) có trên 50 quy định nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm của HĐND TP, vì vậy bà Thanh đề nghị Hà Nội nắm bắt tốt cơ hội này, hành động quyết liệt, phát huy mạnh mẽ vai trò và huy động sức mạnh tổng hợp để khai thác tối đa hiệu quả của các cơ chế đặc thù nhằm khẩn trương tháo gỡ vướng mắc để thúc đẩy, phát huy các lợi thế sẵn có.
"Chủ động nghiên cứu, rà soát, xây dựng kế hoạch để tổ chức triển khai, thực hiện, trong đó cần xác định rõ lộ trình, phân công rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan để Luật Thủ đô đi vào cuộc sống, đạt hiệu quả thiết thực ngay khi có hiệu lực" - bà Thanh nhấn mạnh.
Cần hơn 55 tỉ đô để đầu tư tổng thể các tuyến metro
Tại phiên họp, ông Nguyễn Phi Thường - giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội - thay mặt UBND TP Hà Nội trình bày tờ trình đề án tổng thể xây dựng hệ thống đường sắt đô thị tại Hà Nội để HĐND TP Hà Nội xem xét.
Ông Thường cho biết đường sắt đô thị là trục "xương sống" của hệ thống hạ tầng giao thông của TP. Vì vậy việc phát triển hệ thống metro là tất yếu cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững của Hà Nội.
Với mục tiêu phát triển hệ thống đường sắt đô thị đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu vận tải giao thông công cộng của TP, góp phần tái cơ cấu các phương thức vận tải của Hà Nội theo hướng bền vững, hài hòa, hợp lý. Phấn đấu tỉ lệ vận tải hành khách công cộng năm 2035 đạt 50-55%, sau năm 2035 đạt 65-70%" - ông Thường nói.
Để đạt được mục tiêu trên, ông Thường cho biết TP dự kiến sẽ đầu tư xây dựng metro trong 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1 từ 2024 - 2030, TP đặt mục tiêu hoàn thành thi công xây dựng 96,8km (gồm các tuyến số 2, số 3, số 5). Đồng thời, thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư 301,0km (gồm các tuyến số 1, 2A kéo dài đến Xuân Mai, 4, 6, 7, 8, tuyến kết nối các đô thị vệ tinh) với số vốn khoảng khoảng 14,6 tỉ USD.
Giai đoạn từ 2031 - 2035, Hà Nội sẽ đầu tư xây dựng 301,0km (gồm các tuyến số 1, 2A kéo dài đến Xuân Mai, 4, 6, 7, 8, tuyến kết nối các đô thị vệ tinh) với số vốn khoảng 22,5 tỉ USD.
Giai đoạn từ 2036 - 2045, Hà Nội sẽ xây dựng thêm 200,7km metro với số vốn khoảng 18,2 tỉ USD.
Như vậy, trong 3 giai đoạn đầu tư tổng thể các tuyến metro, Hà Nội sẽ cần số vốn lên tới hơn 55,4 tỉ USD .
Kỳ họp thứ 17 (kỳ họp thường lệ giữa năm 2024) HĐND TP Hà Nội diễn ra trong 4 ngày, từ 1-7 đến 4-7-2024 để xem xét 42 nội dung gồm 17 báo cáo và 25 nội dung nghị quyết thuộc thẩm quyền.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận