05/02/2020 13:11 GMT+7

Hà Nội đóng cửa di tích, danh thắng vì virus corona: Doanh nghiệp kêu trời

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Cần cân nhắc kỹ việc đóng cửa hết các di tích danh thắng xem có đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng không.

Hà Nội đóng cửa di tích, danh thắng vì virus corona: Doanh nghiệp kêu trời - Ảnh 1.

Ban quản lý Phủ Tây Hồ thông báo tạm đóng cửa, dừng đón du khách - Ảnh: Hà Vương

Đây là phản ứng chung của các doanh nghiệp du lịch sau lệnh đóng cửa tất cả di tích - danh thắng ở Hà Nội từ hôm qua, 4-2.

Đóng cửa di tích bằng đóng cửa du lịch

Đúng 15h ngày 4-2, tất cả di tích, danh thắng trên địa bàn Hà Nội đồng loạt đóng cửa theo yêu cầu của Sở Văn hóa - thể thao Hà Nội trong văn bản hỏa tốc ban hành cùng ngày. Văn bản của Hà Nội được đưa ra sau chỉ đạo của Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch trong công điện ngày 3-2.

Tại công điện này, bộ yêu cầu "tạm dừng mọi hoạt động tại các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh (trừ trường hợp thực hiện nhiệm vụ theo phân công) để tránh tập trung đông người".

Ông Nguyễn Hồng Phong - phó chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm - cho biết quận đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của văn bản này, cho đóng cửa toàn bộ các di tích, danh thắng trên địa bàn quận.

"Vẫn biết việc này sẽ ảnh hưởng tới ngành du lịch nhưng chúng tôi phải chấp hành mệnh lệnh từ trên. Chống dịch corona vẫn phải là ưu tiên hàng đầu", ông Phong trả lời khi được hỏi về tác động của việc đóng cửa các di tích danh thắng này tới các doanh nghiệp du lịch.

Từ góc độ doanh nghiệp làm du lịch, ông Nguyễn Tiến Đạt - tổng giám đốc Công ty Du lịch AZA, Hà Nội - kêu trời với lệnh đóng cửa các di tích, danh thắng tại Hà Nội.

"Mấy hôm nay các doanh nghiệp khi dẫn khách đều thực hiện nghiêm việc yêu cầu khách đeo khẩu trang và thường xuyên rửa tay, nhưng với việc đột ngột đóng cửa các di tích, danh thắng ở Hà Nội thì coi như đóng cửa hoạt động du lịch.

Nhiều du khách nước ngoài đã đến Hà Nội, nhưng đóng cửa hết các di tích danh thắng thì chả lẽ bắt khách ở phòng khách sạn", ông Nguyễn Tiến Đạt bức xúc nói.

Ông Đạt cho biết do ảnh hưởng của dịch virus corona, những ngày qua các doanh nghiệp du lịch đã bị thiệt hại nhiều, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế.

"Việt Nam vẫn đang kiểm soát tốt dịch bệnh, số ca nhiễm bệnh còn rất ít và chưa có người nào chết vì dịch bệnh. Vì vậy không nên cực đoan đến mức đóng cửa hết di tích khiến doanh nghiệp chết đứng, du khách bị ảnh hưởng và uy tín du lịch Việt Nam bị ảnh hưởng khá nhiều. Người ta sẽ nghĩ Việt Nam vẫn không theo cơ chế thị trường mà điều hành bằng mệnh lệnh hành chính áp đặt", ông Đạt nói.

Theo ông Đạt, nếu Thủ tướng ban bố tình trạng khẩn cấp thì mới phải đóng cửa như vậy, còn với tình hình hiện nay, muốn đóng cửa các di tích, điểm du lịch như vậy thì cũng phải thực hiện có lộ trình.

Hà Nội đóng cửa di tích, danh thắng vì virus corona: Doanh nghiệp kêu trời - Ảnh 2.

Phủ Tây Hồ đóng cửa khiến người dân rải rác làm lễ ngoài sân - Ảnh: HÀ VƯƠNG

Du lịch Hà Nội thiệt hại lớn vì virus corona

Theo số liệu thống kê của Sở Du lịch Hà Nội, tháng 1-2020, khách du lịch đến thành phố đạt 2.383.446 lượt khách, giảm nhẹ 3,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách du lịch quốc tế giảm gần 9%, khách nội địa giảm nhẹ 2%.

Riêng 9 ngày Tết từ (29 tháng Chạp đến hết mùng 7 tháng Giêng), khách du lịch quốc tế có lưu trú đến Hà Nội đạt 86.844 lượt khách, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng khách du lịch Trung Quốc giảm 47% với 13.975 lượt khách.

Về tình hình kinh doanh khách sạn, tổng hợp báo cáo từ các cơ sở lưu trú trên địa bàn Hà Nội, trong tháng 1-2020, công suất sử dụng phòng trung bình của khối khách sạn ước đạt khoảng 54,4%, giảm 15,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải cho biết tính đến ngày 3-2, số lượng hủy phòng tại các cơ sở lưu trú là hơn 13.000 phòng, hoạt động lữ hành giảm khi du lịch trong nước (inbound) có hơn 7.600 khách hủy, du lịch quốc tế (outbound) có hơn 7.100 khách hủy; hoạt động của các đơn vị vận chuyển giảm 30-50%; số lượng khách tới các điểm đến giảm 30-50%.

Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có hơn 1.300 doanh nghiệp lữ hành, hơn 3.000 cơ sở lưu trú.

Trả lời Tuổi Trẻ Online ngày 5-2, đại diện phòng truyền thông của Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch cho biết trong ngày hôm nay bộ sẽ ra tiếp công điện với nội dung yêu cầu các địa phương tùy tình hình thực tế dịch bệnh tại địa phương để quyết định có tạm dừng các hoạt động tại các di tích, danh thắng hay không, chứ không phải là tất cả các di tích, danh thắng phải tạm dừng hoạt động.

Hà Nội dừng hoạt động phố đi bộ lẫn lễ hội chưa khai mạc Hà Nội dừng hoạt động phố đi bộ lẫn lễ hội chưa khai mạc

TTO - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đồng ý với đề xuất của UBND quận Hoàn Kiếm, dừng tổ chức phố đi bộ để phòng virus corona, đồng thời chỉ đạo dừng lễ hội chưa khai mạc.


THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên