21/04/2019 09:14 GMT+7

Hà Nội chi nghìn tỉ cải tạo hè phố: Nỗi lo 'đào lên, lấp xuống'

B.NGỌC - V.TUẤN
B.NGỌC - V.TUẤN

TTO - Sau khi kế hoạch cải tạo, lát mới vỉa hè hàng trăm tuyến đường tại Hà Nội bắt đầu triển khai, với chi phí dự kiến hàng nghìn tỉ đồng, nhiều chuyên gia bày tỏ nghi ngại về hiệu quả "chiến dịch" này.

Hà Nội chi nghìn tỉ cải tạo hè phố: Nỗi lo đào lên, lấp xuống - Ảnh 1.

Chiều 20-4, đoạn đường Trần Đăng Ninh (Cầu Giấy, Hà Nội), việc cải tạo vỉa hè đã hoàn thiện 80% - Ảnh: MAI THƯƠNG

Theo các chuyên gia, thay vì cải tạo đồng loạt, cần đánh giá tuyến nào thực sự cần cải tạo và phân loại chức năng hè phố từng khu vực để đưa ra thiết kế mẫu phù hợp. 

Trong thực tế, nhiều chiến dịch lát mới vỉa hè những năm qua đều không đem lại hiệu quả như mong muốn, trong đó kế hoạch chi 1.800 tỉ đồng để cải tạo vỉa hè trong giai đoạn 2013-2017 là một ví dụ.

Hè vừa lát xong, thợ nước tới đào lên

Sống trên con phố Trích Sài (quận Tây Hồ) đang được cải tạo và lát mới vỉa hè theo kế hoạch đã được TP Hà Nội thông qua, ông Thành - một người dân làng Võng Thị - cho biết ông ủng hộ chủ trương cải tạo vỉa hè ven hồ Tây theo hướng thay thế loại gạch block cũ bằng gạch bêtông giả đá.

Theo ông Thành, nhiều đoạn vỉa hè vừa lát xong trở thành nơi vui chơi cho trẻ em, người đi bộ, đi tập thể dục sớm cũng thấy thoải mái, không phải chăm chăm nhìn xuống đất vì sợ vấp như trước nữa.

Loại gạch bêtông giả đá được sử dụng lát trên phố Trích Sài có bản rộng 40cm, dày 5cm và nặng tới 14kg mỗi viên. Loại vật liệu mới này được làm từ ximăng, tro nhiệt điện, cát mịn, phụ gia... có màu và đặc tính kỹ thuật gần giống đá tự nhiên.

Tuy nhiên, không ít người dân cũng bày tỏ bức xúc khi có những tuyến phố vừa lát xong đã hư hỏng, phải lên kế hoạch chỉnh trang, sửa chữa, lát mới. Chẳng hạn, các tuyến đường Nguyễn Trãi, Nguyễn Chí Thanh và Trần Duy Hưng, nhiều đoạn hè phố đá lát vỡ toác, đứt gãy, nham nhở dù vừa được lát mới bằng đá tự nhiên cách nay 2 năm.

Ông Phan Thế Kiên (phường Văn Quán, quận Hà Đông) cho biết những chỗ bị hư hỏng trên hè đường Nguyễn Trãi hiện nay chủ yếu do ôtô, xe máy "trèo" lên hoặc đơn vị thi công hạ tầng viễn thông, điện nước đào vỉa hè lên để đặt cáp, đường điện, ống nước nhưng khi hoàn trả mặt bằng vỉa hè không cẩn thận.

Theo bà Nguyễn Thanh Mai - một người dân sống trên phố Hòe Nhai, việc thiếu đồng bộ khi cải tạo, xây dựng hè phố là nguyên nhân khiến nhiều tuyến vỉa hè vừa cải tạo xong đã hư hỏng. Do đó, ngoài việc tính đến độ bền hè phố, cần đồng bộ trong thi công cải tạo để tránh tình trạng vừa làm xong đã hỏng, rất lãng phí.

"Có khi vỉa hè vừa lát xong, anh thợ điện đến đào lên, lấp lại. Anh thợ điện vừa đi, anh thợ nước tới đào lên tiếp để sửa ống nước. Việc đào lên, lấp lại vỉa hè làm rất qua loa và cứ thế sau vài tháng lát mới, vỉa hè đã hư hỏng, xuống cấp" - bà Mai nói.

Chỉ nên cải tạo hè phố đã xuống cấp

Trao đổi với Tuổi Trẻ, kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư VN, cho rằng chỉnh trang, lát mới vỉa hè cần làm, nhưng những tuyến phố vỉa hè còn tốt không cần lát lại. Chỉ nên lát lại khi hè phố thực sự xuống cấp, gập ghềnh, không bảo đảm an toàn cho người dân đi lại.

"Để chủ trương cải tạo vỉa hè mang lại hiệu quả, TP Hà Nội cần khảo sát, xem lại tuyến nào thực sự cần phải chỉnh trang, lát mới, trường hợp không cần thiết thì thôi để tránh lãng phí" - ông Tùng nhấn mạnh.

Cũng theo vị này, lát mới hè phố không chỉ để làm đẹp, mà mục đích lớn nhất nhằm tạo sự thông thoáng, ngăn nắp, an toàn cho người đi bộ và bảo đảm tính bền vững. Thông thường, lát vỉa hè sử dụng gạch ximăng để vỉa hè có thể thấm nước, không trơn trượt.

Vì thế, không nên dùng đá tự nhiên lát vỉa hè, vì đây là loại vật liệu không thân thiện với môi trường, phải phá núi lấy đá lát vỉa hè đi ngược xu hướng kiến trúc xanh, đô thị xanh.

Một kiến trúc sư khác cũng cho rằng đừng quan niệm vỉa hè là vật trang trí, dẫn đến tư duy lát vỉa hè bằng loại đá này, đá kia. Về nguyên tắc, hè phố phải thấm được nước, có độ thẩm thấu khi mưa nên Hàn Quốc lát vỉa hè bằng 3-4 loại gạch làm từ ximăng cát, chứ không dùng đá vì nó không thấm được nước.

Để kế hoạch chỉnh trang, cải tạo hè phố tại Hà Nội thực sự mang lại hiệu quả lâu bền, một chuyên gia về quy hoạch đô thị cho rằng cần giám sát chặt hơn nữa việc thi công cải tạo, lát mới hè phố. Chính quyền các phường phải vào cuộc để quản lý hè phố trên địa bàn chứ không thể cứ lát mới xong lại đào lên, hoặc biến hè phố thành bãi đỗ xe tự phát.

Theo vị chuyên gia này, cần có thanh tra, kiểm tra và giám sát việc cải tạo, lát mới vỉa hè. Từ đó ràng buộc trách nhiệm đơn vị thi công phải bảo hành, duy tu, sửa chữa khi để xảy ra hư hỏng hè phố trong thời gian bảo hành. Hiện nay, việc lát mới vỉa hè không đặt vấn đề phải bảo hành trong bao lâu nên dễ dẫn tới việc làm ẩu, làm không tốt. Đặc biệt, đừng biến các dự án lát vỉa hè trở thành những dự án giải ngân, tiêu tiền ngân sách không hiệu quả.

Nhiều hè phố đang sử dụng tốt phải "đào lên làm lại"

Theo kế hoạch chỉnh trang hè phố đã được TP Hà Nội phê duyệt, sẽ có các loại vật liệu chính được sử dụng để lát mới, chỉnh trang vỉa hè là đá tự nhiên, gạch terrazzo, gạch bêtông vân đá và gạch block.

Đá tự nhiên sẽ được sử dụng để lát mới, sửa chữa vỉa hè tại các quận Ba Đình, Đống Đa, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai và Hà Đông. Gạch terrazzo hoặc gạch bêtông vân đá dùng để lát vỉa hè hàng loạt tuyến phố tại các quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Long Biên, Nam Từ Liêm, thị xã Sơn Tây. Gạch block được sử dụng để lát một số tuyến phố thuộc khu vực bên ngoài trung tâm.

Sở Xây dựng được giao xác nhận hồ sơ mẫu thiết kế vỉa hè gửi Sở GTVT, UBND các quận, huyện, thị xã để thực hiện sửa chữa, lát mới vỉa hè. Sở GTVT có nhiệm vụ kiểm soát vật liệu lát vỉa hè, kết cấu hè đường. Sở Quy hoạch - kiến trúc nghiên cứu cụ thể chủng loại, màu sắc vật liệu lát vỉa hè, bảo đảm mỹ quan đô thị.

Dự kiến, "chiến dịch" thay mới, sửa chữa vỉa hè hơn 100 tuyến phố lần này sẽ tiêu tốn ngân sách hàng nghìn tỉ đồng. Điều đáng nói là có rất nhiều tuyến phố được lên kế hoạch chỉnh trang có hè phố đang sử dụng tốt như phố Hoàng Diệu, Nguyễn Thái Học, Kim Mã, Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Chí Thanh, Quang Trung...

Phải phù hợp công năng, hạn chế "bêtông hóa"

cải tạo vỉa hè

Chọn loại gạch có độ dày mỏng phù hợp với công năng đường để tránh hư hỏng - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Năm 2017, TP Đà Nẵng đã đầu tư hơn 240 tỉ đồng cải tạo 31 tuyến đường chào đón Tuần lễ cấp cao APEC. Các dự án này được triển khai đồng loạt và hoàn thành trước thời điểm diễn ra Tuần lễ cấp cao APEC đầu tháng 11-2017. Tuy nhiên, sau khi đưa vào sử dụng vài tháng đã xuất hiện hư hỏng gạch lát và bó vỉa.

Theo các cơ quan chức năng, nguyên nhân là do thời gian thi công gấp rút, gạch lát đường (có thể chịu được trọng lượng 300kg của người đi bộ) có khả năng chịu cong không tốt như loại gạch con sâu.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một kiến trúc sư cho rằng đây là bài học để các địa phương cân nhắc khi lựa chọn loại gạch vỉa hè cho phù hợp với điều kiện kinh tế và công năng tuyến đường. Theo vị này, vỉa hè là dùng cho người đi bộ nhưng hiện trạng ở nước ta vỉa hè còn là nơi để đậu xe bởi quy hoạch giao thông tĩnh rất thiếu nơi đậu đỗ.

"Nếu một số tuyến đường quy hoạch các nhà kho, xe tải thường đậu đỗ để "ăn hàng", phải lựa chọn loại vật liệu có độ dày, khả năng chịu nén và cong tốt để tránh gãy, vỡ. Một số tuyến đường trung tâm chuyên cho du khách tản bộ ngắm cảnh không nên chọn gạch lát đường là đá mài nhẵn vì trời mưa sẽ khiến nhiều người trượt ngã" - vị này nói, đồng thời cho rằng cần cân nhắc đến yếu tố thoát nước khi tiến hành chọn gạch và thi công, bởi việc cho phép nước thấm tự nhiên còn tạo nên sự cân bằng trong nền móng, tránh hiện tượng đất xốp gây sụt lún hoặc bị xâm thực ở khu vực gần bờ biển.

TRƯỜNG TRUNG

Chưa ý thức bảo vệ vỉa hè

Thông tin từ Ban An toàn giao thông TP.HCM cho biết ngân sách đã đầu tư hàng trăm tỉ đồng lát gạch vỉa hè để làm đẹp TP, chưa kể các phường, quận cũng huy động người dân đóng góp tiền để làm vỉa hè. Dù vậy, khi xảy ra các sự cố hư hỏng, vỡ vụn vỉa hè, các địa phương còn chậm sửa chữa do UBND phường thường không đủ kinh phí để sửa chữa.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến vỉa hè bị hư hỏng là do vào những ngày trời mưa hoặc giờ cao điểm kẹt xe, đa số người đi xe máy đều chạy xe lên vỉa hè khiến vỉa hè vỡ nát, xuống cấp. Đặc biệt, các đơn vị thi công lắp đặt cáp ngầm cho các công trình liên quan chưa làm tốt việc tái lập mặt đường. Sau khi hoàn thành công trình, phần lớn các đơn vị này chỉ san lấp mặt bằng một cách qua loa, đại khái khiến không ít vỉa hè bị biến dạng. Người dân nhiều lần phản ảnh việc này lên chính quyền địa phương nhưng chưa thấy giải quyết, khắc phục.

THU DUNG

* Ông Tống Văn Nga (phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN):

Vật liệu phải bảo đảm độ nén và độ dày

Ông Tống Văn Nga

Ông Tống Văn Nga (phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN)

Sử dụng đá tự nhiên, gạch bêtông hay gạch block để lát hè phố không quan trọng, vật liệu nào làm vỉa hè cũng bền nếu việc cải tạo vỉa hè tuân thủ đúng các tiêu chuẩn kỹ thuật. Vật liệu lát vỉa hè phải đảm bảo cường độ nén, độ uốn và độ dày vật liệu lát. Nhiều tuyến phố Hà Nội thời gian qua lát đá tự nhiên nhưng độ dày viên đá lát quá mỏng, khi xe cơ giới lấn lên hè là bị vỡ vụn.

Trong thực tế, khó có thể cấm người dân sử dụng xe máy, ôtô leo lên hè phố khi tắc đường, vấn đề của cơ quan quản lý TP khi lát mới vỉa hè phải tính toán để đá, gạch lát vỉa hè chịu được lực nén trong trường hợp xe cơ giới lấn hè để đi. Việc cải tạo vỉa hè ngoài vật liệu lát hè thì cốt nền hè trước khi lát phải bảo đảm độ phẳng, chắc, để giữ cho bề mặt hè ổn định.

Để bảo đảm hiệu quả, chỉ nên lát mới hè phố đối với những tuyến đường đã hoàn thiện đồng bộ hạ ngầm cáp thông tin, đường điện, chiếu sáng và hệ thống đường ống nước nhằm tránh tình trạng nay lát hè mai lại đào bới lên. Nên tập trung cải tạo đồng bộ một số tuyến, những tuyến chưa hoàn thiện hạ tầng không nên làm vội.

* KTS Đào Ngọc Nghiêm (phó chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị VN):

Không thể có giải pháp mẫu cho tất cả các vỉa hè

KTS Đào Ngọc Nghiêm

KTS Đào Ngọc Nghiêm (phó chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị VN)

Bài học kinh nghiệm trong đợt thí điểm cải tạo vỉa hè một số tuyến phố Hà Nội thời gian qua được rút ra là phải phân loại các tuyến đường, tuyến phố để có giải pháp thích hợp trước khi tiến hành cải tạo, lát mới vỉa hè. Có những tuyến phố Hà Nội chỉ vài chục mét, nhưng có những tuyến đường, tuyến phố dài nhiều kilômet, chưa kể các tuyến đường, tuyến phố chịu áp lực giao thông khác nhau.

Ngoài ra, trên mỗi vỉa hè có những khu vực chức năng khác nhau, có khu vực vỉa hè là không gian phục vụ đi bộ đơn thuần, nhưng có những khu vực vỉa hè là lối vào của các công trình công cộng, phải chịu được tải trọng của ôtô ra vào, dễ rạn nứt, vỡ nát, hư hỏng. Hơn nữa, muốn giải quyết bài toán vỉa hè không chỉ chú trọng tới độ bền mặt đá, mà còn phải giải quyết lớp kết cấu vật liệu bên dưới lớp đá lát đó cho phù hợp. Nền của lớp đá, gạch lát vỉa hè sẽ quyết định độ bền của vỉa hè.

TP chỉ nên đưa ra thiết kế mẫu cho vỉa hè, giao cho chính quyền các quận, huyện, thị xã căn cứ thực trạng vỉa hè từng tuyến phố để đưa ra giải pháp cải tạo, chỉnh trang thích hợp. Không thể có giải pháp mẫu đồng loạt cho tất cả các tuyến phố được.

* Ông Nguyễn Mạnh Hùng (trưởng phòng hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng Hà Nội):

Địa phương phải chịu trách nhiệm về chất lượng hè phố

Ông Nguyễn Mạnh Hùng

Ông Nguyễn Mạnh Hùng (trưởng phòng hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng Hà Nội)

Kế hoạch cải tạo vỉa hè trên địa bàn thời gian qua được 13 quận, huyện, thị xã đề xuất danh mục lên, TP duyệt và thông qua kế hoạch cải tạo. Nguồn vốn cải tạo các tuyến hè phố cũng được huy động từ ngân sách của các quận, huyện và giao cho các quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện kế hoạch cải tạo, lát mới vỉa hè, chịu trách nhiệm hoàn toàn về kế hoạch đề xuất và kết quả thực hiện.

Mẫu thiết kế vỉa hè mới quy định chung các tiêu chuẩn mới về kết cấu vỉa hè, chủng loại vật liệu được phép sử dụng khi cải tạo lát lại vỉa hè. TP cũng ban hành các mẫu thiết kế vỉa hè để các quận, huyện, thị xã dựa vào các tiêu chuẩn kỹ thuật đó để lập dự án cải tạo từng tuyến vỉa hè theo kế hoạch đã được TP phê duyệt.

Hà Nội dựng rào chắn trên vỉa hè, dân đi ngược chiều dưới lòng đường

TTO - Lực lượng chức năng đã dựng rào chắn dọc đoạn ngã tư Tố Hữu - Đại Mỗ (Nam Từ Liêm, Hà Nội) để hạn chế tình trạng người dân đi xe ngược chiều trên vỉa hè, tuy nhiên, nhiều xe vẫn lách qua thanh chắn, đi ngược chiều dưới lòng đường.

B.NGỌC - V.TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên