Do không khí ô nhiễm, nhiều người dân tại Hà Nội khi ra đường phải đeo khẩu trang - Ảnh: Nguyễn Khánh
Thiết bị quan trắc không khí những ngày gần đây ở Hà Nội cho thấy chất lượng không khí thủ đô đang được xếp vào nhóm rất ô nhiễm.
Bụi tàn phá sức khỏe
Theo thông tin từ Cục Quản lý môi trường y tế, ngoài PM 2.5, trong không khí đang còn nhiều chất độc hại khác như PM 10, SO2, NOx..., trong đó PM 2.5 nhỏ bằng 1/30 sợi tóc, có thể thẩm thấu, di chuyển trong nhu mô và mao mạch phổi, ảnh hưởng sức khỏe tùy theo thành phần của bụi mà dẫn tới ung thư, nhiễm độc hay hen.
Còn SO2 có khả năng hòa tan trong nước nên dễ phản ứng với niêm mạc đường hô hấp. Ở nồng độ thấp, chất này có khả năng gây sưng niêm mạc, kích thích niêm mạc gây ho, ở nồng độ cao thì gây ho, khó thở.
NOx gây rát niêm mạc, mũi, viêm phế quản, viêm phổi, gây thiếu máu do giảm khả năng vận chuyển oxy hồng cầu, thậm chí làm nặng thêm bệnh tim có sẵn.
Nguồn gây ô nhiễm chính hiện nay là các nhà máy nhiệt điện than, khí thải từ phương tiện giao thông, từ đốt chất thải, các phụ phẩm nông nghiệp, từ đun nấu trong nhà, từ công nghiệp và xây dựng.
Trong đó, các nhà máy nhiệt điện than và công nghiệp ở phía đông trong vòng bán kính khoảng 200km đang ảnh hưởng mạnh đến chất lượng không khí của Hà Nội.
Mắc viêm phế quản nhiều
Cũng theo Cục Quản lý môi trường y tế, trong số 10 bệnh có số mắc cao nhất/100.000 dân tại VN có ba bệnh liên quan đến đường hô hấp gồm viêm phổi (đứng thứ 2), viêm họng, VA cấp (đứng thứ 3) và viêm phế quản, viêm tiểu phế quản cấp (đứng thứ 6).
Trong số các bệnh có tỉ lệ tử vong cao nhất/100.000 dân thì viêm phổi đứng thứ 2 và các bệnh khác của hệ hô hấp đứng thứ 8.
Về tác hại của sức khỏe người dân ở những khu vực có nhiều bụi, Cục Quản lý môi trường y tế cũng dẫn thông tin từ Bộ Tài nguyên - môi trường cho biết tại Hà Nội, tỉ lệ mắc viêm phế quản tại khu công nghiệp ở khu vực Thanh Xuân (nhiều bụi bặm) cao gấp 2,9 lần so với vùng đối chứng ở huyện Gia Lâm (ngoại thành Hà Nội).
Tại Hải Phòng, các triệu chứng và bệnh tật liên quan tới đường hô hấp ở nơi bị ô nhiễm không khí cao hơn từ1,9-7,6 lần so với các khu vực thông thường.
Đeo khẩu trang có ngăn được bụi?
Ông Nguyễn Anh Trí - đại biểu Quốc hội, nguyên viện trưởng Viện Huyết học và truyền máu T.Ư - gần đây có kiến nghị với chủ tịch UBND thành phố Hà Nội làm sao giảm bụi, giảm ảnh hưởng sức khỏe người dân.
Tuy nhiên, một chuyên gia cho rằng do Hà Nội đang xây dựng nhiều, việc quản lý hệ thống xe chở vật liệu không nghiêm và lượng ôtô, xe máy khổng lồ lưu thông mỗi ngày cũng làm bụi gia tăng nhanh không kiểm soát được.
Theo khảo sát của các cán bộ Cục Quản lý môi trường y tế và những đồng nghiệp, khá nhiều người dân hiện đang đeo khẩu trang khi tham gia giao thông, ngồi chơi ngoài công viên, đi học, đi làm, thậm chí đeo cả khi trời mưa.
"Nhưng nếu đeo khẩu trang loại chuyên dụng thì tác dụng ngăn bụi mịn PM 2.5 tốt hơn, còn các khẩu trang thông thường chỉ có thể ngăn được loại bụi thô có kích thước lớn hơn. Nếu sử dụng khẩu trang vải thông thường thì nên giặt thường xuyên" - nhóm chuyên gia này hướng dẫn.
Hiện ở Hà Nội khắp nơi đang là công trình xây dựng với nhiều bụi cát, bụi ximăng, bụi vôi vữa và bụi đất, việc người dân Hà Nội phải hít lượng bụi lớn mỗi ngày đang ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe.
"Trong ngõ tôi đang sống có ba ngôi nhà lớn đang xây, bụi quá nhiều và lúc nào cũng lơ lửng trước mặt, đặc biệt là mỗi khi có phương tiện cơ giới chạy qua, thậm chí chúng tôi còn ngửi thấy mùi bụi nồng nặc trong không khí" - chị Hoàng Hoa, người dân ở Cầu Giấy, chia sẻ.
Nhiều ý kiến người dân cho rằng các cấp chính quyền cần quan tâm hơn đến việc xử lý môi trường, giảm bụi, bảo vệ sức khỏe người dân.
Báo cáo của Green ID và Liên minh Phòng chống các bệnh không lây nhiễm gần đây cho thấy chất lượng không khí ở Hà Nội và TP.HCM đã ở mức đáng báo động.
Trong đó nồng độ PM 2.5 - loại bụi mịn độc hại với sức khỏe - tại Hà Nội là 50,5 mcg/m3, gấp đôi so với ngưỡng khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận