Đây là một trong những điểm nhấn đặc sắc trong Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 diễn ra từ ngày 17 đến 26-11.
Nhà máy xe lửa Gia Lâm - một di sản công nghiệp được xây dựng từ thời Pháp thuộc - được thiết kế lại, biến thành một tổ hợp sáng tạo, nơi sẽ diễn ra hơn 60 hoạt động sáng tạo khác nhau với các không gian triển lãm kiến trúc, hội họa, nhiếp ảnh, di sản đặc sắc.
Có thể kể đến triển lãm Thủy phủ của họa sĩ Trịnh Minh Tiến, triển lãm Tiếng gọi của họa sĩ Thu Trần, triển lãm Chuyển động ngoại biên của nhóm nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế trong dự án Tháng thực hành nghệ thuật - MAP 2023 của Heritage Space, triển lãm Như ta đã từng của nhiếp ảnh gia Phan Đan và Nguyễn Minh Hoàng, triển lãm Quá áp của Vy Trinh.
Đặc biệt, người Hà Nội sẽ lần đầu được chiêm ngưỡng đầu máy đầu tiên của đường sắt Việt Nam cùng những câu chuyện thú vị xung quanh nó.
Chương trình nghệ thuật Dòng chảy khai mạc Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 diễn ra lúc 20h ngày 17-11 cũng sẽ được tổ chức tại sân xưởng chính của Nhà máy xe lửa Gia Lâm.
Tháp nước Hàng Đậu từ lâu chỉ còn là "di sản chết", đóng cửa với người dân, thì trong thời gian diễn ra Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 sẽ được mở cửa cho công chúng tham quan.
Không gian bên trong tháp nước sẽ được kiến trúc sư Cao Thế Anh, họa sĩ Nguyễn Đức Phương tận dụng làm triển lãm sắp đặt âm thanh và ánh sáng từ vật liệu tái chế, gợi liên tưởng tới âm thanh và hình ảnh của nước trong tự nhiên.
Ngoài ra, người dân còn được tham gia các hoạt động cộng đồng tại khu vực bãi giữa sông Hồng, các cuộc thi thiết kế cộng đồng, sân chơi cộng đồng cho trẻ em từ vật liệu tái chế, các chuỗi tọa đàm về sáng tạo cùng chuyên gia từ các trường đại học trong nước và quốc tế, Hội đồng Anh, các nghệ sĩ cùng các không gian sáng tạo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận