Chung cư cũ 51 Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa, Hà Nội - Ảnh: QUANG THẾ
Một trong những nội dung của kế hoạch là TP bố trí nguồn vốn ngân sách dự kiến khoảng 500 tỉ đồng trong giai đoạn 2021-2025 để thực hiện tổng kiểm tra, rà soát, kiểm định, đánh giá chất lượng toàn bộ chung cư cũ.
Ba hình thức lựa chọn nhà đầu tư
Cùng với đó là xây dựng và ban hành kế hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ giai đoạn 2021-2025 đối với chung cư cũ đã có kết quả kiểm định, triển khai thực hiện quy trình tổ chức lập quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500, dự án đầu tư.
Đối với việc lựa chọn nhà đầu tư, UBND TP Hà Nội quy định ba hình thức, gồm các chủ sở hữu thống nhất lựa chọn, đấu thầu lựa chọn và nhà nước thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách.
Ngoài ra, UBND TP Hà Nội sẽ sử dụng quỹ nhà tái định cư có sẵn, đầu tư xây dựng nhà tạm cư, nhà tái định cư (phục vụ tạm cư) mới bằng vốn ngân sách, nhà thương mại, sử dụng quỹ nhà xã hội kết hợp...
UBND TP Hà Nội cho biết mục đích của kế hoạch nhằm đề xuất được một số giải pháp kịp thời, giải quyết tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn TP, đảm bảo an toàn, tính mạng và tài sản, tái định cư, ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân thủ đô.
UBND TP Hà Nội cho biết thống kê tại thời điểm năm 2020, Hà Nội có khoảng 1.579 chung cư cũ, chủ yếu được xây dựng từ những năm 1960 đến năm 1994 (một số ít nhà xây dựng trước năm 1954), tập trung chủ yếu tại các quận nội thành và nội đô lịch sử.
Tầng bốn tại một chung cư nguy hiểm cấp độ D trên địa bàn quận Ba Đình, Hà Nội - Ảnh: QUANG THẾ
Người dân vẫn còn tâm tư
Ghi nhận tại một số khu chung cư cũ xuống cấp, nguy hiểm cấp độ D tại quận Ba Đình, Đống Đa…, cư dân bày tỏ chưa muốn di dời vì còn nhiều tâm tư.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan (chung cư Giảng Võ, quận Ba Đình) nói: "Trước đây chúng tôi ở mặt đường nhưng sau đó đường mở rộng nên nhường đất lên chung cư tái định cư. TP thông báo ra khỏi nhà thì tài sản ai sẽ trông nom, mong lần này tổng kiểm tra chất lượng nhà chung cư cũng như rà soát đảm bảo quyền lợi từng hộ thì cư dân mới an tâm".
Bà Lương Hạnh (chung cư Thành Công, quận Ba Đình) nói: "Người dân nhận được nhiều thông báo phải di dời khỏi chung cư nguy hiểm nhưng thông tin khi nào xây dựng để quay trở về nhà và căn hộ mới diện tích bao nhiêu thì chưa ai trả lời".
Ông Lê Tuấn Hùng (tập thể 51 Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa) cho biết: "Cư dân ở các khu chung cư nguy hiểm cấp độ D đều tâm tư là sau khi di dời đến ngày nào thì có nhà và diện tích căn hộ mới so với căn hộ cũ sẽ như thế nào. Thực tế có những gia đình chuyển đi vài năm đã quay lại vì nhà chưa được xây mới…".
Một số chung cư cũ nguy hiểm cấp độ D ở các quận Ba Đình, Đống Đa (Hà Nội):
Cầu thang bộ cũng đã được "chống nạng" - Ảnh: QUANG THẾ
Vết nứt chạy dọc cầu thang chung cư cũ Thành Công
Nhiều hộ dân đã chuyển đi nơi khác
Nhưng cũng có nhiều gia đình chưa đi vì tâm tư
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận