![Hà Nam - hòn đảo lạ kỳ của nước Việt - Kỳ cuối: 'Tôi là người đảo Hà Nam!' - Ảnh 1.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/6/base64-17388596801291238094174.jpeg)
Lễ hội mùa xuân ở làng Trung Bản, đảo Hà Nam - Ảnh: FB Đền Trung Bản
Hòn đảo thờ đạo học
Trong số 17 người đầu tiên rời Thăng Long về khai phá vùng đất này - về sau dân đảo tôn vinh là tiên công - có năm vị là giám sinh (học trò Trường Quốc Tử Giám - trường đại học của triều đình) và ba vị là hiệu sinh (đã học xong Quốc Tử Giám, chờ bổ nhiệm làm quan). Thông tin này được ghi trong sắc phong của triều Nguyễn năm Khải Định thứ 9 (1925).
Là người đi khai hoang, quần quật với việc đắp đê, cày ruộng, đánh cá, nhưng các vị tiên công xuất thân Nho học, lại là người chốn kinh kỳ nên không quên việc học. Thậm chí, họ rất xem trọng việc học hành cho con cháu đời sau.
Cứ nhìn hệ thống dày đặc các đình - chùa - miếu - từ, cùng kho thư tịch của các làng với thần phả, hoành phi, câu đối, văn bia, sắc phong (của các triều đại), và thuần phong mỹ tục, lễ hội cùng nết ăn ở của người dân là hiểu ngay độ dày văn hóa đảo Hà Nam. Đó là thành quả từ việc tôn thờ đạo học của bao thế hệ người Hà Nam.
Nếu ở kinh đô Thăng Long có Văn Miếu để tôn vinh đạo học, thì đảo Hà Nam cũng lập văn từ để thờ Khổng Tử và những người học hành, đỗ đạt của làng. Hầu như làng nào ở Hà Nam cũng có văn từ (miếu thờ Khổng Tử ở cấp làng xã).
Đó là một trong những nét đặc biệt của đảo Hà Nam. Các nhà nghiên cứu cho biết người các làng ở đây nếu đỗ đạt thì được làng lập bia đá, khi mất được phối thờ ở văn từ.
Thư tịch làng Phong Cốc đã ghi lại các vị khoa bảng đỗ đạt cao của làng, trong đó có hai ông Bùi Huy Ngọc và Nguyễn Huy Khuê đỗ hương cống cuối đời hậu Lê (hương cống là người đỗ tứ trường trong kỳ thi hương). Ông Vũ Trọng Nghĩa đỗ cử nhân năm Mậu Ngọ 1858 vào thời Nguyễn...
Họ Lê ở làng Phong Cốc khai sinh bởi hai cụ giám sinh Lê Khép, Lê Mở, cũng ghi chép rất trân trọng tên tuổi con cháu học hành đỗ đạt qua các thời Lê, Mạc, Nguyễn; các đời hiện tại có 4 phó giáo sư tiến sĩ, 14 thạc sĩ, 256 cử nhân...
![Hà Nam - hòn đảo lạ kỳ của nước Việt - Kỳ cuối: 'Tôi là người đảo Hà Nam!' - Ảnh 2.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/6/base64-173885974033571010704.jpeg)
Nhà văn Dương Phượng Toại - người kể chuyện đảo Hà Nam - Ảnh tư liệu DPT
Cây bút vẽ trôi về Hà Nam
Những ngày lưu lại với Hà Nam chúng tôi còn bất ngờ khi nghe giới thiệu trên hòn đảo này còn có rất nhiều người giỏi vẽ tranh. Nhiều họa sĩ có tiếng ở Quảng Ninh đã sinh ra và lớn lên ở hòn đảo này.
Dân gian giải thích việc người đảo phát đường vẽ là bởi từ thuở xa xưa có hai cây bút vẽ trôi từ sông Hồng dạt vào hai bờ sông Chanh. Từ đó, dân vùng Hà Bắc (bắc sông Chanh) và đảo Hà Nam (nam sông Chanh) trở nên giỏi nghề vẽ.
Một thời gian dài, vẽ tranh vừa là thú chơi vừa là nghề (vẽ tranh trang trí) mưu sinh của dân đảo Hà Nam. Nhà văn Dương Phượng Toại cũng từng sống bằng nghề vẽ tranh trang trí.
![Hà Nam - hòn đảo lạ kỳ của nước Việt - Kỳ cuối: 'Tôi là người đảo Hà Nam!' - Ảnh 3. Hà Nam - hòn đảo lạ kỳ của nước Việt - Kỳ cuối: 'Tôi là người đảo Hà Nam!' - Ảnh 3.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/7/a1-17389153637391782451577.jpg)
Sổ vàng của họ Lê ở xã Phong Cốc - đảo Hà Nam ghi chép đầy đủ truyền thống học hành của con cháu - Ảnh tư liệu Lê đại tộc Hà Nam
Qua năm tháng, bây giờ dân vùng hai bờ sông Chanh đã tạo nên "Làng tranh Yên Hưng" nổi tiếng. Từ làng tranh quê nhà, nhiều người đã trở thành họa sĩ chuyên nghiệp, nổi tiếng của Quảng Ninh.
Lại có những họa sĩ tầm quốc gia xuất thân từ làng đảo Hà Nam này. Đó là những tên tuổi của mỹ thuật Việt Nam: Lê Vân Hải (người làng Quỳnh Biểu), Vũ Tư Khang (người làng Cẩm La), Lê Chuyền (người làng Phong Cốc), Lê Na (người làng Phong Cốc), Ngô Văn Túc...
Một lớp họa sĩ trẻ của đảo Hà Nam đang hứa hẹn tiếp nối truyền thống từ "chiếc bút vẽ" thuở xưa: Đào Thế Am, Vũ Văn Hưng, Vũ Thị Đậm...
Nhưng đảo Hà Nam không chỉ phát đường hội họa, mà còn phát cả đường văn. Ông Dương Phượng Toại là một cây bút văn đặc sắc của vùng đảo này. Về Hà Nam hỏi ông Toại nhà văn, ai cũng biết. Một người yêu quê, yêu chữ, yêu văn, yêu người, suốt đời gắn bó với làng quê, và chỉ viết chuyện của đảo Hà Nam.
Một "gã nhà quê" 75 tuổi, chưa qua một trường văn nào mà đã xuất bản đến 19 tác phẩm, gồm đủ thể loại: bút ký, khảo cứu, thơ, truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết... Xin cảm ơn ông - "người kể chuyện Hà Nam" - đã đưa những vị khách phương Nam trải nghiệm đầy đủ các tầng lớp lịch sử - văn hóa của hòn đảo kỳ lạ này.
![Hà Nam - hòn đảo lạ kỳ của nước Việt - Kỳ cuối: 'Tôi là người đảo Hà Nam!' - Ảnh 4.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/6/base64-1738859797679119422837.png)
l Anh hùng Nguyễn Công Bao – người con đảo Hà Nam hy sinh trên đất Sài Gòn - Ảnh tư liệu
Dấu ấn người Hà Nam trên đất Sài Gòn
Người đảo Hà Nam không chỉ giỏi đắp đê, làm ruộng, buôn bán, học hành, vẽ tranh và viết văn, mà còn giỏi đóng tàu thuyền và đánh trận. Nếu người Hà Nam xưa đóng tàu lớn để buôn đường dài vào tận Gia Định, thì đầu thập niên 1970, có một người Hà Nam gây nên tiếng vang trên trận địa Sài Gòn.
Người đó là anh hùng Nguyễn Công Bao, đặc công Rừng Sác, người đã tham gia trận tập kích đốt cháy tổng kho xăng Nhà Bè (Sài Gòn) hồi tháng 12-1973.
Chiến sĩ Nguyễn Công Bao quê xã Cẩm La (đảo Hà Nam) tình nguyện nhập ngũ năm 1968, là người đảo Hà Nam giỏi bơi lặn nên được chọn vào đặc công thủy. Năm 1972, chiến sĩ Bao vào chiến trường miền Nam và tham gia trung đoàn 10 đặc công Rừng Sác.
Đêm 2 rạng ngày 3-12-1973, ông cùng 7 người đồng đội tập kích và đốt cháy toàn bộ kho xăng Nhà Bè bên sông Lòng Tàu (Sài Gòn). Đó là một trận đánh lớn với chiến thắng vang dội, nhưng chiến sĩ Nguyễn Công Bao đã không trở về. Ông được tuyên dương "Hành động Anh hùng", truy tặng Huân chương Chiến công hạng nhất.
![Hà Nam - hòn đảo lạ kỳ của nước Việt - Kỳ cuối: 'Tôi là người đảo Hà Nam!' - Ảnh 5. Hà Nam - hòn đảo lạ kỳ của nước Việt - Kỳ cuối: 'Tôi là người đảo Hà Nam!' - Ảnh 5.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/7/a2-1738915421669670914936.jpg)
Phong cảnh quê nhà - tranh của Lê Na - họa sĩ của đảo Hà Nam
Đến năm 2013, liệt sĩ Bao được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. TP.HCM đã đặt tên Nguyễn Công Bao cho một con đường ở huyện Cần Giờ, nối từ khu dân cư ra sông Lòng Tàu. Năm 2015, tên ông được đặt cho tuyến đường trên đảo Hà Nam, từ khu trung tâm về xã Cẩm La - nơi có ngôi nhà xưa và người vợ của ông vẫn đang ở đó.
Thật bất ngờ, nhà văn Dương Phượng Toại là bạn học của anh hùng Nguyễn Công Bao thuở thiếu thời ở làng Cẩm La.
Ông Toại cho biết tượng đài "Đặc công Rừng Sác" trong nghĩa trang liệt sĩ Nhơn Trạch (Đồng Nai) lấy từ nguyên mẫu hai chiến sĩ đã hy sinh trong trận đánh kho xăng Nhà Bè là Nguyễn Công Bao và Phạm Văn Tiềm. Họa sĩ Sĩ Nguyên, tác giả tượng đài, đã xác nhận thông tin này.
Ngày xưa, triều Nguyễn đã sắc phong cho dân các xã Hà Nam hai chữ "nghĩa dân". Ngày nay, vùng đảo Hà Nam có sáu người được Nhà nước vinh danh anh hùng trên mọi lĩnh vực lao động, đánh trận, học hành.
Hòn đảo này cũng là gốc gác và xuất thân của nhiều người tài giỏi hiện nay. Đó là: "chúa đảo" Tuần Châu Đào Hồng Tuyển, nhạc sĩ Huy Tuấn, nghệ nhân ưu tú Phạm Thanh Quyết, cựu thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận