Tuổi Trẻ Online đã liên hệ với Sở Giao thông vận tải Hà Nội để tìm hiểu thêm thông tin xung quanh việc triển khai đề án.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết hiện UBND TP đã chấp thuận thí điểm chuyển đổi 5 tuyến buýt chạy dầu sang buýt điện. Trong đó, có 1 tuyến xe buýt điện nhỏ (tuyến 05), 4 tuyến sử dụng xe buýt điện cỡ trung bình (tuyến 39, 43, 47, 59).
"Theo phương án đề xuất, dự kiến 5 tuyến buýt điện này sẽ đưa vào vận hành chậm nhất trong tháng 1-2025" - đại diện Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết.
Giá xe buýt điện cao hơn nhiều xe buýt chạy dầu diesel
Với mục tiêu từ nay đến năm 2035 Hà Nội sẽ thay thế 100% xe buýt chạy dầu sang xe buýt điện, sở này cho biết việc triển khai, thực hiện có rất nhiều khó khăn thách thức.
Cụ thể, về nguồn cung xe buýt điện, theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, hiện Vinfast là đơn vị duy nhất trong nước sản xuất và lắp ráp xe buýt điện.
Ngoài ra, nguồn cung cấp xe buýt điện trên thế giới hiện tại chủ yếu đến từ các công ty sản xuất lớn của Trung Quốc như BYD, FOTON, YUTON... (chiếm trên 90% sản lượng toàn cầu).
"Do vậy, cần thời gian để các đơn vị thử nghiệm, lựa chọn chủng loại xe phù hợp cả về đặc tính kỹ thuật, độ bền và hiệu quả kinh tế" - Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết.
Ngoài ra, giá cả xe buýt điện đang cao hơn nhiều lần so với xe buýt chạy dầu diesel cũng là trở ngại lớn cho các doanh nghiệp vận tải khi quyết định tham gia các gói thầu.
"Giá xe buýt điện cao hơn gấp 4 lần so với xe buýt dầu cỡ trung bình và gấp 3,2 lần so với xe buýt dầu cỡ lớn. Đây sẽ là áp lực lớn về chi phí lãi vay cho các doanh nghiệp vận tải" - sở này cho biết.
Ngoài ra, một số vấn đề khác liên quan đến quy hoạch nguồn năng lượng cho trạm sạc, kết hợp quy hoạch các trạm sạc...
Chưa có hệ thống quy chuẩn kỹ thuật chung để có thể kêu gọi các nguồn lực xã hội tham gia đầu tư cũng là những vướng mắc cản trở quá trình chuyển đổi xe buýt dầu sang xe buýt điện tại thủ đô.
Trước thực tế trên, Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết đơn vị đã nhận diện, chủ động đề xuất và phối hợp với các bộ ngành của trung ương và Hà Nội để giải quyết, tháo gỡ.
Nhiều lợi ích khi chuyển đổi sang xe buýt điện
Theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, khi chuyển đổi sang buýt điện, người dân sẽ được cung cấp dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng năng lượng xanh hiện đại, thông minh, dễ tiếp cận. Từ đó sẽ làm giảm ùn tắc giao thông, tạo điều kiện người dân tham gia giao thông thuận lợi.
Đồng thời cải thiện môi trường sống, môi trường sinh hoạt của người dân thủ đô.
"Chúng tôi tính toán, nếu sử dụng buýt điện trên toàn TP, khí CO2 phát thải ra môi trường sẽ giảm được khoảng 170.480 tấn CO2/năm so với việc sử dụng xe buýt diesel như hiện nay" - sở này thông tin.
Đồng thời nâng cao năng lực, trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn thuộc TP trong công tác quản lý.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một lãnh đạo Tổng công ty Vận tải Hà Nội cho biết việc chuyển đổi xe buýt chạy dầu sang xe buýt điện đang được đơn vị thực hiện theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội.
"Chúng tôi đang có những bước để triển khai, TP yêu cầu như thế nào thì chúng tôi sẽ làm, thí điểm theo đúng chỉ đạo" - vị này nói.
Cần làm gì để đảm bảo tính khả thi?
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, GS.TS Hồ Sỹ Sùa - giảng viên cao cấp Trường đại học Giao thông vận tải, chuyên gia giao thông - cho rằng mục tiêu chuyển đổi sang xe buýt điện của Hà Nội là phù hợp, theo xu thế chung của thế giới.
"Việt Nam cũng đã thỏa thuận với thế giới đến năm 2050 sẽ thực hiện Net Zero (phát thải ròng bằng 0), trong đó vấn đề kiểm soát khí thải phương tiện đóng vai trò rất lớn. Tuy nhiên sẽ có những khó khăn vì chúng ta không thể làm một lúc được, phải thay thế dần dần.
Ví dụ xe buýt chạy bằng diesel giá khoảng 2 tỉ thôi, nhưng sang xe buýt điện thì phải 6 tỉ, vì vậy vốn đầu tư rất lớn. Ngoài ra vấn đề đầu tư hạ tầng các trạm sạc điện cũng tốn nhiều chi phí, sạc điện cũng sẽ mất thời gian hơn" - GS Sùa nói.
Trước thực tế trên, ông Sùa cho rằng Hà Nội cần phải có phương án tổng thể, đồng bộ về mặt tài chính, đầu tư và tính khả thi của đề án.
"Giữa mong muốn và tính khả thi cũng cần tính tới. Về mục tiêu thì rất rõ ràng nhưng để thực hiện được thì cần lộ trình, cần những tính toán cân đối để tính khả thi cao hơn" - GS Hồ Sỹ Sùa nói thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận