Công nhân đào gốc, di chuyển hàng phong lá đỏ lên xe để di chuyển về vườn ươm - Ảnh: N.NHUNG
Khoảng 23h đêm 19-6, hàng chục công nhân cây xanh cùng với xe cẩu bắt đầu đào gốc hàng phong lá đỏ tại tuyến đường Nguyễn Chí Thanh.
Sau khi đào gốc, các công nhân buộc dây thừng và cẩu từng cây phong lá đỏ xếp lên thùng xe chuyên dụng, di chuyển về vườn ươm tại Yên Sở, quận Hoàng Mai.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Đức Mạnh - phó tổng giám đốc Công ty Công viên cây xanh Hà Nội - cho biết đơn vị này đã phối hợp với đơn vị tài trợ trong thời gian tới sẽ bứng toàn bộ hàng cây phong lá đỏ trên tuyến đường Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng về vườn ươm để chăm sóc.
Công nhân tháo các thanh sắt chống đỡ, bảo vệ cây để bứng hạ phong lá đỏ - Ảnh: N.NHUNG
"Trong đêm qua, chúng tôi đã di chuyển được 30 cây về vườn ươm. Từ 3 đến 4 ngày tới, đơn vị sẽ đánh chuyển toàn bộ số cây còn lại trên tuyến đường kể trên. Việc di chuyển này để tránh thời tiết nắng nóng gay gắt của Hà Nội, tránh tình trạng cây bị chết do nắng gắt", ông Mạnh nói.
Theo ông Mạnh, trước đó, trong đêm 18-6, đơn vị cũng đã bứng và di chuyển được 30 cây phong lá đỏ về vườn ươm.
Ông Mạnh cho biết đơn vị đang nghiên cứu báo cáo Sở Xây dựng, UBND TP Hà Nội về chủng loại cây trồng thay thế để phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại thủ đô.
"Về việc trồng cây gì thay thế, chúng tôi đang nghiên cứu rất kỹ lưỡng, ngoài ra cũng xin ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học để họ cho ý kiến, góp ý cho việc chọn cây", ông Mạnh nói.
Theo ông Mạnh, thời gian trồng cây thay thế cho hàng cây phong dự kiến diễn ra vào tháng 8-9 tới, khi thời tiết Hà Nội mát mẻ hơn.
Theo thống kê, hơn 260 cây phong trồng trên đường của Hà Nội do một công ty tặng và được trồng thử nghiệm từ năm 2018. Trong đó, đường Nguyễn Chí Thanh trồng 119 cây, đường Trần Duy Hưng trồng 143 cây.
Sở Xây dựng Hà Nội cho biết cây phong trồng thử nghiệm trên dải phân cách tuyến Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng sinh trưởng, phát triển kém. Sau hơn 2 năm trồng thử nghiệm cho thấy cây chưa thích nghi với điều kiện khí hậu của Hà Nội nên buộc phải thay thế.
Ngoài những cây sinh trưởng kém, có 45 cây phong lá đỏ tại đây đã chết, làm ảnh hưởng đến cảnh quan của tuyến phố. Những cây còn sống thì sinh trưởng, phát triển kém, lá bị héo, nhánh bị khô và hay bị sâu bệnh.
Trước khi bị bứng hạ, hàng cây phong trên tuyến đường Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh trơ trụi lá, sinh trưởng kém - Ảnh: PHẠM TUẤN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận