Nếu như những ngày trước đó, ùn tắc thường bắt gặp ở các tuyến đường nội đô thì nay tình trạng này đã lan ra các hướng liên tỉnh. Các điểm nóng nhất về giao thông tập trung tại đường vành đai 3 - cầu Thanh Trì; trục đường vành đai 2 - cầu Vĩnh Tuy - Cổ Linh; đường Hồ Tùng Mậu, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ...
Tại các chợ đầu mối lớn, chợ hoa Tết như Long Biên, Đồng Xuân, Quảng An... nhu cầu vận chuyển hàng hóa lớn nhưng đường nhỏ, nhiều xe chở cồng kềnh cũng gây ùn tắc cục bộ. Bên cạnh đó, nhu cầu mua sắm của người dân gia tăng cũng khiến các con đường chuyên kinh doanh đồ thời trang, mỹ phẩm như Cầu Giấy, Chùa Bộc, Phạm Ngọc Thạch... thường xuyên đông nghẹt đến tận khuya.
Mạnh Linh (sinh viên) kết thúc hành trình về quê ăn Tết lúc 23h ngày 3-2. Linh cho biết quãng đường từ Hà Nội về huyện Chi Lăng (tỉnh Lạng Sơn) gần 120km, thông thường đi mất hai giờ. Tuy nhiên vào hôm qua, ô tô của gia đình đã mất hơn bốn tiếng cho hành trình trên.
Tính toán về quê ăn Tết sớm, chọn khung giờ không phải cao điểm nhưng chàng trai 21 tuổi đã phải bất lực chờ khoảng một tiếng rưỡi trên trục đường vành đai 2 và cầu Vĩnh Tuy do dòng xe cộ ken cứng.
Đại tá Nguyễn Quang Nhật, trưởng Phòng hướng dẫn tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông (Cục Cảnh sát Giao thông), nhận định lưu lượng giao thông tại các TP lớn, đường cao tốc, quốc lộ từ nay tới Tết Giáp Thìn tiếp tục căng thẳng nhưng mức độ sẽ giảm dần.
Nguyên nhân là một số người lao động tự do, sinh viên đã bắt đầu di chuyển về quê trong dịp cuối tuần. Đây cũng là thời điểm các trường đại học bắt đầu lịch nghỉ.
Dự báo đợt cao điểm tiếp theo sẽ xảy ra từ chiều 7 cho tới hết ngày 8-2 (tức 28 và 29 Tết), bởi theo quy định, người lao động sẽ kết thúc ngày làm việc cuối cùng vào chiều 7-2. Khi đó, nhiều người sẽ lập tức lên đường về nhà.
Do vậy, Cục Cảnh sát giao thông đã bố trí sáu tổ công tác trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra việc tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trên tuyến quốc lộ 1. Các tổ công tác thực hiện nhiệm vụ xuyên Tết, đảm bảo công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng đã lên phương án phân luồng, các tuyến tránh ra vào cửa ngõ Hà Nội và TP.HCM để khi xảy ra sự cố hoặc lưu lượng tăng cao, cảnh sát giao thông sẽ có sự hướng dẫn và phân luồng tài xế chuyển hướng từ xa.
Trong thời gian này, cảnh sát giao thông cả nước luôn ứng trực 100% quân số, sẵn sàng huy động tối đa lực lượng, phương tiện để triển khai các phương án phân luồng, bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng điểm và các tuyến cửa ngõ, xuyên tâm nhất là tại Hà Nội và TP.HCM, không để xảy ra ùn tắc kéo dài.
Đại tá Nguyễn Quang Nhật đồng thời đưa ra khuyến cáo người dân đi lại trong dịp Tết cần chủ động lựa chọn lộ trình, thời gian phù hợp. Khi gặp sự cố hoặc tình trạng ùn tắc, tài xế cần tuân thủ Luật Giao thông và sự hướng dẫn của lực lượng chức năng.
Đồng thời, người dân cũng được khuyến cáo kiểm tra kỹ tình trạng kỹ thuật của phương tiện trước khi vào đường cao tốc, vành đai, đường trên cao. Nguyên nhân được lý giải là để đảm bảo an toàn, đồng thời các phương tiện gặp sự cố trên các tuyến này sẽ gây ùn tắc rất dài.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận