Học sinh Trường THPT Yên Hòa học trực tuyến tại nhà - Ảnh: VĨNH HÀ
Theo lãnh đạo một số trường phổ thông ở Hà Nội, việc cùng 1 ngày 31-1 Hà Nội có 2 văn bản khác nhau khiến các trường bối rối. Một số trường cho biết phải gấp rút chuẩn bị trong ngày nghỉ.
Đợt tập dượt quan trọng
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Xuân Tiến - phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội - cho biết sở đã có chỉ đạo cụ thể về việc chuẩn bị triển khai dạy học trực tuyến từ ngày 1-2. Việc chuyển sang dạy học trực tuyến khi có tình huống dịch bệnh phức tạp nằm trong nội dung chỉ đạo của Bộ GD-DT từ đầu năm học và các nhà trường đều phải chuẩn bị phương án dạy học cùng các điều kiện thực hiện.
Theo ông Tiến, các trường, giáo viên và học sinh có 1 tuần trước tết triển khai dạy học trực tuyến để ổn định. Sau dịp nghỉ tết, nếu dịch bệnh còn phức tạp sẽ có thể bắt nhịp ngay vào việc dạy học, không phải nghỉ học kéo dài như thời điểm sau Tết Canh Tý.
Để việc dạy học trực tuyến đảm bảo hiệu quả, nghiêm túc, Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu hiệu trưởng các trường phải nhanh chóng xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp với phương thức dạy học trực tuyến theo thời khóa biểu chung. Nhà trường phải có biện pháp quản lý chặt chẽ thời gian, kế hoạch dạy học của từng giáo viên trong giai đoạn tổ chức dạy học trực tuyến, có biện pháp kiểm soát nội dung, chất lượng dạy và học trực tuyến.
Sở cho phép các nhà trường chủ động trong việc lựa chọn công cụ dạy học qua Internet phù hợp với nhu cầu, điều kiện thực tế của trường, chọn lựa nguồn học liệu tin cậy, chuẩn xác để tổ chức dạy học và hướng dẫn học sinh thực hiện nhiệm vụ học tập. Bên cạnh việc tổ chức dạy học trực tuyến, sở cũng yêu cầu các nhà trường phân công giáo viên giao nhiệm vụ cho học sinh (nghiên cứu tài liệu, bài học, làm bài tập, bài kiểm tra...) và hướng dẫn học sinh thực hiện.
Triển khai ngay trong ngày nghỉ
"Trường tôi phải thay đổi kế hoạch mấy lần, triệu tập giáo viên trong ngày chủ nhật để triển khai công việc" - một hiệu trưởng cho biết. Theo vị này, việc dạy học trực tuyến vất vả gấp nhiều lần vì phải soạn giáo án phù hợp với cách dạy này, phải lựa chọn những phương pháp dạy học tăng cường tương tác với học sinh, trong một số tình huống phải chia nhóm học sinh thảo luận. Giáo viên phải có các kỹ năng về công nghệ thông tin cần thiết để chia nhóm học sinh thảo luận và có thể "có mặt" ở các nhóm khác nhau để giám sát, hỗ trợ.
"Vì thế dù có chuẩn bị trước nhưng không phải nói chuyển là chuyển ngay. Nhất là khi tết đã cận kề" - vị hiệu trưởng nhấn mạnh.
Cô Nguyễn Thị Nhiếp, hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội), cho biết: "Dự kiến ngày 3-2 học sinh Yên Hòa mới bắt đầu học. Chúng tôi sẽ phải làm việc cả ngày chủ nhật để thống nhất với các tổ bộ môn điều chỉnh kế hoạch dạy học. Trong 2 ngày đầu tuần, giáo viên phải thiết kế lại bài dạy, chuẩn bị các điều kiện cần thiết".
Theo cô Nhiếp, học sinh Trường THPT Yên Hòa sẽ học theo đúng thời khóa biểu. Nhưng mỗi tiết học sẽ chỉ có 40 phút, giữa 2 tiết học sinh nghỉ giải lao 15 phút.
"Trước tết sẽ chỉ có 1 tuần học nên giáo viên sẽ chủ động chọn nội dung dạy học. Nhưng sau tết, nếu dịch bệnh phức tạp phải triển khai dạy học trực tuyến kéo dài, chúng tôi sẽ phải tính toán nội dung dạy học theo hướng tích hợp vào các chủ đề dạy học, tăng cường việc cho học sinh nghiên cứu bài học, tài liệu, thực hiện các nhiệm vụ học tập ngoài giờ học. Trong các giờ học sẽ tập trung dạy, giải đáp thắc mắc trong nội dung kiến thức trọng tâm để có thể hoàn thành chương trình đúng quy định" - cô Nhiếp nói.
Còn cô Ngô Thị Thành, phó hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội), cho hay trường dự kiến cho học sinh học trực tuyến ngay từ ngày 1-2 theo thời khóa biểu. "Chúng tôi đã xây dựng nội dung dạy học trực tuyến của các môn học. Vẫn thực hiện theo thời khóa biểu nhưng sẽ có điều chỉnh về nội dung, phương pháp dạy học" - cô Thành khẳng định.
Cũng theo cô Thành, nhà trường đã phổ biến cho các tổ bộ môn chuẩn bị học liệu, xây dựng giáo án phù hợp. Ban giám hiệu cũng bố trí người hỗ trợ và giám sát giáo viên triển khai việc dạy học và phối hợp chặt chẽ với cha mẹ học sinh, có biện pháp kiểm tra việc học tập của học sinh bằng chính ứng dụng công nghệ thông tin.
Nói về dạy học trực tuyến, ông Nguyễn Xuân Thành - vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT - nhận định: "Dạy học trực tuyến không nên hiểu là hoạt động dạy học gói gọn trong thời gian giáo viên và học sinh ngồi dạy và học bằng ứng dụng công nghệ thông tin, giống như cách triển khai tiết dạy trực tiếp. Giáo viên cần chuẩn bị kỹ học liệu, lựa chọn các phương pháp dạy học khác nhau tùy theo bài học, môn học để đảm bảo hiệu quả, tránh nhàm chán, có thể kiểm soát được khả năng tiếp thu của học sinh".
Theo ông Thành, việc giao nhiệm vụ để học sinh tự nghiên cứu bài học, tư liệu tham khảo trước khi vào tiết dạy trực tuyến là rất cần thiết. Vì thời gian học trực tuyến không thể kéo dài như trực tiếp, trong thời gian đó giáo viên phải giải đáp kiến thức, hướng dẫn học sinh các hoạt động học. Nếu thực hiện đúng như thế thì thời gian online của thầy, trò có thể chỉ 30-35 phút, nhưng thời gian thực sự học sinh và giáo viên phải làm việc với một đơn vị kiến thức thì nhiều hơn thế.
Người muốn nghỉ, người muốn học
Nhiều phụ huynh cho rằng nên cho học sinh nghỉ tết luôn, đồng thời để phòng dịch, không nên chuyển học trực tuyến vào thời điểm này.
"Giáp tết, bố mẹ bận rộn không thể ở nhà cùng con được. Tâm lý trẻ con cũng khó tập trung để học tập. Trong khi so với lịch nghỉ tết đã thông báo thì học sinh cũng chỉ được nghỉ sớm hơn khoảng 1 tuần, không nên yêu cầu học sinh học trực tuyến" - một phụ huynh chia sẻ trên nhóm phụ huynh lớp 7 của một trường tại quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Chia sẻ này được khá nhiều phụ huynh khác đồng tình. Nhưng cũng có những ý kiến cho rằng việc dạy học trực tuyến không còn xa lạ khi thầy, trò cả nước từng trải qua 1 năm học ứng phó với Covid-19 rồi. Trẻ con ở nhà học sẽ tốt hơn là chơi game hay lang thang ra đường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận