Cha của hạ nghị sĩ Dean Phillips tham gia chiến tranh Việt Nam và mất khi Dean mới được 6 tháng tuổi. Ông nói chuyến đi nửa vòng trái đất này tìm ký ức về cha và cũng muốn tái hiện vùng đất bằng video nơi cha đi qua cho mẹ đang ở nhà.
Từ cuốn băng ghi âm "gửi nụ hôn đến con trai"
Vừa bước ra khỏi cổng sân bay, Dean Philipps ôm chầm lấy ông Lê Công Tiến, phó vụ trưởng Vụ Châu Mỹ (Bộ Ngoại giao), để thể hiện sự biết ơn vì đã tạo điều kiện cho chuyến đi với tư cách cá nhân.
Ông Dean kể đã đến Việt Nam được một tuần, cùng những người bạn của mình đạp xe "phượt" một số tỉnh miền Bắc và cảm nhận sự thân thiện, hiếu khách của người dân. Ông dành thời gian còn lại để tìm ký ức về cha - đại úy hải quân lục chiến Hoa Kỳ Atur Pfefer mất ngày 25-7-1969 tại sườn núi Hàm Rồng.
Hạ nghị sĩ Dean kể, khi còn nhỏ ông thường được bà kể về cha mình qua những câu chuyện và thấy cha qua những tấm ảnh.
"Lúc đó, tôi đã biết rằng mình không thể gặp cha ngoài đời. Sứ mệnh của tôi là tìm hiểu về cha mình, về đất nước nơi ông ấy đã mất.
Tôi muốn biết về hành trình cũng như nhiệm vụ mà ông ấy phải thực hiện thời bấy giờ. Tôi muốn đến chính nơi cha tử nạn, cảm nhận, ngửi mùi đất và trải nghiệm những câu chuyện để không bao giờ tôi quên được", ông Dean nói khi đứng ở sườn núi Hàm Rồng, rất gần vị trí trực thăng cha ông gặp nạn.
Rưng rưng nước mắt, Dean kể tiếp, lúc cha mất ông mới 6 tháng tuổi, chưa từng gặp cha ngoài đời. Mới đây, khi lục tìm kỷ vật của mẹ, ông phát hiện một số cuốn băng ghi âm tại núi Hàm Rồng.
"Tôi vẫn nhớ mãi lần đầu tiên tôi nghe được giọng của cha qua băng ghi âm. Đó là khoảnh khắc tôi nhớ nhất trong đời mình. Trong băng ghi âm gửi về trước thời điểm ông mất, cha kể về trải nghiệm của mình ở Việt Nam. Cha cũng kể rằng ông đã nói chuyện, chụp hình với những người bạn tại Pleiku, Việt Nam”, ông Dean nhớ lại.
Hạ nghị sĩ khẳng định việc lục tìm được các băng ghi âm đã thôi thúc ông đến Việt Nam. “Việc nghe giọng nói của cha như một phép màu để tôi quyết định trở lại với những người bạn của mình hôm nay”, ông Dean xúc động.
Cảm ơn những người bạn Việt Nam
Với sự giúp đỡ của hai người bạn gốc Việt, các cơ quan tại Việt Nam và chính quyền tỉnh Gia Lai, đoàn của ông Dean đã được đưa đến chân núi Hàm Rồng, một địa danh nổi tiếng ở địa phương.
Khi vừa đến nơi, ông Dean may mắn gặp được ông Pyêk Rơchăm (61 tuổi, nhà ở gần chân núi Hàm Rồng) chỉ nơi máy bay của cha ông gặp nạn.
Ông Pyêk nói không trực tiếp thấy vụ nổ máy bay nào tháng 7-1969, chỉ nghe qua lời kể của anh mình. Tuy nhiên sau đó vài ngày, lúc đi chăn bò thì ông phát hiện xác máy bay nằm chênh vênh trên sườn núi.
Hướng theo tay chỉ của nhân chứng sống, ông Dean rơm rớm nước mắt, nắm lấy tay ông Pyêk nói cảm ơn rất nhiều. Đoàn tiếp tục đi bộ lên sườn núi, nơi ông Pyêk chỉ vị trí máy bay rơi.
Tại đây, Dean lấy hình của gia đình, của mẹ, anh trai, hình của ông cùng một huy hiệu rồi gói vào túi da chôn lại nơi đây. "Ảnh gia đình, huy hiệu mang ý nghĩa đoàn kết được gửi lại đây với cha. Tôi và gia đình sẽ luôn ở bên cha tại đây, từ thời điểm này", Dean nghẹn ngào giải thích.
Chứng kiến cảnh này, ngôi sao Hollywood, diễn viên Woody Harrelson nói ông rất xúc động khi chứng kiến hành trình của Dean. Woody nói ông quen hạ nghị sĩ 8 năm trước và khi biết về chuyến đi của Dean thì đồng ý đi cùng. "Tôi vô cùng xúc động khi cùng trải nghiệm hành trình tìm ký ức về cha với Dean", Woody chia sẻ.
Bốc một nắm đất ở lưng chừng núi, ông Dean nói sẽ đưa về cho mẹ mình. Rồi ông xúc động gửi lời cảm ơn tới những người bạn Mỹ, những người bạn mới ở Việt Nam, các nhà báo.
"Đây có lẽ là những khoảnh khắc ý nghĩa nhất trong đời tôi. Bạn biết rằng - cha tôi và những người đàn ông đã mất cùng với ông ấy năm 1969, cả những người lính Mỹ và lính Việt Nam khác - đều có gia đình, anh chị em, con trai hoặc con gái, cũng như tôi.
Chúng ta có rất nhiều cảm nhận chung, chịu đựng những tổn hại của chiến tranh. Chúng ta có thể phải phục vụ tổ quốc, yêu tổ quốc, nhưng không ai thích chiến tranh cả", ông Dean nói.
Ông kể, trong hành trình vừa qua, ông được chứng kiến vẻ đẹp của Việt Nam. "Tôi có thể nhìn thấy, cảm nhận được điều ông ấy đã trải qua và tôi hiểu cuộc chiến đó như thế nào. Tôi yêu hòa bình, Việt Nam và các bạn cũng như vậy. Hơn ai hết, các bạn hiểu mình tranh đấu cho hòa bình, tự do như thế nào từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Cũng như công việc hiện tại của tôi, là nhắc nhở cho người Mỹ về chiến tranh Việt Nam. Mọi người đều cần được sống trong sự tự do, độc lập. Điều này cũng là điều đầu tiên, quan trọng mà tôi sẽ nói với gia đình, bạn bè mình khi về Mỹ, rằng chúng ta phải tranh đấu vì sự tự do", ông Dean cảm nhận.
"Biết Việt Nam qua chiến tranh nhưng rất ấn tượng khi đến đây"
Trao đổi bên lề với Tuổi Trẻ Online, ngôi sao điện ảnh Woody Harrelson cho biết lần đầu đến Việt Nam vì được truyền cảm hứng từ câu chuyện của ông Dean.
Khi đến Việt Nam, tham gia chuyến "phượt" bằng xe đạp, ông đã rất vui vì sự thân thiện của người dân. Đi đâu, nhiều người nhận ra và luôn nở nụ cười, vẫy tay nói "xin chào" với ông.
"Như Dean có nói trước đó, người dân ở đất nước tôi đều biết đến Việt Nam qua cuộc chiến tranh đã xảy ra từ lâu. Nhưng khi đến đây, tôi cảm nhận đất nước các bạn là một đất nước xinh đẹp, ấm áp. Người dân nồng hậu, thân thiện và luôn nở nụ cười.
Trong chuyến đi vừa qua, chúng tôi đã chơi bóng chuyền và nhiều hoạt động khác nữa, nhất là dịp Quốc tế phụ nữ vừa qua. Đây là một trải nghiệm thực sự quan trọng đối với tôi. Tôi càng cảm thấy có sự kết nối với Việt Nam và mong chờ ngày quay trở lại đây", Woody nói.
Woody Harrelson (sinh năm 1961) được khán giả biết đến qua loạt phim như Natural born killers, Zombieland, The hunger games, Now you see me, True Detective...
Woody Harrelson là chủ nhân 1 giải Emmy, được 3 lần đề cử Oscar và hàng loạt giải thưởng khác. Ngoài điện ảnh, ông còn hoạt động tại sân khấu kịch Broadway với vai trò đạo diễn cũng như tham gia diễn xuất trong nhiều vở kịch.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận